Kể từ giữa năm 2017 đến nay, thị trường ô tô cũ rơi vào tình cảnh “bán không ai mua” do các chính sách giảm giá hàng tháng của các hãng xe.
Kể từ đầu năm 2018, thị trường ô tô đã qua sử dụng (hàng lướt) gần như “đóng băng”. Các cửa hàng, showroom ô tô kinh doanh mặt hàng này đối hiện với rất nhiều khó khăn. |
Giống với mọi năm, sau Tết Nguyên đán, những mặt hàng đắt tiền như ô tô, xe máy thường có rất ít khách hàng tới giao dịch mua – bán. Hai tháng sau Tết luôn là giai đoạn khó khăn của các cửa hàng kinh doanh ô tô, đặc biệt là các ô tô đã qua sử dụng.
Theo khảo sát của PV tại các tuyến đường Dương Đình Nghệ, Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Phạm Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội), giá trung bình của một chiếc ô tô “hàng lướt” đã hạ 10 – 15%. Thậm chí, có những dòng xe giảm tới 20% so với cuối năm 2017.
Anh Đỗ Trung Nguyên, quản lý showroom T.M trên đường Phạm Hùng cho biết, thời điểm này, có giảm giá mạnh tay đi chăng nữa thì tình hình kinh doanh cũng không mấy khả quan.
“Các dòng xe tầm trung, khoảng 500 – 700 triệu đồng được giảm mạnh tay nhưng không có ai mua. Trong đó, một số dòng xe như Hyundai Santa Fe, Nissan X-Trail, Mitsubishi Outlander (hàng nhập) giảm nhiều nhất”, anh Nguyên nói.
Lý giải cho hiện tượng giá xe giảm nhưng ế vẫn hoàn ế, anh Nguyên nói: “Hyundai Santa Fe hàng mới xuất xưởng được bán tại đại lý giảm tới hơn 100 triệu đồng, nếu so với xe cũ vào cuối năm 2017, giá xe mới có khi còn rẻ hơn.
Chính vì vậy, chúng tôi bắt buộc chấp nhận lỗ để hạ giá xe xuống thấp hơn xe mới, để bán. Tuy nhiên, nếu so sánh với xe mới, Santa Fe hàng lướt không thấp hơn là bao. Đây chính là lý do, khách hàng không lựa chọn mua ô tô hàng lướt”.
Cũng giống như ô tô mới 100%, các mẫu ô tô “hàng lướt” nhập khẩu cũng chịu ảnh hưởng các quy định của Nghị định 116.
Trong Nghị định này quy định rất rõ các loại ô tô cũ đã phải được đăng ký lưu hành tại quốc gia có tiêu chuẩn khí thải tương đương hoặc cao hơn tiêu chuẩn khí thải hiện hành của Việt Nam.
Xe nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với từng xe theo quy định và đặc biệt các loại xe nhập khẩu phải được cung cấp cho cơ quan quản lý chất lượng Giấy chứng đăng ký lưu hành còn hiệu lực của cơ quan và tổ chức có thẩm quyền tại nước ngoài…
Chưa dừng lại tại đó, cuối năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị Định 125/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016 về biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu với từng mặt hàng. Theo đó, thuế nhập khẩu với các dòng ô tô đã qua sử dụng sẽ tăng mạnh từ năm 2018.
Toyota Forutner, Honda CR-V trở thành “tâm điểm” của thị trường
Đi ngược lại với tình hình chung, hai dòng SUV Toyota Fortuner và Honda CR-V đang trở thành “tâm điểm” của thị trường ô tô đã qua sử dụng. Hai mẫu ô tô này đang là mũi nhọn kinh doanh của nhiều cửa hàng.
Các cửa hàng ô tô cũ tung nhiều chính sách để bán hàng. |
Cũng theo khảo sát của PV báo điện tử VTC News, giá xe Toyota Fortuner và Honda CR-V “hàng lướt” đang có giá bán tương đương với giá đề xuất xe mới. Đặc biệt, nhiều nơi đang niêm yết giá Fortuner “hàng lướt” còn cao hơn giá đề xuất.
Cụ thể, Toyota Fortuner bản V (4x4) đời 2017 đang được nhiều cửa hàng kinh doanh ô tô cũ niêm yết 1,3 – 1,45 tỷ đồng (đắt hơn tới 100 triệu đồng so với xe mới); Fortuner bản V (4x2) đời 2017 xe cũ có giá 1,15 – 1,20 tỷ đồng (cao hơn giá xe mới 50 triệu đồng);...
Trong khi đó, giá xe Honda CR-V đã qua sử dụng không chênh cao như Fortuner nhưng có giá bán ngang ngửa với các dòng xe mới. Điều đặc biệt, một số nơi còn bán dòng CR-V 7 chỗ 2018, nhập khẩu thay vì dòng CR-V 5 chỗ, lắp ráp trong nước của năm 2018.
Đặc biệt, nhiều nơi đang niêm yết giá Fortuner “hàng lướt” còn cao hơn giá đề xuất. |
Giải thích về hiện tượng này, một cửa hàng trên đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy) cho biết, do ảnh hưởng của Nghị định 116, các dòng xe nhập khẩu chưa thể về nước.
Các đại lý không có xe để bán, vì vậy, khách hàng tìm mua ô tô “hàng lướt” để sử dụng. Đây chính là động lực khiến xe cũ có giá đắt hơn xe mới.
Theo VTC News