Nông sản Long An phong phú về mặt hàng, chủng loại, đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng việc tiêu thụ vẫn bếp bênh, thiếu tính liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ lớn gần kề là TPHCM.
Cá nhân, doanh nghiệp tham quan, tìm hiểu nông sản tại một gian hàng trưng bày nằm trong khuôn khổ hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực của Long An sáng 13-9. Ảnh: Vũ Yến
Thông tin này được nêu bởi các chủ nhiệm, giám đốc một số hợp tác xã và nông dân Long An tại buổi hội thảo Kết nối giao thương, tiêu thụ hàng hóa nông sản chủ lực tỉnh Long An diễn ra sáng nay, 13-9, tại tỉnh này. Buổi hội thảo còn có sự tham gia của đại diện Sở Công Thương TPHCM và Long An, cùng đại diện một số siêu thị tại TPHCM.
Ông Đặng Duy Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất Dịch vụ và Thương mại Phước Thịnh, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, cho biết khó khăn của hợp tác xã chính là việc sản phẩm làm ra an toàn, đạt chứng nhận VietGap nhưng đầu ra không ổn định và thị trường tiêu thụ còn hạn chế. Sản phẩm của xã viên lớn, hợp tác xã thu mua không hết, bà con phải bán cho thương lái bên ngoài hàng ngày từ 5 đến 10 tấn.
Một khó khăn tiếp theo mà ông Dũng đề cập là chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của hợp tác xã, một số chính sách chưa được triển khai như chính sách về vốn, đầu tư...
Đại diện HTX sản xuất thanh long Long Trì, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An cho biết, hiện tại thị trường tiêu thụ trái thanh long sạch còn hạn chế, nhất là rất khó tiếp cận với các nhà nhập khẩu các nước. Bên cạnh đó, HTX luôn thiếu vốn kinh doanh và rất khó tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Đó là chưa kể bệnh đốm trắng không có thuốc đặc trị nên ảnh hưởng đến hình dáng bên ngoài và giá trị trái thanh long, nhất là vào mùa mưa.
Về phía người nông dân trực tiếp sản xuất nông sản, ông Trần Tiết Giao, nông dân xã Phước Hậu, Long An cho biết, mặc dù đa phần nông dân hiện nay đã được tham gia các lớp hướng dẫn sản xuất an toàn theo hướng VietGap, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học sơ cấp thú y, nhưng nhiều nông dân vẫn chưa quen sản xuất chăn nuôi theo hợp đồng, chưa quen tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, kỹ thuật, vì thế sản xuất còn manh mún, tự phát, nhỏ lẻ, nhất là tình trạng chăn nuôi theo phong trào dẫn đến tình trạng mất cân đối giữa cung và cầu.
Theo ông Giao, thực tế việc sản xuất, chăn nuôi theo quy trình VietGap chưa thu hút nông dân bởi giá thu mua sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap của các HTX cũng chỉ bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với thị trường tự do. Phía HTX cũng chỉ tiêu thụ hết khoảng 10% tổng sản lượng của nông dân, số sản phẩm còn lại hình dáng và màu sắc không hấp dẫn với thương lái bên ngoài. Nghiêm trọng hơn đã có không ít doanh nghiệp liên kết hợp đồng với nông dân rồi bỏ của chạy lấy người.
Ngoài ra, ông Giao cũng cho biết, hiện nay hợp đồng liên kết giữa HTX với nông dân còn rất hạn chế, chưa rõ ràng về mặt pháp lý, và thường bị phá vỡ khi có những biến động bất lợi cho một trong hai phía.
Có mặt tại hội thảo, bà Phạm Thị Minh Thu, Phó giám đốc kinh doanh của Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết hiện nay Saigon Co.op cũng đã hỗ trợ, tiêu thụ khá nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc Long An.
Cũng theo bà Thu, sản phẩm vào hệ thống Saigon Co.op phải đạt chất lượng cao, tuân thủ quy trình kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt và phải đảm bảo quy trình sản xuất an toàn bền vững, hàng hóa cung ứng đều đặn. Với những cơ sở, hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì rất khó đáp ứng yêu cầu. Vì thế Saigon Co.op mong muốn các hộ nông dân hoặc HTX tại Long An có sự liên kết chặt chẽ để cung ứng sản phẩm đều đặn, có chất lượng cao.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, nhu cầu tiêu thụ hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm của TPHCM là rất lớn, trong khi khả năng tự cung ứng chỉ đáp ứng được khoảng 20%, hơn 80% còn lại là từ các tỉnh. Theo đó, tiềm năng cung ứng cho TPHCM của các tỉnh là rất lớn, nhất là Long An, một tỉnh có nhiều loại nông sản với sản lượng và chất lượng cao, lại tiếp giáp với TPHCM, đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Vì thế, theo bà Trang, để cung ứng hàng hóa cho TPHCM, hộ nông dân, HTX sản xuất tại Long An nên chú trọng sản xuất nông sản, thực phẩm an toàn, đạt các chứng nhận VietGap, HACCP, GlobalGap… Đồng thời phải duy trì ổn định, bền vững nguồn nông sản, thực phẩm sạch.
Cũng theo bà Trang, Long An cần nghĩ tới việc thành lập đơn vị/hệ thống thu mua để kết nối những đơn vị sản xuất nhỏ lẻ với nhà phân phối – với người tiêu dùng.
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết, sở đang rà soát lại quy hoạch vùng sản xuất và sẽ sớm thực hiện quy hoạch vùng này. Ngoài ra sở cũng đang nghiên cứu chính sách hỗ trợ, khuyến khích hộ nông dân, HTX sản xuất.
Cũng tại hội thảo, đại diện các HTX, đơn vị sản xuất của Long An cũng đã ký kết các bản thỏa thuận, hợp tác cung ứng, phân phối nông sản, thực phẩm vào hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại TPHCM.
Vũ Yến / thesaigontimes.vn