Mặc dù không thuộc diện được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, nhưng nhiều mẫu ô tô có dung tích xi lanh từ 1.5L đến dưới 2.5L đang giảm giá mạnh, có mẫu giảm tới hơn 100 triệu đồng, khiến khách hàng không khỏi bất ngờ.
Nhiều mẫu xe có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.5L đang được các DN phá giá cạnh tranh, khiến giá bán giảm mạnh cả trăm triệu đồng.
Toyota Việt Nam đã giảm giá mạnh với mẫu xe Altis. Theo đó, bản 2.0 AT giảm mạnh nhất tới 59 triệu, còn 933 triệu đồng; bản 1.8MT giảm 48 triệu đồng, còn 747 triệu đồng và bản 1.8AT giảm 51 triệu đồng, còn 797 triệu đồng.
Tuy nhiên, trên thị trường giá bán còn giảm mạnh hơn. Hiện các đại lý của Toyota Việt Nam, tiếp tục giảm giá thêm, cho 3 phiên bản của mẫu xe này, từ 25-30 triệu đồng nữa. Tính ra mẫu xe này đang được giảm giá từ 70-90 triệu đồng.
Nhiều mẫu ô tô có dung tích xi lanh từ 1.5L đến dưới 2.5L đang giảm giá mạnh
Tương tự, mẫu xe Camry dù Toyota Việt Nam không giảm giá bán, thì các đại lý đang giảm khoảng 60 triệu đồng cho 2 phiên bản động cơ 2.5L và 50 triệu đồng cho phiên bản động cơ 2.0L.
Với mẫu Focus 1.5L Ecoboot đang có giá giảm rất mạnh. Tại một đại lý bán xe Ford khi khách hàng đến hỏi mua mẫu xe này, đã không khỏi bất ngờ, được nhân viên bán hàng chốt giá bán 780 triệu đồng. Focus Ecoboot 1.5L là phiên bản cao cấp nhất của mẫu xe Focus 2016, với giá bán được công bố từ 1/7/2016 là 899 triệu đồng, giữ nguyên so với trước đó.
Bán với giá 780 triệu đồng, tức là đại lý đã giảm gần 120 triệu đồng, khiến nhiều người cứ hỏi đi hỏi lại nhân viên bán hàng xem có chính xác không. Tuy nhiên, tìm hiểu thêm ở một số đại lý Ford tại Hà Nội thì thấy, giá bán 780 triệu đồng vẫn chưa phải là thấp nhất, có đại lý chấp nhận bán với giá 760 triệu đồng, hoặc tặng phim dán kính, tùy khách hàng lựa chọn.
Khảo sát trên thị trường vào thời điểm này, cũng thấy nhiều mẫu xe của các thương hiệu khác, trong phân khúc kể trên, đang được các đại lý mạnh tay giảm giá để kéo khách.
Nhân viên bán hàng của các đại lý ô tô tại Hà Nội cho biết, giá nhiều mẫu xe dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.5L hiện nay rất thấp. Bán như vậy, chúng tôi hoàn toàn không còn chút lợi nhuận nào. Những vẫn phải chấp nhận, để chốt doanh số nửa đầu năm 2016.
Còn trao đổi với một DN ô tô FDI được biết, việc giảm giá bán như vậy là chuyện của các đại lý. Họ chấp nhận cắt hết lợi nhuận để tăng doanh số và hy vọng được hưởng chính sách thưởng của nhà sản xuất.
Theo các đại lý, phải giảm giá bán nhiều mẫu xe xuống thấp như vậy là do đang có sự cạnh tranh khốc liệt trong việc giành và giữ thị phần ở phân khúc này của các DN.
Gần đây trên thị trường có 1 DN ô tô đã phá giá, giảm mạnh giá bán nhiều mẫu xe sedan, có dung tích xi lanh từ 1.5L đến 2.5L, khiến cho các DN khác buộc phải hạ giá để cạnh tranh, nếu không muốn bị mất thị phần. Có DN ô tô thì công bố giảm giá bán, nhưng cũng có DN không công bố giảm giá, mà "bật đèn xanh" cho đại lý của mình "đại hạ giá" và hứa thưởng bằng việc tăng doanh số.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng, các DN ô tô phải mạnh tay giảm giá xe để kích cầu, vì khách hàng vẫn đang có tâm lý chờ đợi xe nhập khẩu sắp tràn vào trong vài tháng tới.
Thông tư 20/2011/TT-BCT của Bộ Công thương , có hiệu lực từ ngày 26/6/2011, quy định các DN nhập khẩu ôtô mới nguyên chiếc phải có giấy uỷ quyền chính hãng, hoặc hợp đồng đại lý chính hãng. Giấy ủy quyền này còn phải được cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài chứng nhận.
Trong suốt 5 năm qua, kể từ khi Thông tư này có hiệu lực, ô tô nhập khẩu đã bị siết chặt. Hàng trăm DN nhỏ không còn được tự do nhập khẩu ô tô như trước nữa. Thị trường xe nhập khẩu từ đó đến nay chỉ thuộc về 1 số DN có được giấy phép phân phối xe chính hãng tại Việt Nam. Tuy nhiên, một số cơ quan chức năng cho rằng, nhập khẩu ô tô không thuộc 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, được quy định trong luật DN, do vậy, Thông tư 20 của Bộ Công thương cần phải bãi bỏ.
Đến nay, chưa rõ quy định này có bị bãi bỏ hay không, nhưng nhiều khách hàng vẫn hy vọng và chờ đợi vài tháng tới xe nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam, khi đó sẽ có thêm nhiều lựa chọn với giá rẻ.
Theo Trần Thủy
VietnamNet