Theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính 66 nền kinh tế mới nổi của Tạp chí The Economist năm 2020, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19 với các chỉ số tài chính ổn định. Đây được xem là cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều địa phương từ Bắc chí Nam đang chạy đua mở rộng và thành lập thêm khu công nghiệp mới để đón đầu cơ hội này.
Một góc khu công nghiệp Phố Nối A do một công ty trực thuộc Tập đoàn Hòa Phát đầu tư. Ảnh minh họa: Trang web công ty
Ồ ạt mở rộng và lập KCN mới
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Gia Bình II, tỉnh Bắc Ninh. Dự án sẽ được phát triển tại xã Nhân Thắng, xã Thái Bảo, xã Bình Dương, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với quy mô 250 ha. Tổng vốn đầu tư dự kiến của dự án là 3.956,8 tỉ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư - Công ty cổ phần Tập đoàn Hanaka để thực hiện dự án là hơn 1.201 tỉ đồng.
Trong khi đó, tại tỉnh Hưng Yên, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Phát Hưng Yên gần đây đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương thực hiện dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật KCN Phố Nối A mở rộng. Theo đó, doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hòa Phát này sẽ rót hơn 1.000 tỉ đồng để đầu tư phần mở rộng thêm với diện tích 92,5ha tại KCN Phố Nối A.
Với chủ trương trên của Thủ tướng, tổng diện tích KCN Phố Nối A sẽ được nâng lên thành 686ha. KCN Phố Nối A cũng được đánh giá là thành công trong việc thu hút được 208 dự án thứ cấp, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2 tỉ đô la Mỹ.
Hay tại tỉnh Thái Bình, Công ty cổ phần Green i-Park cũng vừa đón nhận Quyết định số 180/QĐ-TTg của Thủ tướng về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Liên Hà Thái (Green iP-1) phân khu bắc, hạng mục khu công nghiệp.
Dự án này có tổng vốn đầu tư 3.885 tỉ đồng, quy mô sử dụng đất của dự án là 588,84 héc ta. Với 7 KCN đã và đang hoạt động, cùng với phát triển khu công nghiệp Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình trong tương lai sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và sớm trở thành tỉnh giàu của vùng Đồng bằng sông Hồng.
Không chỉ những địa phương nói trên, từ năm 2019 đến nay, nhiều tỉnh thành, doanh nghiệp xin mở rộng KCN, hoặc phát triển thêm KCN có diện tích hàng trăm đến hàng nghìn ha với sự kỳ vọng “lót ổ” đón dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển từ các nước đến Việt Nam.
Như tại tỉnh Bắc Giang, vào tháng 2 vừa qua được Thủ tướng đồng ý đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thêm 3 KCN trên địa bàn. Đó là KCN Yên Lư với diện tích 377 ha; KCN Yên Sơn - Bắc Lũng với diện tích 300 ha và KCN Tân Hưng với diện tích 105,3 ha.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý cho địa phương này mở rộng KCN Quang Châu thêm 90 ha, KCN Hòa Phú với diện tích tăng thêm 85 ha tại các xã Mai Đình và Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa; Khu công nghiệp Việt Hàn với diện tích tăng thêm 148 ha tại các xã Hồng Thái, Tăng Tiến và thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên.
Ở khu vực phía Nam, gần đây UBND tỉnh Bình Phước đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh mở rộng và bổ sung quy hoạch các khu, cụm công nghiệp với diện tích 8.000 ha, gồm mở rộng diện tích 3 KCN thêm 2.500 ha; trong đó, tỉnh đã lập đề án quy hoạch mở rộng thêm 1.000 ha KCN Minh Hưng - Sikico. Bên cạnh đó, tỉnh đang có kế hoạch mở rộng khu công nghiệp Bắc Đồng Phú và Nam Đồng Phú giai đoạn 3 với diện tích khoảng 1.500 ha.
Hay tỉnh Long An được bổ sung 3 KCN mới vào quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2020 gồm: KCN Sài Gòn - Mekong với diện tích 200 héc ta; KCN Tân Tập với diện tích 654 héc ta; và KCN Lộc Giang với diện tích 466 ha. Ngoài ra, Long An còn được bổ sung một số KCN mở rộng vào quy hoạch phát triển KCN Việt Nam như KCN Long Hậu giai đoạn 2 mở rộng với diện tích 90 ha, KCN Xuyên Á giai đoạn 3 với diện tích hơn 177 ha,...
Đáng chú ý là tỉnh Đồng Nai, địa phương mà trước đây đã từng có chủ trương không mở thêm KCN mà chỉ hướng mạnh đến phát triển thương mại dịch vụ nhưng gần đây đã điều chỉnh chính sách và xin mở rộng thêm KCN. Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương cho Đồng Nai phát triển thêm 6.500 héc ta đất công nghiệp. Hiện 32/35 KCN của tỉnh Đồng Nai đã được thành lập với tổng diện tích hơn 10.200ha trong đó có 31 KCN đã đi vào hoạt động và cơ bản cho thuê hết đất, 1 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng, chuẩn bị khai thác. Tỷ lệ lấp đầy diện tích đất cho thuê của các KCN nay đạt khoảng 82%, nếu không tính diện tích của KCN Công nghệ cao Long Thành đang xây dựng hạ tầng (410ha), đến thời điểm hiện nay các KCN ở Đồng Nai hầu như không còn đất trống cho thuê.
Tận dụng cơ hội với lợi thế sẵn có
Việc bổ sung và mở rộng KCN như trên đều diễn ra ở phần lớn những địa phương đang được coi là điểm đến đầu tư và có tỷ lệ đất công nghiệp cho thuê lấp đầy cao.
Đơn cử như tỉnh Bắc Ninh, không quá khó hiểu khi địa phương này tiếp tục mở thêm KCN bởi lẽ tại 10 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được khoảng 1.600 dự án đầu tư trong nước và ngoài nước đến từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt gần 20 tỉ đô la Mỹ, với tỷ lệ lấp đầy đất công nghiệp cho thuê hơn 61%.
Đáng chú ý, Bắc Ninh luôn nằm trong số các tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI trong những năm gần đây với nhiều thương hiệu lớn, tập đoàn đa quốc gia đến Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…
Với sự hiện diện của nhiều thương hiệu toàn cầu như Samsung, Canon, Suntory PepsiCo, Fushan, Hanwha,... đã phần nào tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư khác vào vùng đất quan họ. Những thương hiệu này chính là sự bảo chứng chất lượng cho các nhà đầu tư khác tìm đến.
Quy hoạch một khu công nghiệp - dịch vụ của VSIP. Ảnh: website: VSIP
Đáng chú ý, bất ổn chính trị tại Myanmar cũng đang buộc giới đầu tư phải tìm kiếm các thị trường lân cận để thay thế; trong đó, Việt Nam là một trong hai quốc gia được cho là hưởng lợi trong bối cảnh này, bên cạnh Campuchia.
Do đó, nhiều địa phương xin mở rộng và quy hoạch KCN mới với diện tích hàng nghìn ha với kỳ vọng “lót ổ” đón dòng vốn đầu tư nước ngoài là hợp lý và dễ hiểu.
Vấn đề còn lại là các địa phương cần phải có chiến lược thu hút đầu tư những lĩnh vực, ngành nghề hợp lý theo điều kiện của mỗi địa phương và thu hút theo định hướng của chính phủ đặt ra là dòng vốn chất lượng, an toàn với môi trường và giá trị gia tăng.
Theo bảng xếp hạng sức khỏe tài chính 66 nền kinh tế mới nổi của Tạp chí The Economist năm 2020, Việt Nam đứng thứ 12, thuộc nhóm an toàn sau đại dịch Covid-19 với các chỉ số tài chính ổn định.
Đây được xem là cơ hội lớn để thu hút dòng FDI chất lượng. Thực tế cho thấy, nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đang lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam. Điều này tạo động lực cho các địa phương thúc đẩy cải cách cũng như hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong thời gian tới.
Để đón đầu làn sóng này, Chính phủ Việt Nam cũng có nhiều cải tổ về thu hút đầu tư, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt, nhằm khuyến khích thực hiện một số dự án đầu tư có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.