Sự kiện Tổng thống Barack Obama đến thăm Việt Nam sẽ không thể là cơ hội, nếu như không biết gỡ những nút thắt trong du lịch Việt Nam.
PGS. TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch đã có trao đổi với chúng tôi xunh quanh câu chuyện ngành du lịch phải làm gì để tận dụng cơ hội từ sau chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Trong chuyến công du của Tổng thống Obama đến Việt Nam, ông chủ Nhà Trắng đã đến một số địa điểm, khu ẩm thực của Việt Nam. Vậy ông đánh giá thế nào về tác động của sự kiện này đến ngành ẩm thực, du lịch Việt Nam?
Đây là hoạt động, cơ hội có lợi cho việc xúc tiến quảng bá hình ảnh của ẩm thực Hà Nội, của Việt Nam. Chúng ta đã mất nhiều công sức, tiền bạc và thời gian để quảng bá, và cũng đã có nhiều hội nghị, hội thảo đưa ra phân tích rằng Việt Nam có phải là bếp ăn của thế giới hay không? Thực tế, khách du lịch đến Việt Nam cũng rất là thích ẩm thực Việt Nam.
Chuyện Tổng thống Obama đi ăn bún chả nằm ngoài dự kiến, nhưng trong suy nghĩ của chúng tôi, theo logic thì trước đây một số Tổng thống Mỹ đến Việt Nam, chuyện họ đến nhà hàng như Tổng thống Bill Clinton đến hàng phở, đã thể hiện sự thân thiện và họ cũng muốn thưởng thức thật.
Do đó, việc Tổng thống Obama đi thăm phố Cổ, thưởng thức ẩm thực Hà Nội hay đến chùa, thực sự là cơ hội quảng bá du lịch và ẩm thực cho Hà Nội và Việt Nam.
Không phải chỉ riêng Tổng thống Obama, Việt Nam từng chào đón nhiều ngôi sao, người nổi tiếng đến du lịch hoặc làm việc. Thế nhưng, xem ra chúng ta vẫn chưa tận dụng cơ hội này để quảng bá cho hình ảnh Việt Nam. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi cũng đồng quan điểm như vậy. Lẽ ra sau những sự kiện này mình phải theo dõi, các cơ quan như Tổng cục Du lịch, Hiệp hội, địa phương… cùng ngồi lại để đánh giá, phân tích sự kiện này, tận dụng cơ hội trên cơ sở tạo nên sự lan truyền và quảng bá về mặt hình ảnh. Nếu chỉ dừng lại ở đây thôi, thì hoạt động này chỉ dừng lại ở trong chương trình của người đầu bếp ăn cùng Tổng thống Obama thôi.
Do đó, để thực sự những hoạt động này mang lại hiệu quả thì cần có những hoạt động tiếp theo, đưa chương trình lên các kênh truyền hình quốc tế. Hoặc thậm chí có thể xây dựng tư liệu về các chương trình liên quan người nổi tiếng, các Tổng thống đã đến Việt Nam.
Cần có chương trình khá bài bản, lồng ghép chương trình khác nhau và đan xen hình ảnh, tạo tư liệu và chiến dịch quảng bá du lịch và hình ảnh Việt Nam, chứ không phải là làm rời rạc. Có như vậy mới có kết quả tốt và tổng thể được.
Ngay cả chiến dịch quảng bá này, cũng sẽ thuận lợi hơn khi có hình ảnh ông Obama xuất hiện. Chứ nếu bỏ lửng, hoặc chỉ dừng lại một vài chương trình thì sẽ không để lại dấu ấn. Cần phải làm luôn, theo hướng không đơn lẻ từng sự kiện, mà thực hiện bài bản, nhiều kênh để quảng bá.
Thương hiệu Việt Nam, trong đó có thương hiệu du lịch được định giá 170 tỷ USD, vẫn thấp hơn so với thương hiệu của của hãng Apple. Ông có nghĩ rằng sau chuyến thăm này thì thương hiệu Việt Nam sẽ được nâng tầm lên?
Đây là yếu tố quan trọng góp phần khẳng định thương hiệu Việt Nam nói chung và thương hiệu du lịch. Rất có thể sau sự kiện này xếp hạng sẽ được nâng lên, nhưng tôi cho rằng nếu không nắm bắt, không tận dụng cơ hội này thì sẽ quay bình thường thôi, như ném hòn đá xuống ao bèo.
Do đó, làm xúc tiến quảng bá và du lịch Việt Nam cần phải biết tận dụng cơ hội. Đã có nhiều ngôi sao, nguyên thủ đến Việt Nam, song ta vẫn chưa tận dụng cơ hội ấy, thì sau chuyện Obama cần phải suy nghĩ nhiều hơn về vấn đề này.
Thực tế là du lịch Việt Nam và các cơ quan chức năng đã nỗ lực quảng bá hình ảnh ra thế giới. Nhưng theo ông tại sao vẫn chưa có nhiều hiệu quả?
Hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch đã có nhiều cố gắng, nhưng cách quảng bá cho đến thời điểm này, thực sự là chưa gây được hiệu quả. Ta thiếu bài bản trong xúc tiến quảng bá, nguồn lực xúc tiến quảng bá của ta không nhiều, việc phối hợp kênh thông tấn lớn thế giới để làm ra tư liệu giới thiệu về Việt Nam vẫn chưa được triển khai nhiều.
Hiện chúng ta thiếu chuyên gia, thiếu nguồn lực có trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Và cũng có tình trạng ta có nhiều người giỏi nhưng không được sử dụng, không được lắng nghe nên là nguyên nhân quan trọng khiến cho quảng bá du lịch thiếu sự bài bản.
Trong khi so sánh các nước, như Malaysia chi ra 150 triệu USD mỗi năm, Singapore nhỏ bé vậy nhưng cũng chi ra 100 triệu USD năm, nhưng Việt Nam chỉ có 2,5 – 3 triệu USD mỗi năm cho quảng bá, xúc tiến du lịch. Song vấn đề nữa là mình đã sử dụng đồng tiền ấy để mang lại hiệu quả như thế nào thì không ai trả lời.
An Ngọc
Theo Trí thức trẻ