Với sự chung tay từ nhiều phía, thời gian gần đây, “vấn nạn” xe quá khổ, quá tải đã từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi. .
Tuy nhiên, vào những dịp cao điểm, tình trạng này có chiều hướng gia tăng làm cho hệ thống đường sá nhanh chóng xuống cấp, gây áp lực không chỉ lên hệ thống vận tải mà còn với hạ tầng giao thông đường bộ. Thực trạng này gióng lên hồi chuông về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, trong đó có trách nhiệm bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ
Sức ép lên hạ tầng giao thông đường bộ
Theo báo cáo mới được công bố của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 36 bậc trong 5 năm qua. Đây là trái ngọt từ việc Việt Nam thực hiện hiệu quả các giải pháp, huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông vận tải - một trong những khâu đột phá chiến lược. Bộ mặt giao thông của Việt Nam đã có sự thay đổi rõ rệt, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trước khi xuất hàng, NS BlueScope đều cân tải trọng để đảm bảo xe không chở quá tải
Tuy nhiên, vấn nạn xe quá khổ, quá tải vẫn đang là mối đe dọa hàng đầu đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), trong năm 2015, tình trạng xe quá khổ, quá tải chỉ còn khoảng 20%. Tuy nhiên, thời điểm đầu năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tình trạng này đã gia tăng trở lại. Trên các tuyến đường lớn, nhất là các tuyến đường ra các cảng biển, xuất hiện nhiều xe có tải trọng lớn lưu thông khi không có sự xuất hiện của lực lượng chức năng. Tại các tuyến đường nhỏ, tình trạng các xe quá khổ, quá tải “né” các trạm kiểm soát tải trọng cũng tăng đột biến. Hệ quả là, các tuyến đường nhỏ thì bị băm nát, nhiều tuyến đường cao tốc dù mới được đưa vào sử dụng đã xuất hiện nhiều vết hằn lún trên mặt đường, an toàn giao thông đường bộ bị đe dọa.
Nguyên nhân của tình trạng này là bởi, các chủ hàng, doanh nghiệp vận tải chia nhau lợi ích. Vì tiến độ giao hàng, các chủ hàng yêu cầu doanh nghiệp vận tải phải đưa hàng đến cảng nhanh nhất có thể và chấp nhận trả cước cao hơn. Trong khi đó, vì lợi nhuận từ giá cước cao, chủ doanh nghiệp vận tải “ép” các lái xe phải chở quá tải. Vì thu nhập của mình, các lái xe đành chấp nhận chở quá tải, dù có thể bị phạt… Vậy là, các bên vì lợi ích của mình mà chở quá tải, chỉ có hệ thống đường sá là phải oằn lưng chịu trận.
Theo chuyên gia giao thông Phạm Sanh, nếu tình trạng xe chở quá tải đến 100% tiếp tục diễn ra thì con đường thay vì có thể có chất lượng bảo đảm lưu thông trong 15 năm chỉ còn lại vài năm. “Chở quá tải, mình lời vài chục triệu nhưng hư con đường có giá vài chục tỷ”, ông Sanh nói và cho rằng đây là sự lãng phí, liên quan đến đạo đức nghề nghiệp vì lấy tiền thuế của dân, lấy phí của người khác để làm lời cho mình.
Trách nhiệm của doanh nghiệp với hạ tầng giao thông
Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, có 4 đối tượng liên quan đến chở quá tải được xác định là: chủ hàng, xếp dỡ, chủ quá tải và lái xe. Thực trạng xe quá khổ, quá tải làm ảnh hưởng đến hạ tầng giao thông đường bộ gióng lên hồi chuông về trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội chứ không chỉ là riêng các lái xe.
Theo các chuyên gia, ngoài xử phạt, việc quan trọng và cần làm đầu tiên là nâng cao ý thức của từng doanh nghiệp tham gia vào hệ thống vận tải đường bộ. Với các doanh nghiệp vận tải, phải nâng cao trách nhiệm trong tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông. Ngoài ra, với các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng có khối lượng lớn như sắt thép, xi măng, vật liệu xây dựng… thì cùng với tuân thủ các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh, cũng phải tuân thủ các quy định về an toàn khi tham gia giao thông, có giải pháp bảo vệ hạ tầng giao thông.
Là một tập đoàn đa quốc gia chuyên sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôn, thép mạ màu và có hơn 20 năm đồng hành cùng Việt Nam, NS BlueScope là một trong những doanh nghiệp tuân thủ tốt các quy định của pháp luật trong sản xuất, bảo vệ môi trường… Đối với trách nhiệm bảo vệ hạ tầng giao thông, NS BlueScope đã đi trước một bước với những quy định riêng trong giao nhận, luân chuyển hàng hóa, tuân thủ các quy định về tải trọng, đảm bảo an toàn trong vận chuyển.
Tại nhà máy ở khu công nghiệp Phú Mỹ 1 (Bà Rịa - Vũng Tàu), ngay khi hàng xuất kho, các xe chở hàng đã được cân tải trọng. Việc đưa các sản phẩm từ nhà máy bằng phương tiện vận tải đường bộ đến các điểm tập kết hàng của nhà thầu thi công, các đại lý, khách hàng… được yêu cầu không chở hàng quá trọng lượng, có biện pháp đảm bảo an toàn khi vận chuyển. Theo đại diện của NS BlueScope Việt Nam, thực hiện việc này thì chi phí vận chuyển sẽ tăng lên, song công ty đã và đang có những giải pháp hỗ trợ để vừa đảm bảo tải trọng cho xe chở hàng khi rời khỏi nhà máy, tham gia giao thông an toàn, đồng thời vừa đảm bảo được lợi nhuận mong muốn của đối tác, khách hàng. Thực tế sự phát triển của Công ty tại Việt Nam hơn 20 năm qua cho thấy, tuân thủ luật pháp, có trách nhiệm với các vấn đề xã hội đã giúp doanh nghiệp phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam.
Khẳng định việc cam kết vận chuyển hàng đúng tải, đúng khổ của doanh nghiệp có thể thực hiện được với sự chia sẻ, thấu hiểu của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Quy trình luân chuyển hàng hóa của NS Bluescope có thể là mô hình đáng học hỏi, thực hiện tốt việc kinh doanh và cả cam kết trách nhiệm xã hội với cộng đồng.
Hồng Sơn / baodautu.vn