Từ năm 2016 trở lại đây, số tiền đầu tư xây dựng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đi theo chiều hướng giảm.
Ít nguồn điện mới
Trong kế hoạch năm 2018, phần đầu tư xây dựng được EVN đặt mục tiêu với 117.842 tỷ đồng. So với giá trị khối lượng đầu tư toàn EVN năm 2017 là 130.934 tỷ đồng, hay 134.858 tỷ đồng của năm 2016, không khó khăn để nhận ra sự giảm sút.
Năm 2018, EVN lên kế hoạch đưa thêm vào 760 MW nguồn điện mới từ hai dự án là Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 mở rộng (660 MW) và Thủy điện Sông Bung 2 (2x50 MW). Con số này rất khiêm tốn so với tổng công suất 2.135 MW được đưa vào trong năm 2017. Còn năm 2016, EVN đưa vào phát điện 2.305 MW.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, một dự án hiếm hoi khởi công mới của ngành điện. |
Theo ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN, ngay cả năm 2019, các nguồn điện mới mà EVN đếm được để đưa vào vận hành mới cũng chỉ ở quanh mức 600 - 700 MW.
Cũng trong khoảng 2 năm trở lại đây, EVN đã trở nên “khiêm tốn” khi đầu tư các nguồn điện lớn. Trong năm 2016, chỉ có 1 dự án khởi công mới là Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng (600 MW) hồi tháng 4/2016. Kế hoạch khởi công Dự án Nhiệt điện Quảng Trạch 1 (1.200 MW) được đặt ra vào tháng 12/2017 cũng đã bị lùi sang năm 2018 và hiện nay chưa có thời điểm chính xác.
Hiện tổng công suất nguồn của toàn hệ thống là 45.000 MW. Theo tính toán của các chuyên gia, để đảm bảo tăng trưởng điện ở mức 10%, mỗi năm cần có thêm 3.000 - 4.000 MW nguồn điện mới.
Tuy nhiên, trông chờ nguồn điện mới của các nhà đầu tư ngoài EVN hiện không thấy nhiều khả quan.
Đơn cử, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là nhà đầu tư nguồn điện lớn thứ 2 sau EVN, nhưng hàng loạt dự án như Nhiệt điện Long Phú 1 (1.200 MW), Nhiệt điện Sông Hậu 1 (1.200 MW), hay Nhiệt điện Thái Bình 2 (600 MW) dù đã lùi tiến độ hàng năm so với đăng ký ban đầu mà hiện chưa chốt được chính thức thời điểm phát điện.
Năm 2017, cũng có 3 dự án BOT của ngành điện nhận giấy chứng nhận đầu tư, đó là Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,79 tỷ USD, quy mô 1.200 MW; Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1, tổng vốn đầu tư đăng ký 2,58 tỷ USD, với công suất 1.320 MW và Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD, với công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.
Tuy nhiên, bao giờ 3 dự án BOT này bước vào khởi công xây dựng phần nhà máy chính thì chưa biết, bởi 2 trong số đó chưa ký được Hợp đồng BOT.
Vốn là bài toán khó
Đại diện một dự án BOT đang triển khai cho biết, dự án BOT điện làm theo Hợp đồng BOT, nên bao giờ Hợp đồng BOT được ký kết mới được coi là “hòm hòm”. Nhưng khi nhà đầu tư nộp 2% tiền đặt cọc, Hợp đồng BOT mới chính thức có hiệu lực. Kể từ thời điểm đó, nhà đầu tư có 1 năm để hoàn tất các thủ tục thu xếp tài chính cho dự án rồi mới tiến tới bước khởi công. Sau đó, cần khoảng 4-5 năm để hoàn tất xây dựng toàn bộ dự án.
“Đã có những dự án ký được Hợp đồng BOT nhưng vẫn không thể chuyển sang bước khởi công xây dựng nhà máy, bởi không thu xếp xong tài chính”, đại diện một nhà đầu tư BOT điện nói.
Các lãnh đạo EVN cũng cho hay, thu xếp vốn cho các dự án điện thuộc EVN gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư bị vướng vấn đề bảo lãnh của Chính phủ để vay vốn nước ngoài do câu chuyện đảm bảo trần nợ công. “Hiện đã có các đơn vị của EVN tự vay mà không cần bảo lãnh, nhưng chỉ thực hiện được ở trong nước và chưa thể ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngay cả vay các ngân hàng trong nước thì cũng gặp khó khăn, bởi các dự án nguồn điện có vốn đầu tư lớn nên bị vướng quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng”, ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc EVN nói.
Đã có dự án lưới điện ký hợp đồng cả năm nay nhưng không giải ngân được, bởi vướng những quy định về giới hạn cho vay. Để mở lối thoát cho việc tìm vốn đầu tư, EVN đã triển khai hàng loạt biện pháp và chuẩn bị mời các tổ chức đánh giá tín nhiệm quốc tế vào xếp hạng. “Chúng tôi kỳ vọng tháng 4/2018 sẽ phát hành được đánh giá tín nhiệm với EVN, sau đó EVN sẽ tính toán để phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế”, ông Tri cho biết.
Dẫu vậy, mức trị giá trái phiếu doanh nghiệp mà EVN dự kiến sẽ phát hành trong năm 2018 chỉ cỡ 500 triệu USD, cũng vẫn là nhỏ so với nhu cầu vốn đầu tư của bản thân EVN.
Thanh Hương / baodautu