Ảnh: Báo Quảng Ngãi
Vấn đề mấu chốt tạo nên tình trạng trì trệ nghiêm trọng của nền nông nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại không chỉ là áp dụng một mô hình phát triển không phù hợp, mà còn do đã sử dụng mô hình thiếu hiệu quả này quá lâu.
Vấn đề mấu chốt quan trọng nhất tạo nên tình trạng trì trệ nghiêm trọng của nền nông nghiệp Việt Nam ở thời điểm hiện tại không chỉ là áp dụng một mô hình phát triển không phù hợp, mà còn do đã sử dụng mô hình thiếu hiệu quả này quá lâu.
Và khi một nền nông nghiệp vốn đã được định hình bởi một mô hình phát triển không phù hợp, sẽ không dễ dàng để thay đổi trong một thời gian ngắn. Không dễ dàng để tái cấu trúc một khu vực kinh tế đang chiếm tới 47% lực lượng lao động của cả nước mà không gây ra những xáo trộn kinh tế xã hội mạnh mẽ.
Vì thế, thay vì hướng đến một cuộc cải tổ mạnh mẽ đến tận gốc, cách tiếp cận phù hợp hơn cả ở thời điểm hiện tại với nền nông nghiệp Việt Nam là hướng đến một giải pháp trung hòa: Cần một mô hình hợp tác xã mới.
Mô hình hợp tác xã trên thế giới
Trên thực tế, Việt Nam không phải là một trong số ít quốc gia vẫn sử dụng mô hình hợp tác xã trong nông nghiệp. Thực tế, mô hình hợp tác xã vẫn đang được rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, kể cả những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Đức hay Nhật Bản. Về lý thuyết, căn cứ vào năng suất lao động, mô hình trang trại quy mô lớn cũng được xem là một hiểu hợp tác xã nhưng hiện đại và hiệu quả hơn; một nông trại rộng hàng chục ngàn hecta có thể được điều hành với một số lượng nhân công tối thiểu, nếu được trang bị công nghệ và thiết bị kỹ thuật tiên tiến.
Nhưng mô hình hợp tác xã lại có những ưu điểm linh hoạt rất cần thiết trong nền kinh tế thị trường luôn biến động về nhu cầu nông sản. Cùng với đó là những lợi ích về mặt xã hội, như giải quyết vấn đề thất nghiệp. Bất cứ một nền kinh tế dù phát triển đến mức nào cũng có một giới hạn nhất định về sự toàn dụng lao động, làm xuất hiện một bộ phận thất nghiệp nhất định. Nhưng các hợp tác xã nông nghiệp, với nhu cầu nhân lực của mình, có thể giải quyết tình trạng đó.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mô hình hợp tác xã sẽ chiếm đại bộ phận nền nông nghiệp. Tại các nước có nền nông nghiệp phát triển, mô hình nông nghiệp chủ đạo sẽ vẫn là các trang trại quy mô lớn được cơ khí hóa, sản xuất các mặt hàng nông sản chủ đạo mà thị trường luôn có nhu cầu lớn như lương thực. Đan xen là các hợp tác xã, tập trung vào các mặt hàng nông sản chất lượng cao nhưng có nhu cầu thấp hơn.
Mỗi mô hình, dù là trang trại quy mô lớn hay hợp tác xã, đều có điểm mạnh riêng và việc kết hợp chúng hài hòa là nền tảng cho một nền nông nghiệp hiện đại.
Mô hình hợp tác xã ở Việt Nam
Mô hình hợp tác xã hiện nay ở Việt Nam được hình thành từ thời bao cấp, có phạm vi bao trùm lên toàn bộ ngành nông nghiệp cả nước, theo mô hình tổ chức của các nước xã hội chủ nghĩa.
Sau khoán 10, các hợp tác xã đa phần được giải thể hoặc hoạt động trên danh nghĩa. Các hợp tác xã ở Việt Nam kể từ sau khoán 10 chỉ còn giữ một vai trò khá khiêm tốn, thường chỉ gói gọn trong việc điều hành hệ thống thủy lợi, cung cấp giống và phân bón cho nông dân, công đoạn này được đánh giá là chiếm khoảng 5% khối lượng sản xuất nông nghiệp. Khoảng 95% còn lại, bao gồm sản xuất nông nghiệp, canh tác và nhất là bao tiêu sản phẩm cho người lao động vẫn do người nông dân tự thực hiện.
Trên thực tế, hợp tác xã hiện nay ở Việt Nam chỉ còn giữ vai trò tư vấn cho người nông dân thay vì có những ảnh hưởng nhất định đến việc tăng cường chất lượng sản xuất nông nghiệp. Rải rác xuất hiện một số hợp tác xã, trong đó các xã viên liên kết lại và thực hiện hợp đồng với một số doanh nghiệp trong việc sản xuất một số loại nông sản chất lượng cao.
Trong đó, hợp tác xã chịu trách nhiệm cung cấp giống, công nghệ và hướng dẫn sản xuất tới từng hộ nông dân, cũng như bao tiêu sản phẩm của người nông dân cho doanh nghiệp, tạo thành một vòng tròn sản xuất - thu mua khép kín. Nhưng số đó vẫn còn rất hạn chế.
Vì sao lại chọn mô hình hợp tác xã?
Trên thực tế, đối chiếu với mô hình sản xuất nông nghiệp tại các nước có nền nông nghiệp phát triển, hợp tác xã không phải là mô hình nông nghiệp chủ đạo. Tuy hợp tác xã ở các quốc gia này có sự gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp, quy trình sản xuất có trình độ cao và sản phẩm tạo ra đạt chất lượng tốt, nhưng thường có quy mô nhỏ, năng suất lao động cũng không thể bằng các trang trại quy mô lớn sử dụng máy móc công nghệ cao. Tại các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển, các trang trại quy mô lớn vẫn được xem là xương sống của nền nông nghiệp.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, mô hình hợp tác xã đang được đánh giá là phù hợp với các đặc điểm của ngành nông nghiệp, cũng như các điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn có khoảng gần 70% dân số Việt Nam sống tại các vùng nông thôn, ngành nông nghiệp cũng chiếm 47% lực lượng lao động cả nước. Việc cho phép tích tụ đất đai quy mô lớn để thành lập các trang trại quy mô lớn sử dụng máy móc hiện đại với số nhân công tối thiểu có thể gây ra những hệ quả xã hội lớn, như nạn thất nghiệp.
Hiện tại, sự phát triển của ngành công nghiệp và dịch vụ ở Việt Nam vẫn còn khá hạn chế để có thể thu hút một lượng lớn người lao động từ khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất cho mô hình nông nghiệp hiện đại.
Kể cả khi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tích tụ ruộng đất để hình thành các khu vực sản xuất nông sản quy mô lớn thì cũng chưa đủ để cải thiện những vấn đề cốt lõi của ngành nông nghiệp Việt Nam. Hiện chỉ có khoảng 1% các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp, với số lượng khoảng 3.500 - một con số khá khiêm tốn, các doanh nghiệp này cũng có quy mô không lớn để có thể thâu tóm một lượng lớn đất đai cho các dự án quy mô.
Kể cả khi cho doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng dự án thì cũng chỉ chiếm số ít, không cải thiện được gì nhiều. Khi mà thời điểm nông nghiệp Việt Nam phải hội nhập và chịu sức ép lớn đã ở rất gần, giải pháp khả dĩ nhất để vực dậy cả nền nông nghiệp là đổi mới mô hình hợp tác xã.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam có khoảng 11.000 hợp tác xã trên cả nước, dù phần lớn trong số đó là hoạt động trên danh nghĩa, nhưng thực tế vẫn đang là mô hình phủ khắp nền nông nghiệp toàn quốc. Nếu có thể đưa ra một mô hình tổ chức và hoạt động mới cho hợp tác xã, để tăng hiệu quả hoạt động, tình hình của cả ngành nông nghiệp sẽ được cải thiện một cách tương đối.
Những vấn đề lớn nhất của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là không tích tụ được đất đai, sản xuất manh mún và thiếu công nghệ sản xuất quy mô, đều có thể giải quyết nếu hình thành được một mô hình hợp tác xã nơi người nông dân liên kết lại và sản xuất theo một quy trình thống nhất.
Hợp tác xã khi đó sẽ đóng vai trò giống như tại các nước phát triển, làm trung gian giữa doanh nghiệp và người nông dân: giúp doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật và tiêu chuẩn sản xuất, đồng thời giúp thu mua sản phẩm của người nông dân để bán cho doanh nghiệp.
Nếu có đủ sự linh hoạt và khả năng, các hợp tác xã theo mô hình mới, các hợp tác xã trên toàn quốc có thể tự trở thành các hạt nhân trong việc vực dậy nền nông nghiệp tại địa phương mà không cần quá nhiều sự hỗ trợ và can thiệp từ phía Nhà nước.
Tuy đây vẫn chưa phải là giải pháp có thể giải quyết dứt điểm các vấn đề cốt lõi của nền nông nghiệp Việt Nam, nhưng trong bối cảnh hội nhập đã ở rất gần và nền nông nghiệp cần được vực dậy ngay lập tức, việc đổi mới mô hình hợp tác xã là phương án khả dĩ nhất.
(Theo motthegioi.vn)