Tình hình đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư đều chuyển biến tích cực, thậm chí lập kỷ lục mới, nhưng việc triển khai các quy định về điều kiện kinh doanh vẫn tồn tại không ít vấn đề mà Bộ KHĐT cho rằng cần đặc biệt đáng lưu ý.
Một số cơ quan vẫn tiếp tục soạn thảo các quy định về điều kiện kinh doanh không phù hợp với Luật Đầu tư Ảnh minh họa |
Đây là một số điểm đáng lưu ý về tình hình triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, theo báo cáo vừa được Bộ KHĐT gửi Chính phủ.
Lượng DN thành lập lớn nhất từ trước tới nay
Theo Bộ KHĐT, tể từ ngày Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư có hiệu lực thi hành (1/7/2015) hoạt động đăng ký doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực với số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng đáng kể và số vốn đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm 2014.
Tính từ 01/7/2015 đến ngày 15/12/2015, đã có 46.740 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 302.674 tỷ đồng, tăng 24,5% về số doanh nghiệp và tăng 50,3% về số vốn đăng ký mới.
Vốn đăng ký bình quân mỗi doanh nghiệp tính từ ngày 01/7/2015 đến 15/12/2015 đạt 6,47 tỷ đồng, tăng 20,7% so với trung bình vốn đăng ký doanh nghiệp cùng kỳ năm 2014.
So với 12 tháng cùng kỳ năm 2014, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới cả năm 2015 tăng cao đáng kể (tăng 25,4% về số doanh nghiệp và tăng 37,9% về số vốn). Số doanh nghiệp thành lập mới năm 2015 (tính đến 15/12/2015) đạt 93.868 doanh nghiệp, là số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lớn nhất từ trước tới nay.
“Đây là tín hiệu tích cực, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh đã có sự khởi sắc và trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư sau khi Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư có hiệu lực thi hành”, Bộ KHĐT nhận định trong một báo cáo gửi Chính phủ.
Lĩnh vực đăng ký đầu tư cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan. Tính từ ngày 01/7/2015 đến 15/12/2015, cả nước có 842 dự án đầu tư nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký là 7,532 tỷ USD và có 788 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 5,374 tỷ USD.
Tính chung trong thời gian này, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 12,9 tỷ USD, chiếm 42,3% số dự án và 57% tổng vốn đầu tư của cả nước từ đầu năm đến nay.
Cùng thời gian nêu trên, đã có 690 dự án đầu tư trong nước được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 200 nghìn tỷ đồng (tương đương 9,4 tỷ USD) và 368 dự án điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư.
Đã ban hành 6 Nghị định hướng dẫn
Theo báo cáo của Bộ KHĐT, đến nay, toàn bộ các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp thuộc trách nhiệm soạn thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (gồm 04 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật doanh nghiệp, 02 Nghị định hướng dẫn thi hành Luật đầu tư và 03 Thông tư) đã được ban hành.
Ngoài ra, để hướng dẫn thi hành Luật đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao.
Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã hoàn tất toàn bộ thủ tục theo quy định để trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết việc thực hiện hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 52 Luật đầu tư, dự thảo Nghị định đang được rà soát kỹ thuật để trình Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành.
Ngoài Danh mục các điều kiện đầu tư kinh doanh áp dụng với các doanh nghiệp nói chung, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thiện Danh mục điều kiện đầu tư áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Danh mục này được công bố trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài từ cuối tháng 12.
Điều đặc biệt đáng lưu ý về điều kiện kinh doanh
Trên thực tế, một số Bộ, ngành đã coi việc rà soát văn bản pháp luật, trong đó có văn bản quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh là hoạt động thường xuyên. Đặc biệt, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 4215/QĐ-BGTVT triển khai công tác quản lý, hướng dẫn, kiểm tra đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực giao thông vận tải năm 2015 – 2016.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động rà soát, đánh giá sự cần thiết, tính hợp lý và hiệu quả của các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 267 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật đầu tư. Kết quả rà soát cho thấy, có nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết, tạo chi phí tuân thủ lớn, hạn chế gia nhập thị trường của các doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và phát triển thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã có báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tưu về tình hình rà soát các văn bản pháp luật quy định về điều kiện đầu tư thuộc phạm vi quản lý của mình.
Tuy nhiên, sau khi Luật đầu tư có hiệu lực thi hành, một số Bộ vẫn tiếp tục ban hành, soạn thảo các Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh (Ví dụ: Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 25/2015/TT-BLĐTBXH ngày 13/7/2015 quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, cấp, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đình chỉ hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 197/2015/TT-BTC ngày 3/12/2015 quy định về hành nghề chứng khoán; Bộ Xây dựng đang soạn thảo Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản).
Theo Bộ KHĐT, đây là điều đặc biệt đáng lưu ý, ”làm suy giảm hiệu lực thi hành các quy định của Luật đầu tư về kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh”.
Thực hiện nhiệm vụ soạn thảo các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh theo Phụ lục 4 của Luật đầu tư, đến nay, các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Y tế vẫn đang trong quá trình soạn thảo các Nghị định quy định điều kiện đầu tư kinh doanh đối với các ngành: kinh doanh súng bắn sơn; dịch vụ bảo đảm hàng hải; kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động; kinh doanh dịch vụ an toàn thông tin; kinh doanh dịch vụ ngân hàng mô, dịch vụ thẩm mỹ, kinh doanh dịch vụ thử thuốc trên lâm sàng...
Bộ KHĐT cho biết, nguyên nhân chủ yếu của việc chậm trình Chính phủ ban hành các Nghị định này là do hầu hết các Luật quy định về ngành, nghề đầu tưu kinh doanh có điều kiện nêu trên vừa mới được Quốc hội thông qua trong năm 2015.
(Theo Chinhphu.vn)