Ảnh minh họa
Nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo cũng ngày một tăng cả ở ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại, mặc dù chủ yếu vẫn đang ở các vị trí quản lý cấp trung.
Nữ giới chiếm 60% tổng số lao động ngành Ngân hàng Việt
Tài chính - ngân hàng là một lĩnh vực có tính đặc thù nghề nghiệp và đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn đối với lực lượng lao động, nhất là các lao động nữ. Ở Việt Nam, ngành Ngân hàng có số lao động nữ chiếm tỷ lệ cao, trung bình vào khoảng gần 60% tổng số cán bộ.
Nữ giới nắm giữ các vị trí quản lý, lãnh đạo cũng ngày một tăng cả ở ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại, mặc dù chủ yếu vẫn đang ở các vị trí quản lý cấp trung.
Đây là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Nữ lãnh đạo trong lĩnh vực ngân hàng và công nghệ tài chính” do Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Ngân hàng phối hợp với Công đoàn Ngân hàng Việt Nam và Công đoàn Ngân hàng Nhà nước TW tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.
Với tỷ lệ và vị trí ngày càng đáng kể như vậy của nữ giới trong ngân hàng, có thể nói phụ nữ hiện nay đóng vai trò rất quan trọng trong định hình và vận hành hệ thống ngân hàng.
Tỷ lệ CEO là nữ của Việt Nam là cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Trên thế giới, phụ nữ ngày càng đạt được nhiều thành tựu hơn, nhất là ở những quốc gia đang phát triển, nơi vấn đề bình đẳng giới dành được nhiều quan tâm và phụ nữ ngày càng gia tăng vai trò của mình trong mọi lĩnh vực.
Châu Á hiện đang dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ là CEO, trong đó, tỷ lệ CEO là nữ của Việt Nam là cao nhất trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, đạt xấp xỉ 25%, cao hơn khá nhiều so với mức bình quân 10% của thế giới.
Tuy vậy, hiện vẫn còn các rào cản gây ảnh hưởng đến vị thế của phụ nữ trong công tác lãnh đạo như định kiến về vai trò của phụ nữ, kỳ vọng về vai trò của phụ nữ, sự khó khăn trong cân bằng cuộc sống và công việc, môi trường làm việc kém hỗ trợ…
Đồng cảm với thực tế này, bà Kristy Duncan, Sáng lập viên, Tổng giám đốc tổ chức “Women in Payment” nêu ý kiến cần có những giải pháp thiết thực để khuyến khích sự tham gia của phụ nữ trong một tổ chức nói chung và trong lĩnh tài chính, ngân hàng nói riêng nhằm gia tăng sự thành công cho các tổ chức.
Bà Duncan cũng đề xuất một số kiến nghị như xử lý vấn đề về tính đa dạng và bình đẳng giới ở quy mô ngành/tổ chức, không phải vấn đề của riêng nữ giới; Cần nhìn nhận/đánh giá vấn đề về tính đa dạng/bình đẳng giới trên nhiều khía cạnh; Cần có chiến lược và mục tiêu cụ thể về phát triển vai trò của phụ nữ lãnh đạo vì sự đổi mới ngân hàng và công nghệ tài chính.
Mai Ngọc
Theo Trí thức trẻ