Việc vay ngoại tệ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn nên sau khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 07, các ngân hàng cũng tranh thủ thúc đẩy dòng vốn.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa triển khai sản phẩm “Cho vay đa ngoại tệ” dành cho khách hàng doanh nghiệp. Cụ thể, Sacombank triển khai cho vay nhiều loại ngoại tệ như: Đô-la Mỹ (USD), Euro (EUR), Đô-la Úc (AUD), Bảng Anh (GBP), Frank Thụy Sỹ (CHF), Yên Nhật (JPY), Đô-la Singapore (SGD), Đô-la Canada (CAD), Bath Thái (THB)… Phương thức cho vay và thanh toán nợ linh hoạt theo từng lần hoặc theo hạn mức tín dụng, ngoại tệ dùng để thanh toán nợ có thể cùng hoặc khác loại ngoại tệ đã vay theo nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo đại diện ngân hàng này, việc triển khai cho vay đa ngoai tệ nhằm giúp doanh nghiệp có thêm nhiều lựa chọn về loại ngoại tệ vay nhằm bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro biến động tỷ giá, tiết giảm chi phí trong thanh toán và chủ động chọn đồng tiền thanh toán có lợi khi ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu.
Ban hành quy định ngừng cho vay ngoại tệ với một số đối tượng kể từ ngày 1/4, nhưng chỉ sau đó 2 tháng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại “nới” quy định này với việc cho phép các ngân hàng thương mại cho vay ngoại tệ trở lại. Ngân hàng Nhà nước cho biết, thông tư sửa đổi được ban hành là trên cơ sở trong những tháng đầu năm 2016, kinh tế vĩ mô xuất hiện những khó khăn, thách thức .
Theo các chuyên gia, thông tin này đã mang lại niềm vui cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu. Ngân hàng giờ đây có cơ hội đẩy tăng trưởng tín dụng đi nhanh hơn. Doanh nghiệp xuất khẩu trong khi đó có thể vay được nguồn vốn với chi phí rẻ hơn bởi lãi suất cho vay đối với USD với kỳ hạn dài cũng chỉ bằng một nửa mức lãi suất tiền Đồng, qua đó giúp hỗ trợ hoạt động xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một số chuyên gia lại tỏ ra thận trọng và lo lắng hơn khi việc nới lỏng cho vay ngoại tệ sẽ có thể tiếp tục gây sức ép giảm giá lên đồng Việt Nam, vốn đang chịu nhiều áp lực do đồng USD có xu hướng mạnh lên.
Trước những mặt trái mà quy định nới lỏng cho vay ngoại tệ có thể gây ra, theo một số chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước trước mắt chỉ áp dụng quy định này từ tháng 6 đến hết năm nay là phù hợp. Bởi đây là khoảng thời gian vừa đủ để Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, vừa để đánh giá lại và điều chỉnh quy định này nếu cần thiết.
Theo đó, kể từ 1/6/2016, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay; khi được tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân vốn cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/12/2016.
Hữu Quang / DĐDN