Các sản phẩm như hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng) hay vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) tiếp tục được Bộ Công Thương và các doanh nghiệp đưa lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT), mở ra kênh tiêu thụ mới cho nông dân.
Cùng với kênh phân phối truyền thống, TMĐT đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiện đại và hiệu quả giúp nông dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp nông nghiệp hướng tới sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số và ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho hay.
Vải thiều Thanh Hà được truy xuất nguồn gốc rõ ràng trước khi đưa lên sàn TMĐT Lazada. Ảnh: Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số
Vải thiều Thanh Hà lên sàn TMĐT
Từ ngày 14-5-2021, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương chính thức lên sàn thương mại điện tử Lazada. Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương tỉnh Hải Dương, Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ) và nền tảng TMĐT Lazada Việt Nam triển khai hoạt động này.
Lazada phân phối vải thiều Thanh Hà với hình thức giao hàng nhanh trong 4 giờ đến tận tay người tiêu dùng tại Hà Nội và TPHCM để đảm bảo tối đa sự tươi ngon và hương vị đặc trưng của loại đặc sản này.
Ghi nhận tại TPHCM một số người tiêu dùng cho biết sau khi đặt hàng thì trong vòng 2-4 giờ sau đã nhận được hàng và trái vải vẫn còn rất tươi.
Ông James Dong - Tổng giám đốc Lazada Việt Nam, cho biết: "Sau vải Thanh Hà, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Cục Xúc tiến thương mại, cùng các đối tác và địa phương khác để đưa thêm nhiều đặc sản Việt Nam lên nền tảng thương mại điện tử Lazada. Qua đó, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng và mở thêm một kênh kinh doanh hiệu quả cho các doanh nghiệp, nhà bán hàng Việt”.
Vải thiều Thanh Hà được mở bán trong gian hàng tỉnh Hải Dương trong khuôn khổ chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại trên nền tảng Lazada với giá ưu đãi cùng chính sách hỗ trợ giao hàng. Bên cạnh đó, Lazada cũng sẽ triển khai các hoạt động quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng.
Từ đầu tháng 4, Cục Xúc tiến thương mại đã làm việc và hỗ trợ các sàn TMĐT kết nối với các đơn vị sản xuất tại Hải Dương, liên kết với những doanh nghiệp thu mua với cơ sở vật chất đảm bảo cho hoạt động quản lý chất lượng.
Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ (Công ty Rồng Đỏ) là đơn vị đồng hành của chương trình. Rồng Đỏ vừa là đơn vị đầu mối thu mua, vừa trực tiếp hỗ trợ hậu cần vận chuyển, kho lạnh, đóng gói đảm bảo quy cách để đưa sản phẩm tươi đến tay người tiêu dùng.
Các chương trình như “Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia” trên các sàn thương mại điện tử như Voso.vn, Sendo.vn mà Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang triển khai sẽ hỗ trợ doanh nghiệp địa phương và nông dân tiếp cận phương thức kinh doanh mới và ở góc độ nào đó, nhanh chóng hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi số quốc gia.
Gần 30 tấn hành tím Vĩnh Châu đã được tiêu thụ qua sàn TMĐT
Tính đến ngày 15-5-2021, 10 ngày từ khi triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ hành tím Vĩnh Châu, gần 30 tấn nông sản này đã được tiêu thụ thông qua sàn TMĐT và chương trình “Gian hàng Việt trực tuyến”. Đây là chương trình hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Sàn TMĐT Voso.vn (Viettel Post) triển khai từ cuối năm 2019.
Để triển khai chương trình, sàn TMĐT Voso.vn cùng với cán bộ Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đã thành lập nhóm chuyên trách hướng dẫn các hợp tác xã các bước như đăng bán, đóng gói, livestream sản phẩm, lên đơn hàng và vận chuyển tiêu thụ.
Sau 10 ngày triển khai hỗ trợ tiêu thụ, đã có gần 10.000 đơn hàng đã được đặt mua với gần 30 tấn hành tím đã đến tay người mua. Theo báo cáo từ sàn TMĐT Voso.vn, lượng đơn hàng vẫn tăng lên hàng ngày, trung bình tiêu thụ từ 3-5 tấn/ngày. Hiện tại, chương trình vẫn đang được sàn TMĐT Voso.vn phân phối với mức giá ưu đãi cho người mua và hỗ trợ phí vận chuyển. Ước tính sau khi kết thúc chương trình vào cuối tháng 5-2021 sẽ có khả năng tiêu thụ được khoảng 150 tấn hành tím đặc sản cho nông dân huyện Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng.
Tư vấn và triển khai truy xuất nguồn gốc Cục Xúc tiến thương mại đã phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc hỗ trợ các doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, theo dõi nhật ký sản xuất, chống hàng giả hàng nhái và kém chất lượng. Truy xuất nguồn gốc hỗ trợ người tiêu dùng có đầy đủ thông tin minh bạch về sản phẩm từ nguồn nguyên liệu, sản xuất, chế biến… Với sản phẩm vải thiều Thanh Hà và một số sản phẩm tiêu biểu của Hải Dương, các cán bộ của Cục Xúc tiến thương mại đã tập huấn, hướng dẫn thực địa và trực tiếp hỗ trợ các đơn vị sản xuất của Hải dương nhập dữ liệu từ nhiều tháng nay. Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm nông sản của Hải Dương cũng đã dược triển khai cho các nông sản khác nhu bắp cải, su hào, cà rốt trong thời gian hỗ trợ Hải Dương trong thời gian cách ly do dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm vụ thu đông vừa qua. Trong nỗ lực đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà và một số sản phẩm tiêu biểu khác của Hải Dương lên sàn TMĐT, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ toàn bộ các khâu tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn nhập liệu và tem nhãn cho sản phẩm. |