Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanmar, Lào, Campuchia).
Sắp đến giai đoạn bùng nổ
Báo cáo gửi Quốc hội liên quan đến một số công tác của ngành, trong đó có công nghiệp ô tô, Bộ Công Thương cho rằng, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm lại đây. Một số loại sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ...
“Ngành công nghiệp ô tô phát triển sẽ đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của nhân dân khi thu nhập trên đầu người vượt ngưỡng 3.000 USD/năm, đồng thời có tác động lan tỏa, lôi kéo phát triển nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật khác, giảm nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô”, Bộ Công Thương đánh giá.
Hiện nay, trong nước có khoảng hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng 680.000 xe/năm. Có nhiều hãng lớn có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước.
Công nghiệp ô tô sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt của xe nhập khẩu.
Từ tháng 6/2019, nhà máy sản xuất ô tô VinFast (Tập đoàn Vingroup) đã chính thức khánh thành và bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt, chỉ sau 21 tháng xây dựng. Giai đoạn 1, nhà máy sẽ sản xuất ô tô con với công suất dự kiến khoảng 250.000 chiếc/năm. Bên cạnh đó, Vinfast cũng xây dựng các nhà máy sản xuất linh kiện phụ trợ cho ngành công nghiệp ô tô trong tổ hợp nhà máy.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận: Ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự. Chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hoá giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Ngoài ra, theo đánh giá của Bộ Công Thương, giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa bằng chất lượng xe nhập khẩu.
Nhập siêu ô tô ở mức kỷ lục
Chỉ ra nguyên nhân khiến công nghiệp ô tô chưa phát triển, Bộ Công Thương cho rằng quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, trong khi ngành công nghiệp ô tô phát triển dựa vào lợi thế quy mô; số lượng doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô quá nhiều so với quy mô thị trường.
“GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô”, Bộ này cho biết. Bên cạnh đó, các loại thuế, phí đối với sản phẩm ô tô chưa thực sự hợp lý, chưa tạo thuận lợi cho đa số người dân sở hữu ô tô.
“Các chính sách liên quan đến ngành chậm ban hành so với các nước trong khu vực làm mất cơ hội thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, chính sách trong nước chưa ổn định và đồng bộ, do đó chưa tạo được bước đột phá cho việc phát triển ngành”, theo Bộ Công Thương.
Với tốc độ tăng trưởng ổn định của thị trường xe con dưới 9 chỗ như hiện nay (trung bình 20 - 30%/năm), Bộ Công Thương dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ sớm vượt Philippines cả về sản xuất và bán hàng.
Tiềm năng phát triển công nghiệp ô tô phụ thuộc vào 3 yếu tố: quy mô và cơ cấu dân số, mức thu nhập bình quân đầu người, và số xe trung bình/1.000 dân.
Xe nhập đang lấy lại vị thế.
Tại Việt Nam, xu thế ô tô hóa (motorization) dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới, khi GDP bình quân đầu người vượt 3.000 USD và số xe trung bình trên 1000 dân đạt 50 xe.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp trung lưu, là khách hàng tiêu dùng lớn tiềm năng của xe cá nhân. Dự kiến nhu cầu tiêu thụ ô tô sẽ bùng nổ trong giai đoạn đến năm 2025.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phải đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu (đặc biệt là ô tô từ các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia) và trong vòng 7-10 năm tới là các sản phẩm ô tô từ các quốc gia thành viên của Hiệp định CPTPP và EVFTA.
Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, tính đến 30/6/2019, nhập khẩu ô tô đạt 75.438 chiếc trị giá 1,68 tỷ USD, tăng 513% về số lượng và tăng hơn 413% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống đạt 54.927 chiếc, tăng 539,7% so với cùng kỳ năm 2018.
Dự kiến nhập siêu ngành ô tô năm nay sẽ đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD. Trong những năm tiếp theo, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng theo nhu cầu sử dụng ngày càng cao trong nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất ô tô nội địa và cán cân thương mại.
Trong khi đó, Bộ Công Thương thừa nhận một số quốc gia trong khu vực như Indonesia và Thái Lan đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới, từ đó cơ hội thu hút các hãng ô tô đầu tư sản xuất lớn ở Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Bên cạnh sức ép từ các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ còn phải chịu sự cạnh tranh từ sự phát triển của các nước đi sau trong khu vực (Myanma, Lào, Campuchia)”, đây là cảnh báo mới trong báo cáo của Bộ Công Thương.
Vì thế, Bộ Công Thương đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm.
Ngoài ra, cần sửa đổi các chính sách về thuế, chú trọng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp và các ưu đãi, hỗ trợ khác của Chính phủ để thu hút các dự án đầu tư sản xuất ô tô điện (bao gồm cả chính sách cho người mua). Đồng thời, “ban hành chính sách ký quỹ xử lý sản phẩm ô tô thải bỏ theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”, Bộ Công Thương đề xuất.
Theo Lương Bằng
VietnamNet