Những ngày đầu năm 2016, giá khóm (dứa) vùng đất phèn Tân Phước (Tiền Giang) nằm ở mức cao và có xu hướng tăng nên nông dân trồng khóm vô cùng phấn khởi. Với giá khóm thu mua tại ruộng nằm ở mức 6.500 -7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì nông dân trồng khóm có lãi không dưới 50 triệu đồng/ha.
Với giá khóm thu mua tại ruộng ở mức 6.500-7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì nông dân trồng khóm có lãi không dưới 50 triệu đồng/ha (xã Mỹ Phước, Tân Phước)
Ông Lê Văn Nhật, nông dân trồng khóm ở xã Mỹ Phước, huyện Tân Phước cho biết, hiện nay giá bán khóm loại tốt có giá 7.000 đồng/kg, thậm chí một số nông dân ký được hợp đồng cắt khóm giao đến tận các nhà máy chế biến nông sản ở TP. Hồ Chí Minh bán với giá 8.000 đồng/kg. Nguyên nhân khiến giá khóm nằm ở mức cao là do thời điểm này sản lượng khóm trên ruộng không nhiều nhưng các công ty chế biến nông sản đang đẩy mạnh thu mua khóm nguyên liệu để chế biến xuất khẩu nên dự báo giá khóm vẫn ổn định ở mức cao trong vài tháng tới.
Theo ông Nhật, sau Tết Nguyên đán, giá khóm thường nằm ở mức cao do sản lượng khóm trên thị trường thấp. Tuy nhiên, gía khóm giảm trong thời gian trước và sau Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng năm âm lịch) lại giảm do khóm vào mùa thu hoạch tự nhiên, sản lượng lớn. Sau thời điểm này vài tháng thì giá khóm mới bắt đầu tăng trở lại khi khóm vào vụ nghịch. Đây cũng là quy luật hàng năm của vùng trồng khóm ở địa phương này. Do đó, để gia tăng hiệu quả kinh tế đối với người trồng khóm thì việc tập trung xử lý khóm cho trái vụ nghịch được người trồng khóm đặc biệt quan tâm.
Nhiều nông dân trồng khóm có kinh nghiệm ở huyện Tân Phước cho biết, mỗi năm khóm có thể cho thu hoạch 3-4 lần tuỳ thuộc vào cách xử lý của từng nông hộ với năng suất khóm đạt bình quân 15-20 tấn/ha. Hiện nay, giá thành sản xuất khóm bao gồm chi phí chăm sóc, phân bón, xử lý khí đá, công cắt… khoảng 2.500 đồng/kg, tính ra nông dân lãi bình quân 5.000 đồng/kg. Thông thường mỗi nông dân trồng khóm ở vùng đất phèn Tân Phước có 4-5 ha, thậm chí có nông dân có đến hơn 20 hecta khóm.
Do hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, từ lâu cây khóm đã được tỉnh xác định là cây ăn trái chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất phèn Tân Phước và đã được đăng ký chỉ dẫn địa lý, do vậy diện tích trồng khóm ở khu vực này đã gia tăng theo từng năm. Theo Phòng NN&PTNT huyện Tân Phước (Tiền Giang), toàn huyện hiện có hơn 15.000 ha khóm, tập trung nhiều nhất ở các xã Thạnh Mỹ, Mỹ Phước, Hưng Thạnh, Thạnh Tân, Thạnh Hòa, Tân Hòa Đông, Tân Lập 1, Tân Lập 2, và Phước Lập với sản lượng khóm cung cấp cho thị trường trong nước và chế biến xuất khẩu hàng năm khoảng 250.000 tấn.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của bà con trồng khóm là khi vào mùa thu hoạch rộ thì giá khóm rất thấp, khó tiêu thụ, trong khi người trồng khóm không thể trữ khóm lại để chờ giá như đối với hạt lúa. Vì vậy, nhiều bà con trồng khóm mong muốn tỉnh cần có chính sách thu hút đầu tư đối với ngành chế biến rau quả, đặc biệt là trái khóm để tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cho trái khóm Tân Phước.
Hiện nay, huyện Tân Phước đã xây dựng được 1 mô hình nhóm nông dân sản xuất khóm của HTX Quyết Thắng đạt chứng nhận VietGAP lần 1 vào năm 2009 với quy mô 30 ha và đạt chứng nhận VietGAP lần 2 vào năm 2013 với quy mô 37 ha. Đây là điều kiện để xây dựng thương hiệu khóm Tân Phước, giúp cây khóm ở địa phương này phát triển hiệu quả và bền vững.
Theo Thành Công / baocongthuong.com.vn