Sau khi đồng loạt giảm lãi suất huy động, ngân hàng (NH) lớn đầu tiên đã hạ lãi suất cho vay với khẳng định khá chắc chắn về sự dồi dào của thanh khoản. Cuối năm tiền dường như nhiều hơn và DN sẽ thuận lợi hơn.
Ảnh minh họa.
Mạnh tay hạ lãi suất cho vay
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, từ 15/10 chính chức giảm lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên và các DN khởi nghiệp. Lãi suất trên 6,5% giảm xuống còn 6%, các khoản vay mới cũng giảm còn 6%. Các DN khởi nghiệp sẽ được giảm lãi suất từ mức 8% hiện nay xuống còn 6%/năm.
Ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch Vietcombank cho biết, cuối tháng 9, 4 NH thương mại quốc doanh đã giảm lãi suất huy động (với mức hạ từ 0,3-0,5%/năm xuống chỉ còn 4,2-5,3% cho các kỳ hạn từ 1-6 tháng, khoảng 5,5% cho kỳ hạn 6-9 tháng). Nay VCB là cắt giảm lãi suất cho vay có thể là động thái đầu tiên cho làn sóng này.
Ông Thành phân tích, thanh khoản dồi dào nên việc cắt giảm lãi suất là điều chắc chắn. NH sẽ nghiên cứu thêm về chính sách, quy chế, quy trình, chấm điểm và tài sản bảo đảm khi cho vay DN khởi nghiệp.
Việc hạ lãi suất cho vay về 6%, theo đánh giá của ông Thành, thu nhập từ tiền lãi của VCB giảm khoảng 100 tỷ đồng. NH sẽ tiết giảm chi phí quản lý, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng hiệu quả lao động để bù đắp lại số tiền sụt giảm này.
Cũng trong tuần này, ông Tiết Văn Thành, TGĐ Agribank cho biết Agribank sẽ dành 50 ngàn tỷ đồng từ 1/11/2016 cho vay các đối tượng là DN, HTX, chủ trang trại… tham gia chuỗi sản xuất quy mô lớn với lãi suất thấp hơn 0,5-1% so với lãi suất thông thường (hiện là 7%).
Kể từ 15/10/2016, LienVietPostBank) tiếp tục điều chỉnh hạ lãi suất cho vay. Cụ thể, lãi suất cho vay được LienVietPostBank giảm từ 1%/năm đến 1,5%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn mới, ưu tiên các khoản cho vay hộ gia đình, hộ kinh doanh tại khu vực nông thôn và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngày 10/10, HDBank cũng đã công bố kế hoạch giảm lãi suất cho vay. Trong đó, với đối tượng khách hàng cá nhân vay mới, lãi suất cho vay tối đa giảm từ 11,5%/năm xuống 10,5%/năm, giảm 1%/năm. Với DN , HDBank đã mở gói tín dụng ưu đãi hạn mức 18.000 tỷ đồng lãi suất ngắn hạn chỉ từ 6,5%/năm; lãi suất cho vay ưu đãi trung dài hạn cố định trong năm đầu tiên chỉ từ 9,69%/năm.
Trong khi đó khoảng 1 tuần qua, giới đầu tư khá lo lắng khi thị trường bất ngờ chứng kiến hàng loạt các NH nhỏ bắt đầu cuộc đua tăng lãi suất hy động mới, bỏ mặc động thái điều chỉnh giảm lãi suất của các “ông lớn” BIDV, Agribank, Vietcombank và VietinBank.
Cuộc đua của các NH nhỏ ở kỳ hạn dài đã kéo lãi suất leo lên tới 8,38% (phổ biến ở mức 7,5-7,8%/năm) trong khi cộng đồng DN đang ngóng dài cổ chờ lãi suất thấp và tiếp tục than khỏ khăn trong việc tiếp cận vốn.
Làn sóng tăng mạnh lãi suất ở nhóm NH nhỏ khiến người đi vay thấp thỏm, nhất là những người lao động vay mua căn hộ trong đợt bùng nổ ra hàng của các DN bất động sản trong 1-2 năm qua. Nó cũng khiến không ít các chuyên gia e ngại về tính hiệu quả của quá trình tái cấu trúc của hệ thống NH.
Phân hóa mạnh mẽ
Nhìn vào cục diện huy động trên thị trường có thể thấy, hệ thống NH đang phân hóa khá mạnh mẽ. Xu hướng tăng lãi suất kỳ hạn dài ở nhiều NH nhỏ trong 1-2 tuần gần đây cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo ông Thành, biểu hiện này nếu có diễn ra chỉ ở 1 -2 NH nhỏ, trong thời gian ngắn, khó trở thành xu hướng tăng lãi suất huy động. Các NH nhỏ chiếm thị phần tín dụng nhỏ, lại chịu sự giám sắt tăng trưởng tín dụng của NHNN. Vì thế, có thể trước mắt có nhu cầu hút vốn nhưng huy động vào mà không tăng cho vay hơn được thì cũng sớm chấm dứt.
Trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đẩy mạnh tái cơ cấu lại hệ thống thì một yêu cầu bắt buộc hàng đầu là sự an toàn. Trong đó, yêu cầu về cơ cấu lại vốn cho vay, không để tình trạng sử dụng vốn ngắn hạn quá nhiều cho vay trung và dài hạn. Thông tư 06/206 buộc các NH từ 2017 phải giảm tỷ lệ này từ 60% xuống còn 50%.
Bên cạnh đó, những cú sốc NH 0 đồng trong vài năm qua khiến người gửi tiền trở nên cần trọng hơn, không đặt cược những đồng tiền nhàn rỗi, tích lũy trong suốt quá trình làm ăn để đổi lấy lãi suất cao ở một số NH có thể không an toàn.
Gần đây, nhiều chuyên gia cũng đề cập ngày càng nhiều hơn về vấn đề bỏ trần lãi suất và cho phép NH phá sản. Khi đó, thị trường NH sẽ phân hóa mạnh mẽ hơn. Các NH yếu kém, tái cấu trúc không hiệu quả sẽ lộ dần điểm yếu qua việc huy động lãi suất ở mức cao hơn hẳn so với mặt bằng chung của thị trường.
Lãi suất giảm được xem là cơ sở quan trọng giúp tăng tính cạnh tranh của DN Việt Nam trong thời buổi hội nhập. Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng đã chỉ đạo tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ, tháo gỡ DN, giúp ổn định sản xuất kinh doanh.
Có thể thấy, động thái hạ lãi suất của một số NH lớn là một tín hiệu tốt đối với các DN và thị trường. TTCK cũng sẽ nhanh chóng phản ứng với tín hiệu này.
Mặc dù vậy, ở chiều ngược lại, nhiều người vẫn lo ngại rằng các đối tượng hưởng lãi suất thấp vẫn khá ít. Ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế của ADB cho rằng tăng trưởng tín dụng trong 3 quý đầu năm 2016 khá cao. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là tăng trưởng vào đâu, vào lĩnh vực sản xuất hay lĩnh vực kém hiệu quả, lợi nhuận cao nhưng rủi ro lớn?
Bên cạnh đó, các đối tượng tiếp cận được lãi suất thấp là những ai? Thủ tục vay vốn chi phí thấp có dễ dàng hay không?
Theo VietnamNet