Rót 10.000 tỷ đồng đầu tư hai nhà máy giấy, đến nay, Tập đoàn Geleximco vẫn lao đao vì nhà máy phải "ăn đong" nguyên liệu từng ngày. Trước đó, ông chủ Geleximco cũng thất bại khi rót hàng chục tỷ đồng nuôi tôm tại Thái Bình. Nông nghiệp không phải là miếng bánh ngon ăn với các đại gia.
Được biết đến với tư cách là “đại gia” bất động sản, Geleximco với các dự án đình đám, đồng thời nắm vị trí chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp lớn như Chủ tịch ngân hàng An Bình, chứng khoán An Bình và Phó chủ tịch CMC Group..., song ít ai biết, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Geleximco có ý tưởng đầu tư vào nông nghiệp khá sớm. Có điều, đến nay, các dự án nông nghiệp của tập đoàn này chưa gặt hái được thành công.
Cụ thể, từ năm 1998, Geleximco cùng một số doanh nghiệp đã sang Israel học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, sau đó, đầu tư hơn 20 tỷ đồng nuôi 100 ha tôm tại Thái Bình. Tuy nhiên, dự án đã không thành công và “đến nay vẫn đắp chiếu”, theo lời của ông Vũ Văn Tiền.
Dự án đầu tư nông nghiệp mới đây nhất của Geleximco là Dự án Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang) của tập đoàn này cũng đang rơi vào khó khăn do phải “ăn đong” nguyên liệu.
“Chúng tôi đã rót 10.000 tỷ đồng đầu tư hai nhà máy giấy, rất quyết tâm làm. Trước khi quyết định làm, chúng tôi được Chính phủ quy hoạch 165.000 ha rừng tại Tuyên Quang, chúng tôi rất yên tâm vì chỉ cần 30.000 ha rừng là đủ nguyên liệu cho nhà máy. Thế nhưng, khi triển khai xây dựng nhà máy thì mới biết, không có "ngàn héc- ta" nào cả, chỉ có 500 ha rừng mà cũng bị dân chiếm gần hết. Gần Tết vừa qua, dân ồ ạt chặt cây mang bán, chúng tôi báo chính quyền huyện, xã thì đều nhận được sự thờ ơ. Vì vậy, trong dịp Tết phải tập trung cán bộ lên đó để mua cây, đảm bảo cho nhà máy vận hành. Nếu không có nguyên liệu thì nhà máy sẽ đóng cửa”, ông Tiền bức xúc.
Theo ông chủ Geleximco, chính sách quan tâm của Đảng và Nhà nước thì “khỏi bàn”, nhưng đi vào triển khai mới thấy như gặp phải “mê hồn trận”, vướng trăm bề, trong đó vướng nhất là đất đai, vốn và quy hoạch. Vì vậy, ông Tiền cho rằng, cơ chế chính sách phải đi vào thực tiễn, không chỉ hỗ trợ trên giấy.
Trước bức xúc của doanh nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho hay, hiện Tuyên Quang đang trình phương án cổ phần hóa nông lâm trường quốc doanh và dự kiến tháng 3/2016 mới được Thủ tướng phê duyệt, sau đó mới có thể thực hiện các thủ tục chuyển giao đất cho doanh nghiệp để doanh nghiệp triển khai cơ chế phối hợp với người dân trồng rừng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu ông Phạm Quang Hiển, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ NN&PTNT) trực tiếp xử lý vướng mắc của doanh nghiệp.
Trong cuộc trao đổi giữa hai bên trong giờ giải lao, ông Hiển cho hay, nhiều doanh nghiệp cũng đã từng rơi vào cảnh như Geleximco, song sau khi Bộ vào cuộc cùng chính quyền địa phương, các doanh nghiệp đã có nguồn nguyên liệu để hoạt động ổn định.
Với tư cách nguyên là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor), ông Hiển cũng chia sẻ bài học “xương máu” của Vinafor, nhiều lần được các tỉnh mời chào đầu tư nhà máy, hứa có vùng nguyên liệu lên đến nửa triệu héc - ta, song thực tế khi Vinafor đi khảo sát thì diện tích rừng thực tế chỉ mấy trăm héc - ta, không đủ để nhà máy vận hành.
Thùy Liên / baodautu.vn