Nông sản Việt tuy phong phú nhưng người nông dân quá cực nhọc để làm ra trong khi giá trị thu được của họ luôn thấp so với các lao động lĩnh vực khác.
Ảnh minh họa.
Tại hội thảo “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới”, do UBND tỉnh Bến Tre phối hợp Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP. HCM tổ chức ngày 23/6, ông Abhineet Kaul, Giám đốc bộ phận tư vấn công và chính phủ, Tập đoàn tư vấn Frost & Sullivan kể: "Khi ra thị trường thế giới, hỏi dừa ở đâu ngon nhất thì câu trả lời là Philippines. Nhưng tôi thấy dừa Việt Nam, đặc biệt dừa Bến Tre hoàn toàn có thể so sánh với dừa Philippines. Đó là câu chuyện thương hiệu và tôi nghĩ Việt Nam không còn thời gian để chần chừ trong việc xây dựng thương hiệu cho hàng nông sản nữa”.
Theo ông Abhineet Kaul, thương hiệu phải được xây dựng bằng những kế hoạch, chiến lược cụ thể, trong đó có sự hỗ trợ của Chính phủ, xông xáo của doanh nghiệp và sự hợp tác của người nông dân. Điều đó phải được thực hiện lâu dài, bền bỉ.
GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ nhận xét, nông sản Việt tuy phong phú nhưng người nông dân quá cực nhọc để làm ra trong khi giá trị thu được của họ luôn thấp so với các lao động lĩnh vực khác. Nguyên nhân là do kỹ thuật sản xuất lạc hậu cùng với quy mô nhỏ nên sản phẩm chất lượng kém, luôn thừa thãi trong từng thời điểm.
“Tôi cho rằng nhà nước cần nhanh chóng tạo được cấu trúc hạ tầng như giáo dục, y tế, thông tin liên lạc, giao thông vận tải để tiếp bước cho nông sản đạt giá trị cao hơn. Bên cạnh đó, việc cải cách cơ chế, chính sách pháp luật cấp thiết phải tiến hành ngay như vấn đề quyền sở hữu và tích lũy ruộng đất, tín dụng nông thôn đầy đủ, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nông dân; kiểm định tốt về chất lượng vật tư nông nghiệp; tạo hành lang quy chuẩn nghiêm về kiểm định chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; điều tiết sự cạnh tranh và tự do mậu dịch trên thị trường”, GS-TS Võ Tòng Xuân nói.
Theo Báo Thanh Niên