Dư địa cho giải pháp sáp nhập không còn nhiều
Sáp nhập là giải pháp đầu tiên được đưa ra để xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém trong đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015”. Các thương vụ sáp nhập trong năm năm qua đã diễn ra theo hai mô thức: Một là sáp nhập một ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn có mối quan hệ sở hữu chéo (DaiA Bank sáp nhập vào HDBank, MDB sáp nhập vào Maritime Bank, SouthernBank sáp nhập vào Sacombank); hai là một ngân hàng lớn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “mai mối” để nhận sáp nhập một ngân hàng nhỏ, đi kèm sự bù đắp bằng một số lợi ích nhất định (Habubank sáp nhập vào SHB, MHB sáp nhập vào BIDV, PG Bank đang hoàn thiện hồ sơ sáp nhập vào VietinBank, Saigonbank được NHNN chủ trương cho sáp nhập vào Vietcombank).
Tuy nhiên, việc xử lý các ngân hàng yếu kém bằng giải pháp này từ năm 2016 có thể sẽ không còn sôi động như các năm trước do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tình trạng sở hữu chéo giữa các TCTD đã giảm đáng kể (theo thống kê của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ bảy cặp trong năm 2012 xuống chỉ còn ba cặp hiện nay). Thứ hai, số ngân hàng có thể nhận sáp nhập không còn nhiều do ba ngân hàng mà Nhà nước sở hữu cổ phần chi phối đều đã tham gia quá trình sáp nhập (riêng thương vụ Vietcombank - Saigonbank dù đã được NHNN xác nhận nhưng hiện chưa có thông tin gì thêm). Các ngân hàng khác như MBB, VPBank, ACB, Techcombank thì có vẻ không hào hứng lắm với kế hoạch nhận sáp nhập một ngân hàng yếu hơn. Thứ ba, hiệu quả thực sự của giải pháp sáp nhập đến nay vẫn chưa rõ ràng.
Câu hỏi với “phương án 0 đồng”
Nếu không áp dụng giải pháp sáp nhập, hợp nhất thì các ngân hàng thương mại (NHTM) trong diện tái cơ cấu được NHNN cho thời gian để tự tái cơ cấu. Sau một thời gian tự tái cơ cấu không thành công, đã có ba NHTM bị NHNN mua lại bắt buộc với giá 0 đồng. Giải pháp này được nhiều người đánh giá là sáng tạo và thực tế đã góp phần bảo đảm an toàn, ổn định cho thị trường tiền tệ. Tuy nhiên, xung quanh “phương án 0 đồng” vẫn còn nhiều băn khoăn chưa được giải thích thỏa đáng.
Thứ nhất, ở góc độ ngân sách nhà nước, mặc dù nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trả lời trước Quốc hội rằng việc mua ngân hàng 0 đồng “không gây thiệt hại kinh tế cho Nhà nước” nhưng phát biểu này mâu thuẫn với thực tế là Nhà nước đã mua lại các ngân hàng này với giá 0 đồng trong khi giá trị thực (theo đánh giá của NHNN) là một con số âm. Nếu coi Nhà nước là một doanh nghiệp, rất dễ để hiểu được giá trị của doanh nghiệp ấy tăng hay giảm sau khi sáp nhập ba công ty con có giá trị thực âm rất lớn với mức giá mua bằng 0.
Thứ hai, đối với các cổ đông của Vietcombank và VietinBank (trừ cổ đông Nhà nước), họ có quyền băn khoăn khi phải chia sẻ nguồn lực để hỗ trợ các ngân hàng 0 đồng mà chưa chắc những “cơ chế” được NHNN trao cho có đủ bù đắp hay không.
Thứ ba, đối với các cổ đông nhỏ lẻ của các ngân hàng 0 đồng, mặc dù phải chấp nhận rủi ro với quyết định đầu tư của mình nhưng thực tế họ rất thiệt thòi khi thiếu thông tin giám sát từ ban kiểm soát và từ chính cơ quan quản lý nhà nước. Đến khi NHNN thông báo việc mua 0 đồng thì cổ đông nhỏ lẻ mới biết giá trị đầu tư của họ không còn. Những ông chủ thiểu số cũng hoàn toàn mù tịt thông tin về việc định giá, kiểm toán của NHNN. Họ có quyền thắc mắc rằng ngoài những khoản nợ xấu, khoản phải thu, khoản thiếu quỹ đã được trích lập theo quy định thì các tài sản khác như mạng lưới trụ sở, bất động sản, máy móc, hệ thống công nghệ, giá trị thương hiệu đã được định giá theo giá thị trường hay chưa.
Thứ tư, khả năng và thời gian phục hồi của các ngân hàng 0 đồng cũng đang là câu hỏi khó. Nếu NHNN không bơm vốn thực mà chỉ duy trì cơ chế “vốn điều lệ danh nghĩa” thì việc phục hồi vốn chủ sở hữu của các ngân hàng 0 đồng hoàn toàn là từ lợi nhuận. Thử hỏi với tình trạng nợ xấu và khả năng cạnh tranh rất yếu của các ngân hàng này thì bao nhiêu năm nữa mới có lãi thực, và khi đã có lãi thì bao nhiêu năm nữa mới hết tình trạng âm vốn chủ sở hữu, sau đó mới nói đến việc bù lại mức vốn pháp định (3.000 tỷ đồng)?
Giải pháp nới room chi phối cho nhà đầu tư ngoại
Các nhà đầu tư nội hiện đang bị hạn chế về tài chính, do đó cần mạnh dạn nới room chi phối để mở cửa cho khối ngoại tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém. Nhưng điều gì khiến một ngân hàng yếu kém trở nên hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài và tại sao phải nới room chi phối?
Trước hết, ngành ngân hàng Việt Nam chưa bao giờ hết “độ nóng” với vốn ngoại do tiềm năng lớn của một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, dân số đông thứ 13 toàn thế giới, mật độ dân số cao, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ ngân hàng còn thấp (khoảng 30%), sức cạnh tranh của các ngân hàng chưa cao. Hiện nay, thủ tục để lập một ngân hàng 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam không dễ, chưa tính đến việc mở rộng mạng lưới hoạt động thì càng khó hơn do những hạn chế của Thông tư 21/2013/TT-NHNN. Do đó việc mua lại một ngân hàng yếu kém mang đến những cơ hội lớn cho nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng rào cản lớn nhất của dòng vốn ngoại đầu tư vào ngành ngân hàng lâu nay chính là quy định về tổng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và người liên quan không vượt quá 30% vốn điều lệ của một TCTD. Có một thực tế là vai trò và đóng góp của các cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM nhiều năm qua khá hạn chế. Nguyên nhân là tỷ lệ nắm giữ 30% không đủ để các cổ đông ngoại có tiếng nói quyết định trong hoạt động quản lý, điều hành. Do đó, nếu muốn vốn ngoại tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém thì cả Chính phủ và các cổ đông trong nước phải chấp nhận nới room lên tỷ lệ chi phối, tức trên 50% vốn điều lệ của ngân hàng.
Thiết nghĩ, chủ trương của Nhà nước và cơ sở pháp lý cho việc “nới room” đều đã có, đã đến lúc các ông chủ ngân hàng yếu kém nên tích cực hơn trong việc tìm kiếm đối tác ngoại, chấp nhận mất quyền chi phối, chấp nhận một mức giá đủ để hấp dẫn nguồn tiền thực vào tái cơ cấu ngân hàng. NHNN và Chính phủ cũng cần nhanh chóng đánh giá, xét duyệt các yêu cầu nới room (nếu có) từ ngân hàng yếu kém, thậm chí cần đóng vai trò “bà mối” tìm kiếm, giới thiệu các đối tác ngoại đến các ngân hàng này. Có như vậy mới đẩy nhanh được quá trình tái cấu trúc ngân hàng.
(Theo Kinh tế Sài Gòn)