Sau khi liên tục đại hạ giá trong thời gian dài, các DN ô tô cho biết từ nay đến cuối năm sẽ không giảm giá nữa. Giá xe đã chạm tới đáy, không có điều kiện giảm hơn.
Giá xe giảm mạnh, ngoài chính hãng còn do các đại lý cạnh tranh nhau giảm thêm (ảnh minh họa) |
Khó giảm nữa
Ông Bùi Kim Kha, Phó Tổng giám đốc Công ty ô tô Trường Hải cho biết, tính đến nay, giá xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đã giảm rất nhiều so với trước. Có thể nói giá xe đã chạm tới đáy, không có điều kiện giảm hơn nữa.
Còn với xe nhập khẩu, do đã giảm liên tục trong thời gian qua, nay cũng không thể giảm thêm được nữa. Nếu có giảm thì mức giảm không đáng kể và chủ yếu do các đại lý tự đưa ra. Với phát biểu này, có thể hiểu xe Mazda, Kia do Trường Hải sản xuất lắp ráp và nhập khẩu từ nay tới cuối năm sẽ không còn chương trình giảm giá mạnh mẽ nữa.
Không chỉ Trường Hải, một số DN FDI khác như Toyota Việt Nam, Ford Việt Nam,... khi được hỏi cũng cho biết, giá xe - kể cả sản xuất lắp ráp trong nước lẫn nhập khẩu - từ đầu năm đến nay đã giảm khá mạnh. Không chỉ chính hãng mà các đại lý cũng giảm thêm, vì vậy, mới có chuyện hàng loạt mẫu xe rẻ hơn cả trăm triệu đồng, thời gian tới khó có thể giảm thêm.
Theo các DN, giá ô tô sản xuất lắp ráp trong nước được cấu thành từ chi phí nhập khẩu bộ linh kiện, chi phí vận tải, lắp ráp, quản lý, bán hàng, các loại thuế phí và lợi nhuận của DN, đại lý. Thuế phí với xe sản xuất lắp ráp trong nước hiện đang ổn định, không có sự thay đổi nào. Vì vậy, thời gian qua, giá xe giảm là do các DN đã phải cắt giảm chi phí quản lý, bán hàng và đặc biệt là lợi nhuận. Nhiều mẫu xe đã bị cắt giảm tối đa chi phí và lợi nhuận, vì vậy khó có điều kiện để giảm giá tiếp. Sang năm 2018, xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ có thể giảm giá khi nhận được những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ.
Với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN, năm 2017 được giảm thuế suất thuế nhập khẩu từ mức 40% xuống 30%. Theo tính toán, với mức giảm 10% thuế nhập khẩu, giá xe chỉ giảm từ 5-7%. Vậy nhưng, nhiều mẫu xe đến nay đã giảm từ 10-15%, tức là giảm giá gấp 2 lần, so với mức giảm do thuế nhập khẩu mang lại. Vì vậy, sang 2018 cho dù thuế nhập khẩu có giảm từ 30% về 0% thì giá xe cũng khó có thể giảm mạnh.
Còn với xe nhập khẩu ngoài khu vực ASEAN, vẫn phải chịu thuế suất thuế nhập khẩu từ 50-70%, không được hưởng ưu đãi thuế quan, vừa qua đã hạ giá hết mức để cạnh tranh rồi, thậm chí không ít mẫu chấp nhận bán lỗ để thu hồi vốn và ngừng nhập khẩu.
Như vậy, theo các DN, mặt bằng giá xe trên thị trường hiện nay đã gần tương đương năm 2018, cho dù thuế có giảm thì nhiều mẫu xe cũng không có thể giảm giá hàng trăm triệu đồng như vừa rồi được nữa.
Các đại lý bán xe Toyota và Ford tại Hà Nội cho biết, lần gần đây nhất, hai hãng xe Toyota và Ford đưa ra chương trình giảm giá là tháng 2/2017. Nay, nhiều mẫu xe Toyota và Ford giảm giá từ 50-100 triệu đồng là do các đại lý tự thực hiện. Theo các đại lý, do các đối thủ cạnh tranh giảm giá mạnh nên buộc họ phải hạ giá theo để giữ khách hàng, cho dù chính hãng không có chương trình giảm giá. Bán một chiếc xe được chính hãng chiết khấu khoảng 5-9%, trong khi đó nhiều mẫu xe phải giảm giá cả trăm triệu, tức là bán lỗ vốn.
Ẩn số giá xe 2018
Sang năm 2018, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm còn 35% với xe có dung tích xi lanh từ 1.5L trở xuống, 40% với xe 1.5L đến 2.0L. Cùng với đó, thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm còn 0%.
Với xe sản xuất lắp ráp trong nước, đang có đề nghị giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện từ mức 15% hiện nay về mức 0%. Như vậy, về nguyên tắc, khi thuế giảm thì giá bán xe sẽ giảm.
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Sang năm 2018, các DN sẽ nhập khẩu những mẫu xe mới, giá bán cũng mới và cao hay thấp còn tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng.
Hiện nay, trong khi nhiều mẫu xe phải giảm giá cả trăm triệu đồng vẫn khó bán, nhưng một số mẫu luôn thiếu hàng và giá không hề giảm. Chẳng hạn như Fortuner do Toyota Việt Nam nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia hay Explorer của Ford Việt Nam, nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ.
Không những thế, còn nhiều yếu tố khác tác động tới giá xe. Mới đây, một số nguồn tin cho biết, Bộ Tài chính đang muốn sửa hàng loạt luật thuế, trong số này, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập DN được cho có ảnh hưởng tới giá xe. Nếu các luật thuế này sửa đổi, thay đổi mức thuế suất chắc chắn sẽ tác động tới giá xe.
Bên cạnh đó là hàng rào kỹ thuật. Các cơ quan chức năng đã có ý định sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, để hạn chế xe nhập khẩu nguyên chiếc từ khu vực ASEAN tràn vào.
Các biện pháp khác như nâng giá tính thuế, kiểm soát chặt CO form D và hoạt động nhập khẩu ô tô,... cũng được tính đến. Nếu xe nhập khẩu từ ASEAN bị hạn chế, không thể tràn vào Việt Nam, trong khi nhu cầu cao thì giá khó có thể giảm.
Với phân khúc xe pick up, Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng xem xét lại thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ. Xe pick up nhập khẩu về Việt Nam hiện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt từ 15-25% tùy dung tích xi lanh và lệ phí trước bạ, như xe tải mức 2%. Tới 2018, mức thuế này có thể sẽ được nâng lên để hạn chế nhập khẩu.
Trần Thủy / VietnamNet