Là một trong những doanh nghiệp nhà nước thuộc hàng có tên tuổi, và như thể được “hơi” ở cái tên, Công ty Xuân Hòa cứ ổn định một cách đáng kinh ngạc nhiều thập kỷ qua. Chính vì thế, lúc tính chuyện cổ phần hóa, có người từng hỏi, tại sao phải thay đổi khi “cái gì cũng tốt”?
Đang tốt, sao phải sửa?
Thành lập từ năm 1980, tiền thân là Xí nghiệp Xe đạp Xuân Hòa - một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Hà Nội, Xuân Hòa là cái tên quen thuộc với nhiều thế hệ người dân Việt Nam.
Nội thất Xuân Hòa, hay cách người tiêu dùng gọi nôm na là bàn ghế Xuân Hòa, có thể được nhìn thấy ở bao gia đình, nhà trường, công sở, từ nông thôn đến đô thị những năm 80 của thế kỷ XX.
Thiết bị máy móc kỹ thuật hiện đại, công nghệ cao giúp các công nhân không mất quá nhiều sức lực để hoàn thiện sản phẩm
Sau này, dù đồ nội thất ngày càng phong phú, dù hàng Trung Quốc giá rẻ len lỏi từng ngóc ngách, sản phẩm Xuân Hòa vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Đây đó, người ta mua về một bộ bàn ăn, bộ bàn ghế văn phòng, hay cái tủ giày tiện lợi.., mà cũng không để ý, đó là sản phẩm Xuân Hòa.
Nội thất Xuân Hòa có chỗ đứng nhất định như vậy không chỉ là câu chuyện cảm tính. Khoa học hẳn hoi, kinh tế hẳn hoi, ấy là năm nào Xuân Hòa cũng tăng trưởng, thấp thì 1 – 2%, cao hơn thì đến 4-5%. Một doanh nghiệp năm nào cũng tăng trưởng, chưa kể còn “năm sau cao hơn năm trước” như cách người ta hay nói mỗi dịp tổng kết, lại chả là điều bao doanh nghiệp mơ ước?
Vì thế, có thể nói gọn một câu, mọi thứ đều đang tốt cả, nên chẳng có lý do gì để mà phải thay đổi!
Thừa nhận Xuân Hòa có một nền tảng tốt mà không nhiều doanh nghiệp Việt có được, ông Lê Duy Anh, Tổng giám đốc CTCP Xuân Hòa Việt Nam còn chỉ ra rằng, điều đặc biệt ở Xuân Hòa là suốt hơn 3 thập kỷ phát triển, Xuân Hòa không quá thăng trầm như những công ty tiếng tăm một thời, mà rất ổn định.
Công ty có đội ngũ cán bộ đều tay, có dàn máy móc nhập từ nước ngoài vẫn đang chạy tốt, và như đã nói, vẫn có chỗ đứng nhất định trên thị trường. Từ năm 1996, Công ty đã trở thành đối tác sản xuất khung ghế ô tô cho Hãng Toyota (Nhật Bản), được các tập đoàn nội thất hàng đầu thế giới tin tưởng hợp tác, như IKEA (Thụy Điển), Habitat (Pháp), Sankin (Nhật Bản)…
Gỡ gánh nặng tư duy hơn 3 thập kỷ
Tháng 11/2015, Xuân Hòa chính thức sang một trang mới, với việc ra mắt Công ty cổ phần Xuân Hòa Việt Nam. Trước đó, Công ty TNHH MTV Nội thất Xuân Hòa chào bán lần đầu ra công chúng hơn 5,4 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.300 đồng/cổ phần và 100% cổ phần đã được bán, tổng giá trị cổ phần là gần 60 tỷ đồng, cao hơn 3,8 tỷ đồng so với mức giá khởi điểm. Sau cổ phần hóa, vốn điều lệ dự kiến của Nội thất Xuân Hòa là 201 tỷ đồng.
Nếu chỉ nhìn vào những thông số ấy, có lẽ cuộc “đổi đời” của Xuân Hòa đã thuận buồm, xuôi gió và con đường phía trước đầy ánh sáng. Nhưng tiền đồ của một doanh nghiệp có truyền thống nhiều thập kỷ không được quyết định chỉ bằng cái “mác” công ty cổ phần.
“Mình tiến chậm mà đối thủ tiến nhanh, thì mình vẫn tụt lại phía sau. Do đó, nếu ai đó muốn hỏi chính xác thời điểm nào Xuân Hòa từng đứng đầu thị trường thì có lẽ không nhiều người nhớ. Nhưng hơn 35 năm làm việc mà không chịu áp lực phải tăng trưởng đã tạo nên một lực cản trong tư duy không dễ thay đổi”, ông Lê Duy Anh chia sẻ.
Quả thực, không dễ để thay đổi lối suy nghĩ đã được hình thành trong 35 năm - khoảng thời gian đủ để đón nhận hai thế hệ cán bộ vào làm việc ở một doanh nghiệp như ở Xuân Hòa.
Việc đầu tiên của ban lãnh đạo mới là phân tích để toàn bộ CBNV thấy được sức khỏe thực sự của Công ty, và quan trọng hơn, là thấy được tiềm năng phát triển của doanh nghiệp, rằng tất cả có thể chung tay làm được nhiều hơn thế, tốt hơn thế.
Khi bắt tay nhận nhiệm vụ, chỉ sau một tháng, ban lãnh đạo Công ty đã tổ chức cuộc họp chiến lược với toàn bộ cán bộ chủ chốt, để mọi người tự phân tích về Công ty, sau đó đối chiếu với đánh giá của chuyên gia độc lập, so sánh với các doanh nghiệp cùng ngành, các đối thủ chính… Công ty còn cử những đoàn cán bộ đi tham khảo, học hỏi ở những doanh nghiệp phát triển ở cả trong nước và nước ngoài, tận mắt nhìn thấy thiết bị, công nghệ, quản lý của đối thủ, đối tác.
Cách làm không mới, nhưng hiệu quả thì thấy rõ. Ví như, Xuân Hòa đang dùng máy đột dập của nước ngoài, anh em đều đánh giá rất tốt, chưa cần thiết phải thay. Chỉ khi được tận mắt xem một doanh nghiệp bạn sử dụng chiếc máy đột dập liên hoàn hiện đại, có năng suất gấp đôi với 60 nhát dập 1 phút, anh em mới phục chuyện “mình tốt, họ còn tốt hơn”. Chỉ một thay đổi nhận thức đó được chuyển hóa, áp dụng vào thực tế sản xuất, Xuân Hòa đã có thể đáp ứng nhiều được đơn hàng yêu cầu nhanh về thời gian mà trước đó thường “lắc đầu”, mặc cho đối thủ “vợt” mất.
Hay đơn cử, khi vị chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu, đánh giá tồn kho trên công đoạn sản xuất của Công ty đang ở mức 12 tỷ đồng, nếu tối ưu hóa, sau một năm có thể giảm mức tồn kho chỉ còn 2 tỷ đồng. Hầu hết mọi người hoài nghi và dù không nói ra, nhưng ngấm ngầm có ý không tin kết quả đó.
“Nếu mỗi cá nhân không tin mình có thể làm được, rồi hàng trăm cá nhân đều không tin mình có thể làm tốt hơn, thì sẽ rất khó thay đổi. Rất mừng là qua từng bước, hoài nghi đã dần chuyển thành sự tin tưởng và cho kết quả khả quan”, ông Duy Anh nói.
Thực tế, mới chỉ sau 3 tháng tối ưu hóa, tồn kho bán thành phẩm trên công đoạn sản xuất hiện giờ chỉ ở mức 5,5 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với trước. Hay thời gian đáp ứng đơn hàng, giờ cũng chỉ còn 5 ngày, giảm hơn một nửa so với trước, năng suất lao động tăng 20%.
Chờ đợi một Xuân Hòa mới
Những chuyển biến sau một năm cổ phần hóa và sự vào cuộc của các chuyên gia, kỹ sư, người lao động nhằm tối ưu hóa hiệu suất đang đem lại cho Xuân Hòa quả ngọt ban đầu. Năm 2016, Công ty dự kiến đạt doanh thu 437 tỷ đồng, tăng trưởng 10,5%, so với trung bình khoảng 3% các năm trước, riêng doanh thu xuất khẩu tăng 18%.
Nhưng đó mới là bước đầu tiên nhằm đưa Xuân Hòa lớn mạnh tương xứng với tên tuổi của nó. Bước đi dài hơi hơn đã được vạch ra, đó là phát triển thương hiệu và đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm, phát triển thị trường.
“Chúng tôi rất ngạc nhiên và thích thú khi sau nhiều tháng nghiên cứu, các chuyên gia thương hiệu cho biết rằng, Xuân Hòa đang giữ được tài sản quý giá, đó là niềm tin của người tiêu dùng về độ bền sản phẩm. Bên cạnh đó, là sự gần gũi, gắn bó, có những người mua sản phẩm Xuân Hòa như một lẽ tự nhiên. Công ty phải giữ được sự tin tưởng đó và nhân nó lên hơn nữa. Đó là lý do chúng tôi chọn slogan mới cho Xuân Hòa là Mãi gắn bó, mãi bền lâu”, ông Lê Duy Anh tiết lộ. |
Công ty đã lần đầu tiên thành lập Phòng Nghiên cứu - Phát triển (R&D), gồm những nhân sự chất lượng cao, phụ trách từng nhóm ngành hàng, nghiên cứu sâu về vật liệu, công nghệ, mẫu mã các nhóm hàng này từ các đối thủ và nước ngoài. Đây là công việc rất tốn kém kinh phí, lại không cho ra “tiền tươi thóc thật” nên nếu không quyết tâm, không nhìn dài hạn thì rất khó có thể mạnh tay làm.
Công tác mở rộng thị trường, tiếp thị sản phẩm cũng được Xuân Hòa tiến hành bài bản. Đã qua cái thời phòng bán hàng chỉ gồm dăm người, ngồi một chỗ và “bán hàng qua điện thoại”. Nay, đội ngũ bán hàng gần 30 người của Xuân Hòa đã lăn lộn khắp các tỉnh thành, tới từng đại lý, cửa hàng để giới thiệu, tiếp thị sản phẩm, thu thập thông tin đối thủ cạnh tranh, ghi nhận phản hồi thị trường, giải quyết chế độ hậu mãi… Đến nay, Công ty đã có khoảng 1.500 điểm bán hàng, gấp 5 lần trước kia.
Lần đầu tiên, ngoài công ty liên doanh sản xuất sản phẩm cho Toyota, Xuân Hòa chủ động tiếp cận thị trường nước ngoài và những đơn hàng đầu tiên đã xuất sang Myanmar từ tháng 8 vừa qua, sắp tới có thể là Mỹ, Trung Đông….
“Tất cả đều được lập trình bài bản để đánh thức những thế mạnh của Công ty, vươn tới đích doanh nghiệp ngàn tỷ trong vòng 5 năm tới. Chúng tôi đang tìm kiếm đối tác chiến lược không nhằm cung cấp tài chính mà là có kinh nghiệm, có công nghệ để cùng Xuân Hòa biến Việt Nam thành bàn đạp, xuất khẩu sản phẩm Xuân Hòa, sản phẩm made in Việt Nam ra những thị trường lớn, khắt khe ở nước ngoài”, ông Lê Duy Anh tiết lộ.
“Chúng tôi đánh giá cao tầm nhìn và quyết tâm đổi mới công nghệ của lãnh đạo CTCP Xuân Hòa Việt Nam. Công ty đã đầu tư các thiết bị máy móc công nghệ mới nhất trong ngành, như máy uốn tự động công nghệ cao CNC của hãng Salvagnini (Ý) trị giá 23 tỉ đồng, máy đột tự động Amada (Nhật) hiện đại nhất hiện nay, trị giá hơn 7 tỉ đồng. Sau 3 tháng áp dụng các bộ công cụ quản lý về năng suất chất lượng, từ mức trung bình 14 ngày sản xuất 1 sản phẩm, thời gian đã giảm xuống còn 6 ngày 1 sản phẩm. Dự kiến, sau 6 tháng nữa, thời gian sản xuất 1 sản phẩm sẽ chỉ còn 1 ngày. Khi đó, năng lực cạnh tranh của Xuân Hòa sẽ cao hơn hẳn và giá sẽ giảm mạnh” - Ông Aoyagi Yutaka - chuyên gia tư vấn về năng suất chất lượng.
Bá Thư