Bỏ tiền tỷ đầu tư mua xe ô tô, cho thuê chạy dịch vụ vận tải hành khách thông qua mạng Grab, Uber nhiều người đang phải khóc ròng vì tài xế “buông súng, bỏ xe”.
Bỏ tiền tỷ mua xe nhưng không có người thuê mà mỗi tháng còn gồng gánh thêm tiền bãi giữ xe, lãi ngân hàng khiến nhiều chủ khóc ròng (Ảnh: Minh họa)
Toàn phải bù lỗ
Tuy “sinh sau đẻ muộn” nhưng dịch vụ vận tải hành khách thông qua mạng Grab và Uber đang vượt mặt taxi, trở thành sự lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng TP. HCM bởi yếu tố tiện lợi, giá thành rẻ và dịch vụ tốt. Sự phát triển này đã giúp các chủ xe thu lợi nhuận ổn định trong suốt thời gian qua. Nhiều người đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ, kể cả thế chấp tài sản để vay ngân hàng đầu tư mua xe ô tô cho tài xế thuê lại chạy dịch vụ Grab, Uber.
Nhiều tài xế taxi đã nghỉ việc và ra ngoài thuê xe ô tô của các chủ xe để chạy dịch vụ Grab, Uber. Giá thuê xe mỗi tháng dao động từ 10-15 triệu đồng, tùy vào loại xe. Nếu chạy suôn sẻ, đắt khách thì mỗi tháng trừ hết chi phí, tài xế vẫn thu về từ 10-15 triệu đồng, mức thu nhập này được cho là khá cao trong giới tài xế. Và lẽ dĩ nhiên, miếng mồi ngon sẽ có nhiều người xâu xé.
“Thấy làm ăn được nên ai cũng xúm vào làm, giờ ra đường thấy toàn Grab với Uber thì lấy gì mà ăn” - một tài xế chạy Grab than vãn.
Sự phát triển nhanh chóng của Grab và Uber, khiến số lượng xe ô tô từ 4-7 chỗ lưu thông trên đường phố tăng nhanh. Điều này đồng nghĩa với việc, thời gian tới TP. HCM phải tiếp tục đối mặt với nạn kẹt xe ngày càng nghiêm trọng. Tài xế Võ Thanh Thuận (ngụ Tân Phú) nói: “Ngày trước chạy thì có ăn lắm mà khoảng 4,5 tháng nay toàn phải bù tiền nhà vào trả tiền thuê xe cho chủ mỗi tháng. Ai cũng mua xe chạy mà một ngày chạy được có mấy tiếng đâu. Có bữa chạy sáng tới tối có 300-400 ngàn đồng thì sống làm sao? Sáng lấy xe ra kẹt xe, loay hoay chạy có một, hai cuốc đã tới trưa, chiều ra lại kẹt xe tiếp. Chạy chẳng được bao nhiêu!”.
Tài xế Lê Thanh Thắng (ngụ Q.8) cho rằng: Giới chạy Grab và Uber đang phải lao đao hằng tháng, chạy ngày chạy đêm mà tới tháng thanh toán tiền thuê xe thì chẳng thấy tiền đâu. Tài xế này cũng cho biết: “Khách thích Grab, Uber vì giá rẻ, an toàn và không có tình trạng gian lận, lừa gạt gì xảy ra. Khách của mình đa số là nhân viên văn phòng, họ thường đón xe đi cự ly ngắn khoảng vài chục ngàn nên lời không bao nhiêu cả. Nói thật mình sợ nhất phải chạy theo kiểu đưa đò như vậy, có người đi có mười mấy ngàn mình vẫn phải chạy. Mà chạy rồi gặp kẹt xe coi như khóc, kẹt xe tốn dầu, tốn xăng lại mất quá nhiều thời gian. Điển hình như khách đi từ Chợ Bến Thành đến nhà thờ Đức Bà thì chỉ mười mấy ngàn, có khi kẹt xe mất cả tiếng đồng hồ thì lấy gì mà ăn?”.
Tài xế bỏ chạy, chủ xe khóc ròng
Lượng xe tăng, chi phí đội chi phí khiến nhiều tài xế không thể gồng gánh nổi số tiền thuê xe hàng tháng đành buông xe, trả lại cho chủ. Nhiều chủ xe có đến cả chục chiếc đủ loại phải để xe nằm một chỗ lại tốn thêm tiền thuê bãi đậu xe mỗi tháng hàng chục triệu đồng. Đó là chưa tính đến lãi suất ngân hàng vẫn “đều đều” mỗi tháng. Điều này đang khiến nhiều chủ xe đứng ngồi không yên. Một số đã phải bán bớt xe để trang trải chi phí, giảm bớt gánh nặng.
Anh Lê Hoàng Hải (ngụ Q.7), người có 4 xe ô tô đang cho thuê chạy Grab bật mí, việc tài xế “buông xe bỏ chạy” khiến các chủ xe lao đao không phải chỉ do doanh thu kém, không lợi nhuận mà còn bởi hiện nay hầu hết các ngân hàng đều cho vay ưu đãi và hỗ trợ vay đến 70% giá trị xe ô tô. Vì thế, việc sở hữu một chiếc ô tô của riêng mình và tự làm chủ lấy mình nhằm cải thiện thu nhập là điều dễ dàng. Nhiều người chỉ cần 100-200 triệu đồng đã có thể sở hữu một chiếc ô tô ngon lành để chạy Grab, Uber và chạy thêm hợp đồng ngày cuối tuần đi tỉnh, đám tiệc… bởi thế những chủ xe như anh đang phải lo sốt vó.
Cùng cảnh ngộ với anh Hải, chị Võ Hoàng Yến, một chủ đầu tư chuyên cho cánh tài xế quận 5 thuê xe chạy Grab, Uber cho biết: Chị hiện có 12 chiếc xe đang cho thuê. Ban đầu chỉ có 3 xe nhưng sau đó thấy nhu cầu tăng cao mà lợi nhuận cũng ổn định nên chị đánh liều thế chấp nhà để vay vốn ngân hàng đầu tư thêm 9 chiếc nữa. Chỉ tính riêng tiền thuê bãi đậu xe, mỗi tháng chị đã mất 14 triệu đồng, cộng với tiền lãi ngân hàng mỗi tháng chị mất hơn 50 triệu đồng. Nếu bình thường xe chạy đầy đủ thì mình vẫn có lợi nhuận, còn bây giờ hết 8 chiếc bỏ không thì nợ lại chồng thêm nợ. Xe bây giờ muốn bán bớt cũng khổ vì sợ bị lỗ.
Rất nhiều chủ xe khác do sở hữu xe đời mới nên xoay sang hướng gửi xe vào chạy cho các công ty nước ngoài với giá dao động từ 20-25 triệu đồng mỗi tháng (bao gồm cả tài xế, xăng, dầu) để vớt vát. Nhiều người từ chủ xe đã vướng nợ nần, phải bán cả xe rồi đi chạy thuê cho công ty.
Theo Người Tiêu Dùng