Xuất khẩu hàng hóa đang tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng mạnh, khi nửa đầu tháng 3/2022, xuất khẩu đạt15,32 tỷ USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ tháng trước, xuất siêu gần 100 triệu USD.
Hoạt động xuất khẩu đang tăng tốc, 15 ngày đầu tháng 3/2022, cả nước xuất siêu gần 100 triệu USD.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 3 (1-15/3), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 15,32 tỷ USD, tăng gần 76% so với cùng kỳ tháng trước; kim ngạch nhập khẩu đạt gần 15,23 tỷ USD, tăng 20,3%.
Nửa đầu tháng 3, cán cân thương mại ghi nhận xuất siêu gần 100 triệu USD.
Nửa đầu tháng 3, kim ngạch xuất nhập khẩu trưởng mạnh so với nửa đầu tháng 2/2022 do kỳ 1 tháng 2 có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.
Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại; máy vi tính; máy móc, thiết bị; dệt may đều có dấu hiệu phục hồi với kim ngạch tăng trưởng cao so với cùng kỳ tháng 2/2022.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/3, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 140,05 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gần 69,78 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 50,86 tỷ USD và chiếm 72,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong khi đó, nhập khẩu đạt gần 70,27 tỷ USD, khu vực FDI đạt 46,59 tỷ USD và chiếm 66,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, từ đầu năm đến 15/3, cán cân thương mại của nước ta vẫn thâm hụt với con số nhập siêu gần 500 triệu USD.
Năm 2021, hàng hóa Việt Nam tiếp tục ghi dấu trên bản đồ thế giới khi xuất khẩu hàng hóa ước đạt hơn 336 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước, xuất siêu 4 tỷ USD bất chấp khó khăn của đại dịch. Một trong những yếu tố đóng góp vào thành tích ấn tượng này chính là chất xúc tác từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là những FTA thế hệ mới.
Việt Nam là một trong số ít các nước chỉ sau 15 năm gia nhập WTO đã đàm phán, ký kết được 15 FTA, giúp mở rộng thị trường để hàng hóa xuất khẩu để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và UKVFTA đi vào thực thi đã hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu.
Trong đó, Hiệp định CPTPP đã qua chặng đường 3 năm đầu thực thi. Năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường thuộc khối CPTPP năm 2021 đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thị trường CPTPP đạt 91,4 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu nông sản, máy móc - thiết bị, điện thoại - linh kiện, hàng dệt may, da giày, thủy sản… sang 10 quốc gia thành viên CPTPP với giá trị 46 tỷ USD và nhập khẩu từ thị trường này 45,4 tỷ USD.
Còn ngay trong năm đầu thực thi Hiệp định UKVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đạt hơn 5,7 tỷ USD, xuất siêu 4,8 tỷ USD, với nhiều nhóm hàng như rau quả, hạt tiêu, sắt thép, phương tiện vận tải…Xuất siêu sang thị trường Anh ghi nhận 4,8 tỷ USD.
Xuất khẩu sang EU cũng tăng trưởng ấn tượng nhờ EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 8/2020. Năm 2021, xuất khẩu sang EU năm 2021 đạt 40,07 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU sau khi FTA Việt Nam-EU (EVFTA) được thực thi, điển hình như thủy sản, tôm, gạo…
Tính từ ngày 1/1/2021 đến ngày 26/12/2021, các cơ quan, tổ chức được uỷ quyển cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) mẫu EUR.1 đã cấp 201,846 bộ C/O mẫu EUR.1 với kim ngạch hơn 7,8 tỷ USD đi 27 nước EU.
Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang EU còn thực hiện tự chứng nhận xuất xứ cho 5.217 lô hàng với trị giá hơn 16,5 triệu USD được hưởng ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Từ đầu năm nay Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào thực thi, góp phần thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư của Việt Nam với ASEAN và 5 đối tác là Australia, New Zealand, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với mức độ cam kết hài hòa hơn, đây đều là những quốc gia đã tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và có sự tương đồng trong cơ cấu xuất khẩu với Việt Nam.