“Tính chung, trong 1 năm, doanh thu của làng tôi vào khoảng vài chục tỷ đồng, riêng doanh nghiệp của tôi thu được hơn 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí nhân công, nguồn nguyên liệu,...”, chủ một doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội cho biết.
Bát dừa được khảm trai, ốc và vỏ trứng rất được ưa chuộng tại thị trường trong nước và quốc tế. (Ảnh: Hồng Vân) |
100% nhân công tại làng nghề sơn mài, khảm trai Trương Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội đều là nông dân. Nhưng do đây là làng nghề truyền thống đã có hơn 1000 năm tuổi nên nông dân cũng làm nghề để kiếm thêm thu nhập.
Theo đó, thu nhập của nhân công tại làng nghề này khá cao, tùy vào năng suất và mức lành nghề. Người thợ có đôi bàn tay vàng sẽ đạt khoảng 15 triệu đồng/tháng và giảm dần theo mỗi mức nhưng thấp nhất như thợ đánh giấy giáp cũng có thu nhập 6 triệu đồng/tháng.
Trong đó, ngoài những mặt hàng mỹ nghệ có giá trị cao như sập, gụ, tủ chè, các doanh nghiệp tại làng nghề này còn sản xuất những mặt hàng gia dụng như hộp khăn giấy, bát vỏ dừa, giá đựng đồ đa năng, hộp đựng bút,...
Đáng nói, những sản phẩm này đều tận dụng nguồn nguyên liệu đã qua sử dụng như gỗ vụn, vỏ trai, ốc biển hay vỏ trứng,... với giá rất rẻ để làm nên những sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh thu của những sản phẩm này không hề nhỏ.
“Tính chung, trong 1 năm, doanh thu của làng tôi vào khoảng vài chục tỷ đồng, riêng doanh nghiệp của tôi thu được hơn 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí nhân công, nguồn nguyên liệu,...”, chủ một doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc một doanh nghiệp tại làng nghề này cho biết, mặc dù nhập 1 tấn gỗ vụn có giá hơn 20 triệu đồng, vỏ dừa khoảng 9.000 – 10.000/vỏ dừa, vỏ trứng thu mua theo cân khoảng 50.000 – 70.000 đồng/kg... nhưng công chế tác để ra sản phẩm thì khá lâu, đòi hỏi sự tỉ mẩn và lành nghề của người thợ.
“Nguyên liệu có giá nhập rẻ nhưng mua về cũng phải xử lý chứ không sử dụng luôn được. Gỗ vụn chỉ sử dụng được khoảng 50% và phải phân loại gỗ rất lâu. Mỗi vỏ dừa thì cũng chỉ làm được 1 cái bát và vỏ trứng, vỏ trai, ốc thì phải đến mùa chúng tôi mới thu mua được”, bà Hương nói.
Hơn nữa, vì là sản phẩm thủ công mỹ nghệ nên thời gian để hoàn thành sản phẩm cũng khá lâu. Theo bà Hương, với những hộp khăn giấy bằng gỗ, đầu tiên, gỗ vụn sẽ được nhân công cho vào máy để phân chia ra các loại gỗ to, nhỏ nhằm sử dụng vào những mục đích khác nhau. Sau đó sẽ qua tay thợ đánh giấy ráp, thợ đục và cuối cùng là thợ đánh bóng và hoàn thiện sản phẩm.
Hộp đựng khăn giấy với những mẫu mã, kiểu dáng khác nhau. (Ảnh: Hồng Vân) |
Được biết, một hộp khăn giấy được làm thủ công như vậy có giá bán buôn trung bình là 90.000 đồng/chiếc, bán lẻ là 200.000 đồng/chiếc và tăng, giảm giá tùy theo số lượng của đơn đặt hàng.
Về sản phẩm bát dừa, vỏ dừa được nhập hoàn toàn từ Bến Tre và được thợ mài nhẵn và tròn. Sau đó, vỏ trai, ốc xà cừ được gắn vào trong lòng bát và sẽ được đánh bóng, tráng màu, hoàn thiện sản phẩm. Được biết, sản phẩm bát dừa có giá thấp hơn, bán lẻ khoảng 45.000 – 55.000 đồng/chiếc.
Bà Hương chia sẻ, bát dừa và hộp khăn giấy là sản phẩm chủ lực của làng nghề sơn mài khảm trai này. Riêng với doanh nghiệp của bà, mỗi tháng xuất khẩu được 10 vạn chiếc bát dừa này.
Sản phẩm của doanh nghiệp này cũng đã từng xuất khẩu đi Ba Lan, Úc, Cộng hòa Séc, Nhật Bản, Mỹ,... Trong đó, với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp của bà Hương đã xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ này hàng chục năm nay.
“Thực ra thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp tôi đã khá ổn định rồi nhưng tôi rất hy vọng khi lần đầu tiên được tiếp cận thị trường đầy tiềm năng là Thái Lan. Tham gia Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan lần này, tôi hy vọng có bước đầu về nghiên cứu thị trường, nếu được chúng tôi sẽ ký hợp đồng và xuất khẩu hàng sang đây và năm sau nếu có tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan tôi vẫn đi”, bà Hương cho biết.
Sản phẩm bát dừa khảm trai, ốc rất được người tiêu dùng Thái quan tâm. (Ảnh: Hồng Vân) |
Bà Hương cho biết, trong buổi kết nối cung cầu với doanh nghiệp bên Thái, doanh nghiệp của bà đã được gặp gỡ và trao đổi với 3 doanh nghiệp Thái và 2 trong số này rất hứng thú với doanh nghiệp của bà. Tuy nhiên, họ cũng rất phân vân rằng làm thế nào để có thể nhập khẩu được hàng hóa của chúng tôi vào Thái Lan.
Đáng nói, những doanh nghiệp này chia sẻ ở Thái Lan, sản phẩm bát dừa này cũng có nhưng nó có giá bán buôn khoảng 200 baht (tương đương khoảng 137.000 đồng) trong khi sản phẩm của tôi chỉ có 40 baht (khoảng 28.000 đồng).
“Nguyên nhân là do họ phải mua hàng qua nhiều trung gian còn tôi là nhà sản xuất trực tiếp bán sản phẩm nên giá thành thấp hơn”, bà Hương giải thích.
Bên cạnh đó, những gian hàng bày bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ được trưng bày trong Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan không thể đếm xuể có bao nhiêu người hỏi và muốn mua. Người tiêu dùng Thái nói rằng đây là lần đầu tiên người Thái thấy sản phẩm gia dụng vừa đẹp, sang trọng và tốt cho sức khỏe vì được làm bằng những nguyên liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường.
Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ được làm từ sừng trâu, tre nứa,... cũng rất được người tiêu dùng Thái Lan quan tâm. (Ảnh: Hồng Vân) |
Được biết, tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan lần thứ 2 này diễn ra từ ngày 17/8 đến hết ngày 21/8 tại Trung tâm thương mại Central Plaza Ladprao Bangkok, một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở Bangkok, Thái Lan.
Chương trình năm nay thu hút được hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm hơn 20 doanh nghiệp ngành thực phẩm và hơn 20 doanh nghiệp hàng gia dụng, thời trang, giày dép, phụ kiện và lưu niệm tham gia.
Hồng Vân / dantri