Việc xã hội hóa đầu tư 2 nhà ga T3, T4 để mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên 45 triệu lượt hành khách/năm đang thu hút nhiều nhà đầu tư và các hãng hàng không lớn trong nước.
Gương mặt quen
Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) là nhà đầu tư trong nước mới nhất gia nhập cuộc đua giành quyền đầu tư Dự án Nhà ga hành khách T3, T4 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong đề xuất được gửi tới Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào tuần trước, ông Nguyễn Hạnh, Chủ tịch HĐTV IPP muốn được cùng tới Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) đầu tư vào việc xây dựng 2 nhà ga hành khách theo quy hoạch và chủ trương được phê duyệt.
Cần phải nói thêm rằng, IPP là đối tác quen thuộc của ACV từ nhiều năm nay. Ngoài việc cùng là cổ đông lớn, nhà đầu tư chiến lược của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không Tân Sơn Nhất (SASCO), IPP cũng đang tham gia cung cấp hàng miễn thuế tại nhiều cảng hàng không lớn trong nước.
Tổng diện tích đất của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng thêm khoảng 47ha sau khi mở rộng. |
Bắt đầu từ năm 2016, IPP đã trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng hàng không, khi trở thành cổ đông lớn nhất của Công ty cổ phần Nhà ga hành khách quốc tế Cam Ranh để đầu tư 1 nhà ga mới có công suất từ 4 - 8 triệu hành khách/năm, với tổng mức đầu tư lên tới 3.735 tỷ đồng.
Với năng lực tài chính, quản lý vận hành khai khác cảng hàng không lâu năm, Chủ tịch IPP cam kết, nếu được Bộ GTVT chấm, liên danh nhà đầu tư này sẽ thực hiện và hoàn thành nhà ga T3, T4 trong vòng vỏn vẹn 18 tháng tính từ thời điểm khởi công. “ IPP sẽ sớm cùng với ACV lập dự án đầu tư trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để chính thức khởi động công trình”, ông Nguyễn Hạnh cho biết.
IPP không phải là nhà đầu tư duy nhất quan tâm đầu tư vào 2 công trình cảng hàng không ngay cả khi quy hoạch điều chỉnh cảng hàng không lớn nhất, sầm uất nhất Việt Nam vẫn trong bước lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Theo thông tin của Báo Đầu tư, đầu tháng 3/2017, Liên danh Công ty cổ phần Kết cấu thép Atad - Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Nam Việt Á (những nhà thầu xây lắp dân dụng và thi công kết cấu thép) đã đệ đơn tới Bộ GTVT xin trở thành cổ đông trong doanh nghiệp dự án xây dựng T3, T4.
Tuy nhiên, Vietjet mới là nhà đầu tư dạm hỏi sớm nhất khi ngay từ tháng 1/2017, hãng hàng không tư nhân lớn nhất Việt Nam đã đề nghị Bộ GTVT cho phép đầu tư nhà ga T4 có công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm tại lô đất tiếp giáp khu vực sân đỗ 21 ha. Ngoài nhà ga T4, Vietjet cũng xin đầu tư Dự án Tổ hợp kỹ thuật và dịch vụ hàng không Vietjet tại khu đất 30 ha – Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, với tổng mức đầu tư lên tới 3.048 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà ga hàng hóa công suất 300.000 ha/năm; khu sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật tàu bay và chế biến suất ăn.
Sẽ xã hội hóa đầu tư
Được biết, đầu tháng 3/2017, Cục Hàng không Việt Nam đã trình Bộ GTVT phương án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Mặc dầu vẫn sẽ có không ít thay đổi, nhưng tờ trình của Cục Hàng không Việt Nam vẫn cung cấp một cái nhìn tương đối toàn diện về phương án huy động vốn đối với việc nâng công suất nhà ga này.
Cụ thể, đối với quy hoạch khu hàng không dân dụng, phương án được lựa chọn điều chỉnh sẽ xây mới Nhà ga hành khách lưỡng dụng T3 và T4, với công suất thiết kế mỗi nhà ga đạt 10 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất thiết kế của Nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất lên mức 45 - 48 triệu hành khách/năm.
Phương án này cũng lựa chọn xây mới khu dịch vụ kỹ thuật, hangar (nhà đỗ máy bay), sân đỗ tàu bay trước hangar trên khu đất 30 ha phía Bắc của Cảng. Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây mới khu dịch vụ kỹ thuật gồm khu bảo dưỡng sửa chữa thiết bị máy bay, kho hàng, khu chế biết suất ăn, khu tập kết… tại khu đất 10 ha phía Đông Nam của Cảng.
Đối với quy hoạch giao thông, đường trục ra vào sân bay, phương án này sẽ cải tạo, mở rộng đường 18E nối từ đường Cộng Hòa vào nhà ga hành khách T4, đồng thời cải tạo, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để nối từ đường Cộng Hòa vào nhà ga T3.
Về tổng quy hoạch sử dụng đất, theo Cục Hàng không Việt Nam, tổng diện tích đất của sân bay Tân Sơn Nhất hiện có 574,44 ha, đến năm 2030 sẽ tăng lên 621,20 ha (không bao gồm đất quân sự quản lý), trong đó: diện tích đất khu bay dùng chung do hàng không quản lý là 435,48 ha, diện tích đất do hàng không quản lý là 121,46 ha, diện tích đất quân sự đã liên danh với hàng không 17,50 ha, diện tích quốc phòng quản lý, tạm thời bàn giao cho hàng không dân dụng làm sân đỗ máy bay là 26,9 ha, diện tích đất mở rộng để xây dựng nhà ga T3, T4 là 19,86 ha.
Tổng mức đầu tư của Dự án vào khoảng 13.500 tỷ đồng, huy động từ nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau, gồm vốn nhà nước chỉ đầu tư vào các hạng mục trong khu bay, các hạng mục còn lại gồm 2 nhà ga T3 - T4 sẽ huy động vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
“Do tính chất cấp bách của Dự án tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (triển khai không quá 2 năm), Cục Hàng không cũng đã kiến nghị Bộ GTVT chấp thuận cho phép áp dụng cơ chế đặc thù để huy động nguồn vốn xã hội hóa”, ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết.
Theo đó, ACV sẽ ứng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp để triển khai ngay các hạng mục khu bay này, nhằm đáp ứng tiến độ hoàn thành. Nguồn vốn hoàn ứng cho ACV sẽ được thu xếp theo hình thức: Bộ GTVT báo cáo Chính phủ ghi vốn hoàn ứng cho dự án trong kế hoạch bổ sung đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 ( bổ sung danh mục dự án sử dụng nguồn vốn dự phòng của đầu tư công trung hạn 2016 - 2020); hoặc cho phép giữ lại khoản thu nộp ngân sách nhà nước hàng năm của 3 Cảng vụ hàng không (khoảng 190 tỷ đồng/năm 2016) và giữ lại khoản tiền cổ tức trên phần vốn nhà nước hàng năm của ACV (khoảng 150 tỷ đồng/năm 2016) để hoàn ứng cho dự án.
Hiện tại, đối với khu hàng không dân dụng, ACV với tư cách “chủ nhà” đã đề nghị Bộ chủ quản cho phép huy động vốn xã hội hóa để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách quốc nội Tân Sơn Nhất với phương án là thành lập công ty cổ phần với vốn nhà nước tham gia không quá 30%.
Anh Minh / baodautu