Câu hỏi không thể bỏ qua khi khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là: Trồng cái gì và bán cho ai?
Tích tụ ruộng đất được coi như là một điều kiện cần để phát triển nông nghiệp. Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013, mở rộng hạn mức chuyển nhượng đất, tạo điều kiện mở rộng hạn điền, hiện vẫn được xem như giải pháp cởi trói cho việc tích tụ ruộng đất, tạo đà cho cá nhân hay doanh nghiệp tự tin đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, các ý kiến trao đổi với NCĐT lại nhìn nhận theo một cách khác.
Chén đắng nông sản Việt
Là người tiên phong trong việc tích tụ ruộng đất ở Vĩnh Phúc, anh Phạm Văn Cương, Giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp DKC, đã thuê lại ruộng đất của hơn 450 hộ dân, thuê những người nông dân đã mất ruộng làm việc cho Công ty với mức thu nhập tương đối ổn định. Triết lý của vị giám đốc trẻ này rất rõ ràng, tích tụ ruộng đất làm giàu cho bản thân và quê hương. Nhưng thực tế lại không được đẹp như vậy.
Bởi lẽ, dù sản lượng đạt như mong đợi nhưng Công ty gặp khó về đầu ra do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Bi kịch dưa hấu bán 500 đồng/kg, chuối tiêu hồng ‘’rụng đầy gốc’’ lặp lại khiến anh Cương lỗ tới bạc tỉ. Những thiệt hại do thiên tai cũng cộng thêm cho doanh nghiệp này những khoản lỗ khác. Lửa nhiệt huyết đang nguội dần ở vị giám đốc trẻ. Đằng sau nỗi buồn của DKC, câu hỏi không thể bỏ qua khi khuyến khích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là: Trồng cái gì và bán cho ai? Người nông dân khi không còn tấc đất cắm dùi và doanh nghiệp sử dụng họ lại thua lỗ thì họ đối mặt với đời sống ra sao?
Thi thoảng, người dân lại khấp khởi trước thông tin hoa trái Việt được các thị trường khó tính như Úc, Nhật, Mỹ… trao vé thông hành. Tuy nhiên, thực tế diễn ra hằng ngày là những câu chuyện ớt rớt giá một nửa vì thương lái Trung Quốc không mua, dưa hấu, thanh long, chuối... đổ cho bò ăn. Sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đang là hiện tượng nhức nhối của xuất khẩu nông sản Việt vẫn chưa tìm ra lời giải.
Trong khi đó, trên sân nhà, củ tỏi, trái chanh, mớ rau… ở các chợ cóc, chợ truyền thống vẫn nhập từ Trung Quốc. Phần nông sản Việt Nam còn giữ lại được ở kênh phân phối hiện đại rất khiêm tốn, lại phải chịu sức ép từ đại gia giàu kinh nghiệm nước ngoài như Aeon (Nhật), BJC (Thái Lan) và sắp tới có thể là Walmart (Mỹ). Kể cả có tạo ra được những sản phẩm tốt nhưng hàng Việt sẽ cạnh tranh thế nào là vấn đề mà Tiến sĩ Nguyễn Anh Phong, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Nông nghiệp, lưu tâm.
“Thứ nhất, các công ty nông nghiệp công nghệ cao chưa thể hiện chiến lược rõ ràng, hàng hóa hướng tới thị trường nội địa hay xuất khẩu. Thứ hai, ngay tại thị trường nội địa, chúng ta đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương, phải cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm nông nghiệp các nước khác nhập vào với mức thuế suất tiến tới 0%. Đây là vấn đề mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang rất cân nhắc, để xác định mặt hàng ưu tiên trong thời gian tới”, vị chuyên gia này chia sẻ với NCĐT.
Đặt trong bối cảnh gói 100.000 tỉ đồng hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao đang được coi như một cú hích cho nông nghiệp Việt. Tuy nhiên, bài học năm 2009 khi rất nhiều tiền vay ưu đãi đã không đi vào sản xuất mà chuyển sang các kênh đầu tư lợi nhuận cao như chứng khoán và bất động sản nhắc nhở chúng ta rằng phải giám sát chặt chẽ.
Trước những lo ngại này, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, ông đã từng biết những doanh nghiệp vay không đúng mục đích từ các gói ưu đãi. Bên vay và bên cho vay có những thỏa thuận, trong đó, tiền “lại quả” có thể lên tới 30-40% giá trị khoản vay. Cũng có những doanh nghiệp trình bày khó khăn vì không thể sở hữu quyền sử dụng đất lâu dài nhưng ý đồ tích tụ ruộng đất của họ là chuyển đổi mục đích sử dụng đất chứ không phải để làm nông nghiệp công nghệ cao.
“Nếu doanh nghiệp thật tâm đầu tư cho nông nghiệp thì tích tụ ruộng đất không phải là vấn đề. Trên thực tế, tại đồng bằng sông Cửu Long, việc canh tác trên diện tích 40-50ha rất nhiều, thậm chí, có những người sản xuất trên diện tích đất tới 600ha. Nếu chỉ vì mục đích lấy đất của nông dân mà không quan tâm tới việc làm của những người dân bị mất đất thì đi kèm với đó sẽ là những hệ lụy có thể dẫn đến sự mất ổn định xã hội”, Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định.
Mô hình trồng khoai tây
Trở lại với vấn đề tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, nhất thiết phải đảm bảo hai điều kiện, công nghệ cao thực sự và công nghệ cao nhưng phải tạo được công ăn việc làm cho người nông dân. Yêu cầu thứ hai tưởng như mâu thuẫn với triết lý “công nghệ cao”, giảm thiểu lao động cơ học của người nông dân nhưng không phải là không có giải pháp.
Đây không phải là lần đầu tiên trong các cuộc trao đổi với báo chí, Giáo sư Võ Tòng Xuân đề cập tới kế hoạch trồng khoai tây ở miền Bắc. Thấm thía thực tế trồng lúa thì không thể giàu được, trồng khoai tây công nghệ cao được vị chuyên gia đánh giá như một giải pháp thay thế đầy tiềm năng. Vị chuyên gia này giải thích: “Đầu tiên phải tính tới vấn đề đầu ra cho sản phẩm. Ở các nước phương Tây, khoai tây thu hoạch vào tháng 9 -10, ăn tới tháng 3 là hết khoai tây tươi. Sau đó, họ buộc phải dùng khoai tây đông lạnh. Trong khi đó, khoai tây miền Bắc thu hoạch vào mùa xuân, trong khoảng thời gian từ tháng 2 tới tháng 5. Nếu mạnh dạn tiếp thị sản phẩm sang các thị trường nói trên, hoàn toàn có khả năng chúng ta nhận được đơn hàng”.
Sau đó, doanh nghiệp sẽ phải tổ chức nguồn hàng để xuất đi. Tùy thuộc vào độ lớn của đơn hàng, họ có thể phối hợp với địa phương, tổ chức các hợp tác xã trồng khoai tây theo đúng quy trình kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế. Những người nông dân phải cam kết thực hiện đúng yêu cầu của doanh nghiệp, đồng thời được hỗ trợ về giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Có như vậy, sản phẩm mới đạt đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước ngoài.
Để đảm bảo có đủ giống đạt chất lượng phân phối cho nông dân, doanh nghiệp buộc phải áp dụng công nghệ cao, nhân giống khoai tây trong nhà kính bằng phương pháp thủy canh. Nghĩa là, doanh nghiệp phải đầu tư nhà kính, thực hiện cấy mô nhân ra hàng triệu cây, trồng trong các bể thủy canh trong nhà kính. Nếu dùng theo phương pháp cũ, phải mất một năm mới có giống khoai tây, không kịp phân phối cho nông dân đúng thời vụ.
Nông dân được tạo điều kiện thoát nghèo, còn doanh nghiệp có khoai chất lượng cao nhất để xuất khẩu. Phải đặt ra yêu cầu tích tụ ruộng đất theo cách như vậy. Tính toán lý thuyết và thực tiễn hành động bao giờ cũng chênh nhau một khoảng rất xa. Vì thế, đề xuất của Giáo sư Võ Tòng Xuân có thể chỉ được coi như một lời gợi ý với những nhà hoạch định chính sách. Chỉ cần nhớ rằng, làm bất cứ việc gì với người nông dân đều phải thật sự nghiêm túc và có tâm, đừng để cho doanh nghiệp sở hữu nhiều đất đai, còn người nông dân khi mất đất mà không có công ăn việc làm thì sẽ để lại những hệ quả tiêu cực.
Hoàng Hạnh / nhipcaudautu