Không ít người "ôm" đất, đặt cọc tiền tỷ để "lướt sóng" đất quanh khu vực sân bay Técníc (Bình Phước) có nguy cơ mất trắng khi kế hoạch "bẻ cọc" bất thành, không thể sang tay phần đã mua.
Nhịp sống thường ngày đã trở lại với vùng quê Hớn Quản (Bình Phước) sau gần 10 ngày náo loạn vì sốt đất.
Sau gần 10 ngày giá đất tăng chóng mặt gây náo loạn vùng quê Bình Phước, "bong bóng" bất động sản ăn theo sân bay Técníc gần như đã xì hơi, không còn cảnh mua bán đất đông vui như "trẩy hội". Người dân thôn quê đã trở lại nhịp sống thường ngày. Không ít trường hợp đã phải ôm nợ vì "lướt sóng" bất thành.
Trước đó vài ngày, mỗi mảnh đất ở các xã An Khương và Tân Lợi (huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước) được "cò" rao bán với giá 350 triệu đồng cho 1m ngang mà không ít người vẫn mua. Hiện tại, giá giảm còn 200 triệu đồng nhưng vẫn "ế". Những nơi từng có cảnh mua bán đất đông như trẩy hội đến nay lại vắng hoe, chỉ lác đác vài "cò" đất địa phương ngồi chờ khách.
Có trường hợp "ôm" một miếng đất giá 23 tỷ đồng nhưng có nguy cơ mất trắng. Người này đã đặt cọc 4 tỷ đồng cho chủ đất là ông N.V.A. (người địa phương). Hôm sau, có một nhóm khác đến hỏi và trả giá mua khu đất của của A. với giá 30 tỷ đồng. Biết được đây là chiêu trò của giới "cò" đất để dụ dỗ phá cọc, ông A. quyết định không bán.
Hiện nhà đầu cơ ban đầu vẫn chưa tìm được người để bán ra sang tay. Theo giá trị thực, lô đất trên chỉ có giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Nếu vẫn quyết tâm mua thì xem như nhóm nhà đầu tư trên bị lỗ 21 tỷ đồng, còn bỏ cọc thì mất 4 tỷ đồng.
Nhiều người ôm nợ sau cơn "sốt đất ảo" quanh khu sân bay Técníc.
Một thửa đất ngang 10m, dài 60m, chưa phải đất thổ cư tại ấp 5 (xã An Khương) đang được đang rao bán với giá là 2,4 tỷ đồng trong khi những ngày trước giá chốt bán là 3,5 tỷ đồng. Nếu người mua đặt cọc, làm công chứng thì 2 tháng sau sẽ có sổ đỏ.
Liên hệ theo nhiều số điện thoại ghi trên bảng rao bán đất, PV Dân trí ghi nhận, phần lớn đó là số điện thoại của giới đầu cơ và "cò" đất. Họ không còn rao giá trên trời như những ngày trước mà đều ngỏ ý muốn bán đất sớm để cứu lại vốn.
Theo ghi nhận, các giao dịch trên chỉ dừng lại ở bước đặt cọc giữa giới đầu cơ với chủ đất là người dân địa phương. Sau đó giới đầu cơ photo sổ đất để "cò" đất rao bán.
Hầu hết số điện thoại trên các biển rao bán đất đều là của "cò" đất.
Đại diện UBND xã An Khương cho biết, tình hình "sốt" đất ở khu vực này cũng không còn do nhu cầu không có thật và cũng không có thông tin quy hoạch sân bay. Chính quyền địa phương cũng nắm bắt được một số thông về việc nhà đầu tư lướt sóng đất thu lỗ nên ôm nợ hàng tỷ đồng.
"Hiện tại chưa thể thống kê được các giao dịch, bởi nếu có mua bán thật thì sau 30 ngày các bên ra công chứng mới biết được. Tuy nhiên, theo ghi nhận của cơ quan chức năng, giá đất tăng và các giao dịch đều do "cò" thổi lên. Thực tế có rất ít giao dịch thật, nếu có chỉ là đặt cọc rồi bẻ cọc qua lại. Điều này gây thiệt hại cho những người mua kém hiểu biết, chỉ có cò đất là đứng giữa hưởng lợi", lãnh đạo xã An Khương thông tin.
UBND huyện Hớn Quản khuyến cáo người dân khi có nhu cầu thông tin, giao dịch về đất nên liên hệ các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ thông tin quy hoạch, tính pháp lý để tránh rủi ro.
Lãnh đạo UBND huyện Hớn Quản cũng xác nhận, các giao dịch mà giới "cò" đất rêu rao những ngày qua là ảo. Trên thực tế, sau khi rà soát lại thì huyện chưa nhận được hồ sơ nào về điều chỉnh biến động đất ở khu vực này. Tình trạng làm giá, chèo kéo, mời chào mua đất ở khu vực này hiện đã giảm. Tuy nhiên, việc tái diễn vẫn có khả năng xảy ra, nhất là khi thông tin về quy hoạch sân bay Técníc vẫn được lan truyền.
UBND huyện Hớn Quản khuyến cáo các tổ chức, cá nhân nâng cao cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số "cò" đất, dịch vụ tư vấn bất động sản có dấu hiệu lừa đảo. Việc mua đất khi chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng, đặc biệt là đất lâm nghiệp và các khu đất được các đối tượng tự ý mở đường, phân lô, bán nền trái quy định cần phải được cân nhắc, tìm hiểu kỹ.