Đến 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm còn 0%. Khi đó, giá xe nhập khẩu sẽ thấp hơn xe lắp ráp trong nước 20%. Vì thế, các đại gia ngoại ô tô vẫn rất khó khăn trong việc ra quyết định tiếp tục ở lại Việt Nam đầu tư hay đóng cửa nhà máy đi buôn ô tô nhập.
Ưu đãi vẫn chưa rõ ràng
Báo cáo tại Diễn đàn DN Việt Nam (VBF) 2016, Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn Chính phủ làm rõ nội dung và yêu cầu của chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước. Chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước đã được quy định tại Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 4/2/2016 của Thủ Tướng Chính phủ, tuy nhiên, vẫn rất chung chung.
Theo các nhà đầu tư Nhật Bản, Chính phủ muốn hình thành những DN ô tô quy mô lớn, để dẫn dắt thị trường, nên tập trung các chính sách ưu đãi, hỗ trợ những dự án đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động...
Tuy nhiên trong Quyết định 229 chỉ nói là sẽ hỗ trợ ưu đãi đối với từng dự án cụ thể. Chúng tôi muốn làm rõ nội dung ưu đãi và các yêu cầu cụ thể đối với dự án như thế nào và cần được công bố rõ ràng, để các DN dựa vào đó, đưa ra quyết định có tiếp tục đầu tư hay thôi".
Mỗi chiếc ô tô được cấu thành từ khoảng 30.000 chi tiết.
Ngoài ra các DN FDI cũng lo lắng về việc công nghiệp hỗ trợ trong nước yếu kém, khiến cho DN ô tô gặp khó khăn trong thời gian tới.
Mỗi chiếc ô tô được cấu thành từ khoảng 30.000 chi tiết, ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi chuỗi cung cấp đa tầng bao gồm các nhà cung cấp cấp 1, cấp 2, cấp 3 và các nhà cung cấp nguyên vật liệu. Sự phát triển của các nhà cung cấp đòi hỏi nhiều công sức, thời gian và sự đầu tư. Các nhà cung cấp cấp 2 và 3 phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu sản xuất như chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất, thời gian giao hàng. Trong khi đối với nhà cung cấp cấp 1 lại đặt ra yêu cầu về nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Các DN cung cấp linh kiện ô tô nội địa hiện nay rất nhỏ bé về quy mô, nhiều DN không thể đáp ứng được các yêu cầu sản xuất cơ bản về chất lượng sản phẩm, chi phí sản xuất và thời gian giao hàng. Vì vậy, việc hợp tác với họ bị hạn chế. Việc tìm kiếm các nhà cung cấp cấp 2 và 3 trong nước đã thấy rất khó khăn, chưa nói gì đến những nhà cung cấp cấp 1.
Trong khi đó, để phát triển được hệ thống DN cung cấp linh kiện không dễ dàng, cần rất nhiều thời gian và phải có quá trình tích lũy kinh nghiệm.
Chẳng hạn như Tập đoàn Summit, nhà cung cấp linh kiện nổi tiếng ở Thái Lan, đã bắt đầu việc kinh doanh của mình từ 50 năm trước, với một cửa hàng dịch vụ xe máy, dần dần mở rộng phạm vi kinh doanh sang ô tô, rồi từ sản xuất sang nghiên cứu phát triển sản phẩm.
Các DN ô tô phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất lắp ráp.
Số lượng nhà cung cấp ít, lại bất lợi về quy mô, nên các DN ô tô phải nhập khẩu hầu hết các linh kiện sản xuất lắp ráp. Ngoài việc trả tiền mua linh kiện, các nhà sản xuất còn phải thanh toán các chi phí liên quan đến vận chuyển, đóng gói và thuế nhập khẩu. Chính vì vậy, chi phí sản xuất trong nước thường cao hơn chi phí sản xuất của xe lắp ráp tại Thái Lan hay Indonesia.
Chênh lệch chi phí sản xuất sẽ lên đến 20% sau năm 2018. Do đó, các nhà sản xuất ô tô trong nước phải đối mặt với một tình huống khó khăn để tiếp tục sản xuất, khi mà nhiều mẫu xe có sức cạnh tranh cao về chi phí nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia.
Lo ngại rủi ro
Tiền đề cơ bản nhất cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô là đòi hỏi mở rộng thị trường trong nước. Quy mô thị trường ô tô Việt Nam năm 2016, dự đoán sẽ đạt con số 300.000 xe (tăng hơn 22%).
Tuy vậy, sự phát triển của toàn ngành công nghiệp ô tô với hơn 20 công ty và 40 thương hiệu ở Việt Nam vẫn chưa đạt mức mong đợi của các nhà đầu tư. Tổng công suất lắp ráp hiện tại là gần 500.000 xe/năm. Với tỉ lệ xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 74%, chỉ đạt khoảng 45% tổng công suất thiết kế. Việc không tận dụng được công suất ngành, có thể làm các nhà đầu tư lo ngại và thậm chí đặt dấu hỏi đối với khả năng đầu tư mới trong tương lai.
Tỉ lệ xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 74%, chỉ đạt khoảng 45% tổng công suất thiết kế.
Một số DN ô tô cho biết họ rất quan tâm đến sản xuất dòng xe ưu tiên và cũng hiểu rằng, Chính phủ sẽ có ưu đãi đặc biệt cho các dự án quy mô lớn. Song, như đã nói, đến nay các DN vẫn không rõ ưu đãi đó như thế nào, nên ngập ngừng. Đến 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam giảm còn 0%. Khi đó, giá xe nhập khẩu sẽ thấp hơn xe lắp ráp trong nước 20%, nếu đầu tư mà không khỏa lấp được chênh lệch này, sẽ chịu rủi ro rất lớn.
Philippines là ví dụ. Từ năm 2010 khi thực hiện cam kết giảm thuế suất thuế nhập khẩu ô tô từ ASEAN về 0%, sản lượng xe sản xuất trong nước của nước này giảm liên tục, hiện chỉ còn 100.000 xe/năm. Các DN rất chật vật cạnh tranh với xe nhập khẩu, mặc dù Chính phủ Philippines đã có chính sách hỗ trợ cho mỗi ô tô sản suất trong nước khoảng 600 USD thông qua việc giảm thuế và từ 2016 nâng lên 1.000 USD.
Tuy nhiên, đến nay chỉ còn 3 DN ô tô có vốn đầu tư nước ngoài trụ lại. Tập đoàn Ford sau một thời gian vật lộn đã tuyên bố rút lui từ đầu năm 2016, chuyển sang nhập khẩu xe về phân phối. Trong số 3 DN ô tô còn tồn tại, thì Toyota có sản lượng lớn nhất, nhưng cũng chỉ sản xuất 2 mẫu xe là Innova và Vios và không hiệu quả, vẫn lấy lợi nhuận từ xe nhập khẩu để bù đắp. Các nhà sản xuất khác như Mitsubishi và Nissan gặp khó khăn không kém.
Trần Thủy / vietnamnet