Vốn được biết đến là một trong những bản xa nhất và khó khăn nhất của xã vùng cao Tân Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang), những năm qua, tận dụng lợi thế đất đồi rừng rộng, nhiều hộ dân ở bản Khuôn Kén đã mạnh dạn đầu tư nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa. Nhờ thị trường đầu ra ổn định nên mô hình này đã mở ra một hướng mới trong phát triển kinh tế ở xã miền núi Tân Sơn.
Chị Hoàng Thị Lá chuẩn bị thức ăn cho đàn ngựa bạch con. Ảnh QM
Trước đây, cũng như phần lớn các hộ đồng bào người Nùng khác ở Khuôn Kén, đời sống gia đình chị Hoàng Thị Lá gặp rất nhiều khó khăn do chỉ trông vào mấy thửa ruộng bậc thang. Nhân một lần đến thăm gia đình người thân ở xã Hữu Kiên (Lục Ngạn), nhận thấy triển vọng kinh tế từ giống ngựa bạch được người địa phương nuôi nên chị Lá đã dồn tiền và vay mượn thêm để đầu tư mua 2 con ngựa bạch giống về nuôi. Tận dụng diện tích đồng cỏ, đồi rừng của gia đình nên việc chăn thả ngựa bạch khá thuận lợi.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và chủ động phòng bệnh nên đàn ngựa bạch của gia đình chị Lá phát triển khá nhanh, có thời điểm tổng đàn lên tới gần 30 con. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, để giữ được nguồn gen và bảo đảm tính thuần chủng của đàn ngựa, chị Lá còn đầu tư mua thêm 2 con ngựa đực để nhân giống và mở rộng đàn. Hiện nay, gia đình chị Hoàng Thị Lá thường xuyên duy trì đàn ngựa bạch với 16 con giống bố mẹ, trong đó có 14 con cái. Đầu năm 2015, gia đình chị vừa thu trên 160 triệu đồng từ tiền bán 10 con ngựa bạch giống 5 tháng tuổi với giá trung bình 16 triệu đồng/con.
Từ kinh nghiệm nhiều năm nuôi ngựa bạch, chị Hoàng Thị Lá cho biết: “So với các loài vật nuôi truyền thống khác của người dân ở Khuôn Kén thì việc nuôi ngựa bạch không đòi hỏi quá cao về kỹ thuật, vừa tận dụng được diện tích chăn thả và nguồn thức ăn tự nhiên, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn”.
Học theo cách làm của chị Lá, đã có rất nhiều hộ gia đình ở bản Khuôi Kén mạnh dạn vay vốn đầu tư chăn nuôi ngựa bạch. Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, xã Tân Sơn đã có chính sách hỗ trợ bà con tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, đồng thời phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ngựa bạch để giúp bà con yên tâm tham gia mô hình mới. Vì vậy, đến đầu năm 2015, đã có 131/165 hộ dân trong bản Khuôi Kén đầu tư nuôi ngựa bạch với tổng đàn lên tới trên 300 con. Nguồn thu nhập từ phát triển nuôi ngựa bạch đã giúp nhiều hộ gia đình trong bản có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống và đầu tư cho việc học tập của con cái.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, số vốn đầu tư ban đầu để nuôi ngựa bạch không nhiều, quá trình nuôi hoàn toàn có thể tận dụng các loại thức ăn tự nhiên sẵn có như cỏ, lá ngô kết hợp với ngô hạt hoặc thóc xay. Mỗi hộ, chỉ cần đầu tư từ 10 - 15 triệu đồng là có thể mua được một con ngựa giống non khoảng 5 tháng tuổi; nếu chăm sóc tốt, sau 3 năm là ngựa cái bắt đầu sinh sản, trung bình ngựa cái sẽ đẻ 1 con/năm. Ngựa con 5 tháng tuổi là có thể xuất bán giống; nếu nuôi đến khi trưởng thành thì giá trị từ 40 - 45 triệu đồng/con, ngựa đực thì sẽ có giá trị kinh tế cao hơn, trung bình vào khoảng 50 - 60 triệu đồng/con.
Là một trong những người sớm tham gia phát triển nghề nuôi ngựa bạch, anh Hoàng Văn Trường, Trưởng bản Khuôn Kén vừa tranh thủ bổ sung thêm thức ăn cho đàn ngựa bạch của gia đình vừa chia sẻ: “So với nuôi ngựa thịt hay nuôi trâu, bò thì việc nuôi ngựa bạch khá dễ mà lại yên tâm về đầu ra của sản phẩm. Thời gian tới tôi sẽ không bán ngựa giống mà giữ lại để mở rộng đàn”. Hiện nay, gia đình anh Trường cũng đang nuôi 6 con ngựa bạch với giá trị gần 200 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả phát triển nuôi ngựa bạch của người dân bản Khuôi Kén, ông Hoàng Văn Chăm, Thường trực Đảng ủy xã Tân Sơn phấn khởi cho biết: “Hiệu quả của mô hình chăn nuôi ngựa bạch của bà con ở Khuôi Kén đã được khẳng định rõ trong thực tiễn. Đảng ủy xã đã có chủ trương và trực tiếp chỉ đạo các bản khác trong xã tổ chức tham quan để tiến tới nhân rộng mô hình này ra toàn xã”.
Chủ động, sáng tạo, khai thác có hiệu quả những tiềm năng sẵn có của địa phương, mô hình nuôi ngựa bạch đã giúp nhiều hộ đồng bào người Nùng ở bản Khuôi Kén vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ một bản khó khăn, Khuôi Kén đã trở thành “điểm sáng” trong công tác phát triển kinh tế hộ gia đình và xóa đói giảm nghèo ở xã miền núi Tân Sơn. Tuy nhiên, để nghề nuôi ngựa bạch có điều kiện phát triển lâu dài, nguyện vọng chung của các hộ nuôi ngựa bạch ở Khuôi Kén hiện nay đó là được chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nhất là về vốn tín dụng ưu đãi để có thể đầu tư mở rộng đàn và kỹ thuật nhân giống, chăm sóc, phòng trừ các loại dịch bệnh thường gặp ở ngựa… Có như vậy, nuôi ngựa bạch mới thực sự trở thành “con đường” thoát nghèo và làm giàu bền vững của bà con bản Khuôi Kén nói riêng và nhân dân xã vùng cao Tân Sơn nói chung./.
Quang Minh / dangcongsan.vn