Sau khi rộ lên "tin đồn" Bình Phước có chủ trương xây dựng sân bay lưỡng dụng tại huyện Hớn Quản, ngay lập tức, giới đầu cơ đất từ khắp nơi đổ về "săn đất".
Ngày 25/2, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn video ghi lại cảnh hàng đoàn cò đất nối đuôi nhau để săn lùng đất nền, ôm đất số lượng lớn ở xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Theo thông tin người đăng tải, sau khi có "tin đồn" về quy hoạch sân bay Hớn Quản, giá đất nông nghiệp tại khu vực này đã tăng chóng mặt. Đơn cử, một mảnh đất hôm 24/2 có giá 1,1 tỷ đồng, đến sáng 25/2 tăng lên 6 tỷ đồng. Chiều cùng ngày, giá trị lô đất tăng gấp lên 18 tỷ đồng.
Hàng đoàn xe ô tô của các nhà đầu tư đổ dồn về An Khương nghe ngóng cơ hội đầu tư. Ảnh chụp màn hình.
Trao đổi với PV Báo Dân trí, anh Hoàng Minh, đại diện một công ty môi giới bất động sản tại TP.HCM, có trụ sở tại Bình Phước thừa nhận: Đang có hiện tượng sốt đất ở Hớn Quản, thu hút một lượng lớn giới đầu cơ từ Bình Dương, TP.HCM đổ về. Thậm chí còn có cả nhà đầu tư từ các tỉnh phía Bắc như Hà Nội hay Hải Phòng.
Tuy nhiên, anh Minh phủ nhận chuyện giá đất trong 1 ngày tăng từ 1 tỷ lên 18 tỷ đồng. Theo anh Minh, kể từ cuối tháng 1 cho tới nay, giá đất nông nghiệp tại các xã thuộc huyện Hớn Quản nói chung và xã An Khương nói riêng đã tăng từ 200 triệu đồng/1.000 m2 lên 240 - 260 triệu đồng/ 1.000 m2 đất nông nghiệp.
Một số đường liên xã thì giá tăng từ 250 triệu đồng/ 1.000 m2, lên 300 triệu - 320 triệu đồng/1.000 m2 đất nông nghiệp. Trong khi đó, đất mặt đường các con lộ lớn, giá trị đạt "kỷ lục", 1 tỷ đồng/m2 dài mặt đường.
Trao đổi với PV Báo Dân trí, anh Sinh khẳng định, giá đất tại Hớn Quản đang có dấu hiệu "ngáo giá": "Việc Hớn Quản sắp có sân bay chỉ là "tin đồn", chưa được xác thực. Tuy nhiên, giới đầu cơ vẫn về đây "tạo sóng" từ sáng tới đêm, khiến miền quê thuần nông đang yên ả bỗng dưng dậy sóng vì "sốt đất".
Ông Phan Đình Vĩnh, chuyên gia bất động sản cảnh báo, giá đất tăng bất thường trong thời gian ngắn luôn có nhiều rủi ro, nhiều khả năng chính là chiêu trò của giới cò đất nhằm tạo "sóng ảo" trên thị trường.
Trong 3 năm qua, khu vực các tỉnh, thành phía Nam xuất hiện nhiều "cơn sốt đất ảo". Đơn cử như năm ngoái, "sốt đất" tại Bình Ba (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã "bẫy" được một số nhà đầu tư, khiến họ rơi vào cảnh lỗ nặng.
"Ở thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn có một nhóm nhà đầu tư thích "lướt sóng" theo tin đồn, họ sẵn sàng đánh liều để tạo ra lợi nhuận lớn. Tuy nhiên, theo tôi, họ sẽ không vội đầu tư vào Hớn Quản ở thời điểm này.
Bởi vị trí của huyện Hớn Quản (Bình Phước) nằm gần Sân bay Long Thành (Đồng Nai) và Sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM). Với vị trí gần nhau, trên dưới 150 km, rất khó để có thêm một sân bay thứ 3", ông Vĩnh nói.
Không ít các địa phương "sốt đất" là do các cò mồi tự tạo sóng. Trong ảnh là đoàn ô tô của các nhà đầu tư đổ về Hòa Lạc hồi đầu năm 2020.
Ông Vĩnh khuyến cáo, trước những cơn tăng giá bất thường của bất động sản, nhà đầu tư nên giữ "cái đầu lạnh", và thực hiện các bước kiểm tra quy hoạch, pháp lý của dự án. Đồng thời, nhà đầu tư nên tránh các "cơn sốt" có biên độ tăng giá 40% - 50% chỉ trong 1 tuần, hoặc 1 tháng. Bởi đây chính là các "cơn sốt ảo", chiêu trò quen thuộc của giới "cò" đất "bẫy" nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm.
Trước đó, đầu năm 2020 cơn sốt đất ở khu vực Đồng Trúc (Hà Nội) cũng khiến nhiều nhà đầu tư ùn ùn kéo hàng đoàn ô tô về kiếm cơ hội đầu tư, lướt sóng sau khi nghe thông tin sắp triển khai dự án khu đô thị lớn.
Chính quyền địa phương sau đó đã phải dán thông tin cảnh báo, phủ nhận thông tin quy hoạch. Chỉ sau vài ngày, cơn "sốt" đất tại đây đã tạm lắng, giá đất cũng giảm về giá trị thực. Không ít nhà đầu tư phải ngậm ngùi "nuốt trái đắng" khi bỏ tiền lao vào cơn "sốt" đất ảo.