Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, do ảnh hưởng của khô hạn và xâm nhập mặn nên giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp – thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 của tỉnh chỉ đạt 9.443 tỷ đồng, giảm 3,89% so với cùng kỳ; trong đó ngành nông nghiệp giảm 4,06%, ngành thủy sản giảm 2,83%.
Nước mặn tác động đến sự sinh trưởng và năng suất cây trồng. Ảnh minh họa: Lê Hiếu
Ông Nguyễn Minh Tho, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, ngành nông nghiệp của tỉnh đang hứng chịu thiệt hại “kép” từ đầu năm đến nay. Theo đó, toàn tỉnh có hơn 23.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi khô hạn và xâm nhập mặn với tổng thiệt hại gần 252 tỷ đồng; trên 3.950 ha lúa Hè Thu bị đổ ngã do mưa lớn kéo dài đúng vào thời điểm chuẩn bị thu hoạch, dẫn đến diện tích sản xuất lúa, màu, cây ăn trái đều giảm về năng suất và sản lượng.
Cụ thể, năng suất lúa Đông Xuân đạt 6,3 tấn/ha, giảm 0,7 tấn/ha, sản lượng giảm 46.500 tấn; ước năng suất và sản lượng lúa Hè Thu giảm 10%; sản lượng cây lâu năm đạt 301.500 tấn, giảm 1,84%; năng suất rau các loại bằng 99%...
Ảnh hưởng từ sản xuất nông nghiệp, thủy sản giảm đã kéo theo tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm chỉ đạt 4,14%, thấp nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.
Ông Nguyễn Minh Tho cho biết thêm, trong thời tới, tỉnh Vĩnh Long tập trung thực hiện nhiều giải pháp để giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp – thủy sản đạt 2,5% theo chỉ tiêu nghị quyết năm 2016 của Tỉnh ủy đề ra, hoặc có thể thấp hơn nhưng phấn đấu không để tăng trưởng âm.
Theo đó, tỉnh quyết liệt thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng các giải pháp đưa cây màu xuống ruộng, nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao. Ngành nông nghiệp tổ chức đánh giá bổ sung lịch thời vụ cũng như cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện hiện nay, đặc biệt là những ngành có thể đem lại thu hoạch cao như trồng cây lâu năm, cây màu, nuôi trồng thủy sản…
Tỉnh cũng tăng diện tích lúa Thu Đông ở những vùng phù hợp, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, bù lại sản lượng lúa Hè Thu bị sụt giảm. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh đưa cây màu xuống ruộng, nhất là các loại cây màu có hiệu quả kinh tế cao như khoai lang, bắp…; tổ chức chăm sóc tốt các vườn cây ăn trái ở những vùng không bị ảnh hưởng mặn như huyện Bình Tân, Mang Thít, Long Hồ để gia tăng năng suất.
Đối với chăn nuôi, tỉnh phát triển mạnh đàn bò, heo và gia cầm; tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản, nhất là thủy sản lồng, bè… để nâng cao năng suất, bù đắp lại sản lượng sụt giảm trong 6 tháng đầu năm./.
Phạm Minh Tuấn/TTXVN