Là 2 thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam và Hoa Kỳ đều hy vọng những ưu đãi mới sẽ giúp hàng hóa lưu thông dễ dàng hơn. Một trong những lĩnh vực đáng chú ý là nông sản. Các cam kết trong TPP sẽ mở ra thị trường mới cho nông sản Việt Nam nhưng cũng đặt ra những thách thức mới cho ngành nông nghiệp nội địa khi mà những ưu đãi sẽ khiến nông sản ngoại tràn vào ồ ạt.
Nông sản Hoa Kỳ sẽ đổ bộ vào Việt Nam
Theo TPP, Việt Nam sẽ hạ dần lãi suất xuống mức 0% cho hàng loạt mặt hàng thực phẩm và nông sản, giúp các doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ có một sân chơi bình đẳng tại Việt Nam so với các quốc gia đối thủ không tham gia TPP. Ngoài vấn đề thuế quan, hiệp định TPP cũng giải quyết các rào cản phi thương mại như vấn đề vệ sinh và kiểm dịch thực phẩm.
Sau khi hiệp định chính thức có hiệu lực, những sản phẩm thực phẩm và nông sản được hưởng lợi của Hoa Kỳ sẽ bao gồm: các sản phẩm chăn nuôi như thịt bò, bơ sữa, thịt lợn, gia cầm và trứng; sản phẩm cây trồng; ngũ cốc và hạt có dầu; bông, thức ăn đã qua chế biến, thuốc lá ….
Việt Nam hiện nhập khẩu khá nhiều ngô, bông từ thị trường Hoa Kỳ. Mặc dù vậy, thuế quan mà Việt Nam đang áp dụng đối với mặt hàng này đều thấp (0-5%), do đó nếu TPP loại bỏ thuế ở mảng này, nông sản tương ứng của Việt Nam sẽ không gặp khó khăn hơn hiện nay.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ có thế mạnh trong các sản phẩm như sữa, thịt bò, thịt gia cầm, thịt lợn. Với thuế suất hiện tại, Việt Nam cũng đang nhập khẩu khá nhiều từ Hoa Kỳ, nếu mở cửa các mặt hàng này, nguy cơ sản phẩm tương tự của Việt Nam gặp khó khăn khi cạnh tranh với sản phẩm cùng loại từ Hoa Kỳ là rất lớn.
Một vấn đề lớn tại Việt Nam chính là kỹ thuật làm nông nghiệp chất lượng cao còn tương đối hạn chế, trong khi đó chỉ số tin tưởng của người tiêu dùng đang sụt giảm đối với các sản phẩm thực phẩm. Đây sẽ là ngách giúp cho nền nông nghiệp chất lượng cao như Hoa Kỳ có thể khai khai thác triệt để thị trường nội địa.
Theo số liệu thống kê từ Hoa Kỳ, Việt Nam luôn là một trong những thị trường thực phẩm và nông sản tăng trưởng nhanh nhất của nước này. Tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) hai loại mặt hàng này của Hoa Kỳ sang Việt Nam trong năm 2015 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 357% so với năm 2007 - năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Việt Nam hiện là thị trường XK nông sản lớn thứ 11 của Hoa Kỳ với những sản phẩm hàng đầu như bông, hạt cây, đậu nành và bơ sữa. Riêng kim ngạch XK sản phẩm nông - lương từ Hoa Kỳ sang Việt Nam tăng từ 1,5 tỉ USD năm 2010 lên 2,6 tỉ USD năm 2015.
Mới đây, Phái đoàn thương mại cấp cao của Hiệp hội Thương mại nông nghiệp miền Tây Hoa Kỳ (WUSATA), gồm đại diện từ Bộ Nông nghiệp của 13 tiểu bang cùng các DN đã có chuyến khảo sát thị trường Việt Nam, nhằm mở rộng cơ hội cho DN miền Tây Hoa Kỳ XK các sản phẩm nông-lương sang Việt Nam.
Ông Andy Anderson - Giám đốc điều hành WUSATA cho biết: “Việt Nam là quốc gia thành viên của TPP và là một thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng đối với các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao của Hoa Kỳ. Dự kiến trong thời gian tới, nông sản của Hoa Kỳ sẽ tạo mức tăng trưởng đột biến tại thị trường Việt Nam”.
Ông Jim Barbee - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp bang Nevada đồng thời là Chủ tịch WUSATA nhận định: “Việt Nam có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm nông - lương chất lượng cao của Hoa Kỳ và đây là thời điểm thuận lợi cho các DN miền Tây Hoa Kỳ - đặc biệt là các DN vừa và nhỏ mở rộng thị trường XK sang Việt Nam. Đặc biệt, các sản phẩm nông nghiệp của chúng tôi luôn đạt mức độ an toàn cao nên việc chinh phục người tiêu dùng Việt Nam không quá khó”.
Doanh nghiệp Việt cần chủ động cạnh tranh
Nói về những thách thức của ngành nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn chia sẻ, một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ có thế mạnh như thịt lợn, thịt gà… sẽ tạo sức ép cạnh tranh lớn tới thị trường nội địa khi thuế suất về 0%. Một số nông sản khác cũng sẽ gặp khó khăn nhưng mức độ nhẹ hơn vì đây là những sản phẩm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu từ trước, như sữa, đậu tương, ngô và nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc.…
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhấn mạnh, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được chú trọng khi tham gia sân chơi này. Cách duy nhất để kiểm soát được vệ sinh thực phẩm, chất lượng nông sản là đưa nông nghiệp manh mún thành ngành sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ vào khâu chế biến, sau thu hoạch.…
Bên cạnh đó, các DN Việt Nam trước tiên cần chủ động tìm hiểu thông tin liên quan đến TPP thông qua việc tích cực tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn với Đoàn đàm phán thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đàm phán, các học giả để có thể nắm bắt thông tin về hiệp định, về các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do TPP mang lại.
Nhưng hơn hết, DN cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương hướng hoạt động phù hợp với các đòi hỏi của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế; đồng thời, nên tận dụng cơ hội hợp tác với các DN nước ngoài, nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác. Về dài hạn, các DN trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của TPP, nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.
Nguyễn Hường / ven.vn