Tín dụng tăng trưởng tích cực hơn, giúp các ngân hàng báo lãi hàng ngàn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Song nhìn sâu vào báo cáo tài chính của các nhà băng, có thể thấy, dự phòng rủi ro vẫn là nỗi ám ảnh cho dù tiến trình xử lý nợ xấu đang từng bước được đẩy mạnh kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về tháo gỡ vướng mắc cho câu chuyện này được ban hành.
Chi phí dự phòng cho các khoản nợ xấu khổng lồ đã chuyển sang VAMC cũng như nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn, đòi hỏi trích lập dự phòng rủi ro 100% giá trị) tăng tiếp tục bào mòn kết quả lợi nhuận thuần rất tích cực của các nhà băng nhờ tín dụng khởi sắc.
Trong 9 tháng đầu năm, Vietinbank ghi nhận lợi nhuận trước dự phòng rủi ro lên tới 13.895 tỷ đồng. Nhưng khoản dự phòng rủi ro nợ xấu đã “nuốt” tới một nửa con số lợi nhuận thuần này, chỉ còn 7.232 tỷ đồng sau trích lập.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại ACB, VPBank. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm của hai ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ 2016, khi VPBank đạt 11.255 tỷ đồng và ACB là 3.332 tỷ đồng. Nhưng con số trích lập dự phòng rủi ro cũng chiếm tới gần một nửa số lãi thuần này, khi VPBank trích lập 5.620 tỷ đồng, ACB trích lập 1.423 tỷ đồng.
Riêng trong quý III/2017, thu nhập lãi thuần của ACB tăng hơn 30% so với cùng kỳ, đạt 2.095 tỷ đồng nhờ tín dụng tăng trưởng tốt. Tính đến cuối quý III/2017, dư nợ cho vay khách hàng của ACB đạt 179.078 tỷ đồng, tăng 12,4% so với đầu năm. Nguồn thu từ dịch vụ cũng tăng mạnh lên 281 tỷ đồng.
Tuy chi phí dự phòng rủi ro của ACB cao gấp 2,75 lần cùng kỳ, nhưng nhờ tăng các nguồn thu nhập nên lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ ACB quý III tăng 75% lên 533 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ACB đạt 1.436 tỷ đồng, tăng 58%. Tỷ lệ nợ xấu do đó tăng từ 0,8% lên 1,04%.
Hội đồng quản trị ACB kỳ vọng sẽ sớm giải quyết được các khoản nợ xấu liên quan đến nhóm 6 công ty của “bầu” Kiên trước khi năm 2018 kết thúc. Điều đó sẽ tác động lên lợi nhuận, do các khoản dự phòng cho nhóm nợ trên được hoàn nhập.
Tính đến cuối quý III/2017, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) của BIDV tăng vọt hơn 51%, từ hơn 6.900 tỷ đồng lên 10.500 tỷ đồng. Vì vậy, chi phí dự phòng rủi ro tăng hơn 70% đã bào mòn phần lớn lợi nhuận quý này của Ngân hàng. BIDV báo lãi hợp nhất trước thuế 9 tháng giảm xuống 5.500 tỷ đồng. Những năm gần đây, BIDV luôn giữ vị trí “quán quân” về trích lập dự phòng rủi ro do nợ có khả năng mất vốn tăng.
Nhìn nhận về thực trạng nợ xấu của các ngân hàng, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Nghị quyết 42 của Quốc hội đi vào thực tế sẽ giúp quá trình xử lý nợ xấu được cải thiện, nhưng không thể kỳ vọng tiến trình này đẩy nhanh và các ngân hàng sớm hoàn nhập khoản dự phòng rủi ro.
Mới đây, Sacombank và VAMC đã ký kết thỏa thuận hợp tác về việc xử lý nợ xấu và tài sản tồn đọng của Sacombank đã bán cho VAMC trên cơ sở các quy định tại Nghị quyết 42. Mục tiêu trước mắt là trong năm 2017, Sacombank xử lý và thu hồi 20.000 tỷ đồng nợ xấu.
Nợ xấu của Sacombank đã giảm từ 6,91% đầu năm 2017 xuống 6,09% cuối tháng 9/2017, đây là con số cao nhất trong số các ngân hàng minh bạch về số liệu nợ xấu. Tuy nhiên, trong tổng nợ xấu của Sacombank tại thời điểm cuối tháng 9/2017 đạt 13.205 tỷ đồng, có đến 9.569 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn (tăng hơn 13% so với thời điểm đầu năm 2017).
Do đó, việc trích lập dự phòng cũng được đẩy mạnh với chi phí trích lập trong quý III/2017 là 139 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước hoàn nhập trên 54 tỷ đồng, nâng mức trích lập dự phòng 9 tháng lên gần 225 tỷ đồng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm Ngân hàng báo lãi trước thuế 1.026 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm trước và vượt 75% kế hoạch năm.
Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, mặc dù nợ xấu đang giảm, nhưng nợ nhóm 5 và tổng thể nợ xấu vẫn là mối lo của các ngân hàng. Lợi nhuận của ngân hàng hiện nay phụ thuộc vào việc xử lý, thu hồi nợ.
Chia sẻ được đưa ra từ ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, Eximbank đã điều chỉnh kế hoạch hoạt động ngay trong năm trước, khi nợ xấu của nhà băng này đã tăng đột biến lên 5,3%. Quý III vừa qua, Eximbank ghi nhận 59 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, kết quả này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ 2016, một phần do phải trích lập dự phòng cao.
Vân Linh (Tinnhanhchungkhoan.vn)