Nỗi lo mua nhà để dành cho con bắt đầu hiện diện ngày càng lớn ở lứa tuổi ngoài 40. Có người chỉ tính mua cho con trai, nhưng cũng có người thì bao nhiêu đứa con, chừng đó nỗi lo sắm nhà.
1.
Bữa rồi tôi gặp lại các anh chị em bà con sau một thời gian ai nấy đều lu bu việc của mình. Ngồi bên chén trà xanh đặc quánh, mọi người loay hoay nói chuyện việc gia đình này gia đình kia, rồi quay về chủ đề mua nhà. Ở lứa tuổi 40-50, nhà cửa ai cũng đàng hoàng đầy đủ rồi, con cái ai cũng đã khôn lớn học hành này nọ rồi. Bàn về chuyện mua nhà, chủ yếu chỉ để cho “tụi nó” lấy vợ, gả chồng.
Ông anh bà con mở màn câu chuyện, dù nhìn qua gia cảnh thì thấy ổn, nhưng nghe anh kể về các khoản đang phải quan tâm, lại thấy nan giải. Nhà anh có 2 con, gái lớn, trai út. Cô con gái đi Đông đi Tây học hành này nọ, rồi trở về trong nước làm việc. Lương tháng chỉ hơn 10 triệu đồng, vì kinh nghiệm chưa có nhiều. Thêm nữa lại lấy chồng, mang bầu, sinh con, thời gian đóng góp cho công ty bị gián đoạn kha khá, nên cũng không thể đề xuất tăng lương.
Cách nay hơn 1 năm, vợ chồng con gái quyết định ra ở riêng, nên mua căn hộ 2 phòng ngủ. Sau khi nghe con nói chuyện chỉ có 600 triệu đồng, mà căn hộ lại có giá 1,2 tỷ đồng, vợ chồng anh đã phải lấy nguyên 1 sổ tiết kiệm để đưa con bù vào phần còn thiếu hụt. Ngày chuyển tiền cho con gái và con rể, anh chị tuyên bố số tiền ấy chỉ cho đứt một nửa, còn lại là cho mượn. Sau 5 năm phải hoàn trả lại để “ông bà ngoại” còn lo chạy việc cho cậu út.
Mọi sự tưởng ổn rồi, vậy mà gần đây có người quen muốn bán chiếc xe hơi giá rẻ, anh chị mê quá vì mỗi lần đi thăm cháu ngoại nắng mưa vất vả. Khổ nỗi lại kẹt tiền. Lương hàng tháng của cả 2 vợ chồng làm giáo viên không phải quá dư dả gì. Tiền tiết kiệm cũng đã đưa con gái mua nhà rồi, đâu dễ gì chúng nó có để trả ngay. Anh kể, có lẽ phải đi mượn mỗi người một ít, để đủ tiền mua xe. Sau đó, lại cố gắng tiết kiệm hết mức trả dần.
2.
Bà chị khác, góp chuyện bằng kinh nghiệm mua nhà cho con trai từ trước khi cậu có người yêu. Nhà chị khá rộng, phòng ốc đầy đủ có thể cho con trai ở chung được, nhưng nhìn thấy xung quanh các cảnh mẹ chồng nàng dâu mà ngán vô cùng. Không muốn có va chạm mất vui, nên ngay từ lúc cậu con trai còn đang đi học, chị đã ý thức tiết kiệm ra khoản tiền để mua cho con căn nhà cấp 4 gần đó. Vì mua đúng vào lúc giá nhà đang cao, nên đã vét sạch tiền trong nhà. Việc xui rủi lại tới khi đang đi làm ở chỗ lương hậu hĩnh, thì ông chồng bị đổ bệnh. Không còn cách nào khác, chị cũng phải nghỉ làm để về chăm chồng.
Mọi thứ đang xông xênh, giờ bị eo hẹp lại, tính lui cũng không được mà tính tới cũng chẳng xong. Hỏi chị, tại sao không nghĩ tới việc cho con cái đi thuê nhà sau khi lấy vợ, lấy chồng, rồi tự thân chúng nó phải cố gắng để trả góp mua nhà ở, thì chị thở dài: “Cha mẹ nào cũng thương con cái, nước mắt chảy xuôi. Hơn thế nữa, lo được cho con trai căn nhà, thì cũng dễ để ăn nói với bên sui gia sau này. Lại sợ cháu mình sinh ra trong căn nhà trọ chật chội, thì cũng làm sao mà yên!”.
Câu chuyện của các ông anh, bà chị khiến tôi nhớ đến có lần qua Trung Quốc, 1 người bạn dẫn đi coi 4 - 5 căn hộ mà gia đình anh đã mua. Cả tòa nhà cao tầng chót vót, mà chỉ có lèo tèo vài hộ ở. Còn lại, cứ mua để đó, một cách giữ tiền cho đời con đời cháu sau này.
Rất nhiều căn hộ “ma” không ai ở như thế, khiến thị trường bất động sản Trung Quốc đã từng bị nổ bong bóng, bởi giá nhà bị đẩy lên quá cao. Người có nhu cầu ở thực thì chẳng thể mua nổi nhà, còn giới đầu tư, đầu cơ đã trường vốn, thì nhất định không hạ giá để bán cắt lỗ. Người nào yếu quá, đương nhiên đã bị “chết”, thị trường gạt ra một bên rồi.
Tâm lý phải mua nhà cho con vẫn còn rất nặng trong suy nghĩ của nhiều bậc làm cha làm mẹ. Cả đời có khi vất vả chỉ vì loay hoay mua hết căn nhà này lại lo mua sang căn nhà khác. Và cũng vì tâm lý này, mà để lại thói xấu ỷ lại từ thế hệ F1-F2. Một căn hộ thuê trong thời gian mới lập gia đình, sau đó vài năm vợ chồng trẻ đi làm có tích lũy, mua nhà trả góp, sẽ là bức tranh dễ chịu hơn, bớt áp lực cho người lớn tuổi.
Đinh Thu Hiền (Đầu tư Bất động sản)