Thông tin rao bán bất động sản "cắt lỗ" tran lan trên thị trường thời gian qua, nhưng người có nhu cầu không dễ dàng tìm được sản phẩm thực sự được bán "cắt lỗ".
Sau khi liên tiếp xảy ra các đợt "sốt đất", mặt bằng giá của tất cả phân khúc bất động sản, đặc biệt là các sản phẩm đất nền, nhà ở giá trị lớn đã tăng 30-50%, thậm chí có nơi tăng gấp 2-3 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, từ đầu quý II vừa qua, thị trường ghi nhận sự chững lại do tín dụng vào bất động sản bị siết chặt, vấn nạn phân lô bán nền vào tầm ngắm kiểm soát. Những áp lực tài chính đè nặng khiến nhiều nhà đầu tư có nhu cầu "thoát hàng" nhằm thu hồi vốn để trả nợ hoặc tái đầu tư.
Hiện tại, theo ghi nhận của Dân trí, nhiều phân khúc bất động sản như đất nền, nhà liền kề, biệt thự có tốc độ tăng giá nhanh thời gian trước đó đang có xu hướng giảm giá. Trên thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều thông tin rao bán bất động sản "cắt lỗ", nhưng các nhà đầu tư đánh giá, mức giá đó vẫn cao.
Sau những động thái kiểm soát tín dụng, thị trường bất động sản đã xuất hiện nhiều hơn thông tin rao bán "cắt lỗ", giảm sâu (Ảnh minh họa: Hà Phong).
Anh Nguyễn Đức Hùng, nhà đầu tư ở Hà Nội, than phiền, anh đã mất quá nhiều thời gian đi "săn" đất nền "cắt lỗ" nhưng không được như kỳ vọng. Dù có nhiều kinh nghiệm đầu tư lĩnh vực này, anh Hùng vẫn nhận thấy công cuộc "bắt đáy" thị trường bất động sản vào thời điểm này khó hơn anh tưởng tượng.
"Ngay từ khoảng tháng 9 vừa qua, tôi đã chủ động tìm kiếm bất động sản "cắt lỗ" qua nhiều kênh rao bán. Nhưng tới nay, mọi thứ đều không thành công, giá vẫn cao hơn nhiều giá trị thực", anh Hùng nói.
Cũng theo nhà đầu tư này, trên thị trường thông tin rao "xả hàng", "cắt lỗ" nhan nhản nhưng tìm được hàng tốt, vừa ý thì rất khó. Những lô đất thực sự có giá trị thì chủ đất rất khó thương lượng, nhiều người rao khảo giá, khảo nhu cầu chứ không có ý định bán.
Cùng chung tâm lý như anh Hùng, nhiều nhà đầu tư khác cũng cảm thấy khó tin vào các quảng cáo "cắt lỗ", "hàng ngộp" đăng tải trên các trang rao bán trực tuyến vì thực tế nhiều chủ đất chưa chấp nhận thương lượng.
"Tôi đã chuẩn bị tài chính tốt nhất để sẵn sàng bước vào kế hoạch đầu tư lâu dài, nhưng khi khảo giá và xem thực tế, tôi thấy bất động sản vẫn ở mức giá cao. Khi đưa ra mức giá theo ý mình, thì các chủ đất đều cho rằng tôi cố tình ép giá", anh Đinh Văn Hiếu, một nhà đầu tư khác ở Hà Nội, chia sẻ.
Ở góc độ người môi giới bất động sản, anh Lại Thế Yên (Hà Nội) cũng thừa nhận, không ít các môi giới, chủ đất tùy tiện sử dụng từ "cắt lỗ" để rao bán bất động sản ở thời điểm hiện tại. Nhưng thực chất nhiều bất động sản được rao bán "cắt lỗ" đó mới chỉ là "cắt lãi".
"Từ đầu năm 2020, giá nhà liền kề tại khu vực An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) đã liên tục tăng cao, từ khoảng 4-5 tỷ đồng đã tăng 7-10 tỷ đồng. Giờ có nhiều thông tin rao bán căn liền kề trên với giá 7-9 tỷ đồng, giảm khoảng 10-20% thì đâu đã tính là "cắt lỗ". Chủ các bất động sản này đã lời vài tỷ đồng, giờ giảm vài trăm triệu đồng đến 1 tỷ đồng thì chỉ gọi là "cắt lãi" thôi", anh Yên nói.
Không ít nhà liền kề tăng giá 50-60% giá trị căn hộ trong 2 năm qua, nhưng hiện tại, dù rao bán "cắt lỗ" nhưng giá vẫn cao hơn giá gốc (Ảnh: Hà Phong).
Cũng theo anh Yên, để tìm thông tin rao bán bất động sản "cắt lỗ" rất dễ, nhưng người thực sự "cắt lỗ" thì hiếm. Bởi, mức giá sau khi "cắt lỗ" cũng vẫn rất cao, đặc biệt thời điểm này khó vay ngân hàng nên chỉ sản phẩm nào thực sự có giá tốt thì mới nên xuống tiền.
Chia sẻ vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu liên tục tăng cho thấy giá nhà đất sẽ còn tiếp tục tăng. Việc giảm giá thời điểm hiện nay chỉ là cục bộ và ở mức rất hạn chế, chủ yếu xảy ra ở những nhà đầu tư đuối vốn, thậm chí "vỡ nợ" nhưng cũng rất hiếm.
Bên cạnh đó, không thể phủ nhận thị trường chững lại, các nhà đầu tư đuối tài chính buộc phải giảm giá 10-30% sản phẩm, dù với mục đích "cắt lỗ" hay "cắt lãi" thì đây vẫn là cơ hội của các nhà đầu tư có dòng tiền mạnh, tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, cơ hội đi cùng thách thức, nhà đầu tư cần tỉnh táo để tránh chôn vốn quá lâu vì mua phải những sản phẩm đang ở mức giá trên trời nhưng lại rao bán với thông tin giá rẻ.