Áp lực tăng vốn vì Covid-19 ngày nay đến các nhà băng còn lớn hơn nhiều so với những năm trước loay hoay tăng vốn điều lệ để đáp ứng tiêu chí Basel II.
Sức ép tăng Covid-19 lên các ngân hàng ngày càng mạnh mẽ hơn. Ảnh minh họa: TTXVN.
Nhiều ngân hàng tăng gọi vốn
Thêm nhiều ngân hàng thương mại mới đây được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận tăng vốn điều lệ. Chẳng hạn như Ngân hàng ACB dự kiến tăng vốn điều lệ từ 16.627 tỉ đồng lên 21.615 tỉ đồng thông qua phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận với tỷ lệ 30%, hay Ngân hàng Bắc Á, dự kiến tăng lên từ 6.500 tỉ đồng lên 7.085 tỉ đồng.
Trước đó vào tháng 6, SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 9.369 tỉ đồng lên 12.088 tỉ đồng theo phương án đã được duyệt tại đại hội cổ đông năm ngoái.
Bên cạnh việc được chấp thuận phương án tăng vốn, nhiều ngân hàng cũng công bố thương vụ tăng vốn thành công từ đầu năm đến nay.
Điển hình như SHB, ngân hàng này tăng vốn điều lệ lên mức 17.558 tỉ đồng thông qua việc phát hành hơn 550 triệu cổ phiếu, bao gồm hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng. Trong năm nay, SHB dự kiến “đẩy” vốn lên đến con số 19.314 tỉ đồng.
Một điểm nhấn khác là Ngân hàng OCB cũng đã hoàn tất thương vụ tăng vốn từ việc phát hành riêng lẻ cho đối tác Nhật là Ngân hàng Aozora, đưa mức vốn điều lệ hiện hữu tăng từ 7.898 tỉ đồng lên 8.767 tỉ đồng. Chưa dừng lại, Ngân hàng này còn dự kiến tăng vốn điều lệ lên tới 11.275 tỉ đồng.
Trước đó, vào tháng 2, Ngân hàng Quân Đội (MB) thu về hơn 1.736 tỷ đồng tăng vốn từ việc phát hành riêng lẻ, nhưng mức thực hiện thấp hơn so với kế hoạch đặt ra, đưa mức vốn điều lệ của ngân hàng lên mức 24.370 tỉ đồng.
Đáng chú ý là cả những ngân hàng nhỏ cũng có các chuyển động tăng vốn mới. Theo đó, Ngân hàng Việt Á mới đây công bố hoàn tất đợt chào bán gần 93,4 triệu cổ phiếu ra công chúng, thu về gần 974 tỉ đồng để tăng vốn, nâng mức vốn điều lệ lên 4.473 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Công ty chứng khoán SSI, trong năm 2019, có 5 ngân hàng niêm yết đã tăng vốn điều lệ thành công. Hai thương vụ đáng chú ý nhất là Vietcombank huy động từ GIC (Singapore) và Mizuho (Nhật Bản) để tăng vốn thêm xấp xỉ 265 triệu đô la (tương ứng vốn tăng 3,1%), hay thương vụ BIDV phát hành 15% cổ phần cho Keb Hana Bank với giá trị 876 triệu đô la.
Có thể nhận thấy trong năm nay các ngân hàng tiếp tục đưa ra kế hoạch tăng vốn “khủng” và đồng loạt. Chẳng hạn như HDBank với kế hoạch tăng vốn từ mức 9.810 tỉ đồng lên hơn 16.088 tỉ đồng, thông qua phương án phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng từ nguồn thặng dư vốn cổ phần với tỷ lệ lên đến 65%. Tương tự, Ngân hàng VIB cũng dự kiến phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%, tăng vốn điều lệ từ mức 9.245 tỉ đồng đồng lên 11.094 tỉ đồng.
Trên thực tế, kế hoạch tăng vốn hàng năm đều được đưa ra, nhưng đa phần hoãn lại với lý do là tình hình thị trường không thuận lợi. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là đến mùa dịch Covid-19 thì nhiều ngân hàng đang nỗ lực tăng cường huy động vốn nhiều hơn.
Áp lực tăng vốn mùa dịch
Trong nhiều năm qua, áp lực tăng vốn của các ngân hàng ngày càng mạnh hơn khi hạn cuối thực hiện các tiêu chí an toàn mới theo chuẩn quốc tế Basel II cận kề. Đến kỳ Covid-19 lần này, các nhà băng thêm lần nữa đứng trước áp lực tăng vốn mạnh mẽ hơn.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, dịch bệnh Covid-19 khiến nợ xấu tăng lên, từ đó ảnh hưởng đến vốn chủ sở hữu ngân hàng (do phải trích lập dự phòng) giảm mạnh. “Lo ngại không đạt các tiêu chí an toàn trong Thông tư 41, nên nhiều ngân hàng rất nỗ lực trong việc tăng vốn”, ông Hiếu nhận định.
Do đó, vấn đề tăng vốn giúp “vùng đệm” an toàn của nhà băng được mở rộng, bên cạnh việc tăng khả năng cho vay, giúp ngân hàng tăng khả năng ứng phó với các khoản nợ xấu đang bị đe dọa tăng lên vì Covid-19, được nhiều nhà băng tập trung đưa vào mục tiêu cụ thể trong năm nay.
Trên thực tế, khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu diễn tiến phức tạp từ đầu quí 1, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không trả cổ tức bằng tiền mặt trong giai đoạn này, sử dụng khoản lợi nhuận giữ lại để đảm bảo thanh khoản và an toàn vốn. Các ngân hàng thương mại đã lấy phần lợi nhuận này để tranh thủ tăng vốn, điều mà các tổ chức tín dụng không dễ dàng thực hiện trong nhiều năm qua vì áp lực “đòi” cổ tức của cổ đông.
Tuy nhiên, thách thức tăng vốn trong thời kỳ dịch bệnh là hoàn toàn không dễ dàng, bởi sự lo ngại của giới đầu tư về sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu, đặc biệt là những khoản đầu tư vào ngân hàng là dài hạn. Báo cáo trước đó của nhiều định chế tài chính đều tin rằng, chi phí vốn của các nhà băng sẽ tăng lên trong bối cảnh tỷ suất lợi nhuận giảm đi.
Do đó, việc giữ lại lợi nhuận được xem là phương án tốt để giúp các ngân hàng nội địa tăng vốn, tăng nội lực trong giai đoạn này, dù còn đó những nghi ngại về “độ ảo” của lợi nhuận báo cáo khi nhiều khoản lãi chỉ là “dự thu”.
Chia sẻ trước đó, nhiều lãnh đạo ngân hàng Việt Nam cho rằng ảnh hưởng thực sự của dịch bệnh Covid-19 đến các nhà băng sẽ có độ trễ, ít nhất là vào cuối năm nay. Chất lượng tài sản của nhà băng cũng được nhiều chuyên gia tin rằng đang có xu hướng giảm đáng kể, dù được điều chỉnh bởi Thông tư 01, cho phép các ngân hàng tái cấu trúc nợ trong mùa Covid-19.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh năm 2021 và xa hơn, khả năng dẫn tới khủng hoảng tài chính tại Việt Nam sẽ phụ thuộc vào mức độ khỏe mạnh của hệ thống ngân hàng, dù hiện nay các ngân hàng hạn chế các khoản cho vay rủi ro. “Nếu ngân hàng khỏe mạnh thì nền kinh tế vẫn đứng vững, vẫn sẵn sàng cho vay, đến khi đại dịch được kiểm soát, dòng vốn vẫn luân chuyển thì nền kinh tế vẫn sẽ hồi phục được”, ông Thành nhìn nhận.
Trong một diễn biến có liên quan, NHNN mới đây đề xuất giãn lộ trình áp dụng tỷ lệ “tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn” trong 6 tháng hoặc 1 năm.
Theo NHNN thì việc giảm tỷ lệ này, từ mức 40% về 37% vào thời điểm đầu tháng 10 tới đây có thể dẫn đến phương án cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng gặp khó khăn, do dự kiến lượng tiền gửi sẽ còn giảm do tác động của Covid-19.
Việc lùi thời hạn thực hiện một trong số các tiêu chí an toàn của Basel II rõ ràng cho thấy, áp lực “chìm” của Covid-19 đến hệ thống ngân hàng còn lớn hơn “bề nổi” bên ngoài khá nhiều.