Nhiều công ty, cửa hàng khai trương đúng vào lúc dịch Covid-19 bùng phát khiến ông chủ khóc như mưa, tóc bạc trắng theo ngày.
Vui khởi nghiệp khóc vì Corona
Những ngày qua, cả thế giới dường như chao đảo trước đại dịch Covid-19. Nhiều ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng, rơi vào vòng xoáy điêu đứng.
Anh Phúc Anh (Hà Nội) bỗng trở thành "nạn nhân" bất đắc dĩ trong mùa dịch Covid - 19. Người ngày hôm trước vừa là ông chủ công ty khởi nghiệp hôm sau bất giác biến thành con nợ gánh lãi theo ngày.
Với số tiền 200 triệu đồng anh đầu tư mở studio, mua thiết bị, máy móc tự nhiên "không cánh mà bay" trước thông tin Hà Nội có ca dương tính đầu tiên với Covid - 19. Trong đó, toàn bộ số khách đặt phòng, đặt tour du lịch phát tuyên bố “nghỉ chơi” khiến anh trắng tay, ngã ngựa ngay từ phút đầu.
“Chỉ sau 1 đêm, bao nhiêu công sức giờ hóa thành công cốc, ông chủ giờ trở thành kẻ gánh nợ trên vai. Bởi có bao nhiều tiền tôi đều dốc hết vào dự án, số còn lại chắc chỉ đủ để tôi cầm cự, đổ tiền xăng qua ngày” – anh Phúc Anh trải lòng.
Với anh, công ty không chỉ là hoài bão mà còn là đứa con tinh thần lớn lao, anh đã mất 2 năm để ấp ủ, 6 tháng ươm mầm cho dự án khởi nghiệp. Và cũng lần đầu tiên anh Phúc Anh bước chân vào giới thương trường.
Mỗi lần nghe tin báo đài thông báo có thêm 1 ca dương tính với Covid-19, anh lại đau đáu nghĩ xem bản thân phải làm gì để ngày mai có tiền trả lương cho nhân viên.
Anh Phúc Anh đầu tư hơn 200 triệu đồng để làm studio, mua thiết bị, máy móc
Cùng chung cảnh ngộ, anh Hoàng Hùng (Hà Nội) tâm sự, anh đã ấp ủ giấc mơ xây dựng 1 thương hiệu đồng hồ của riêng mình từ rất lâu nhưng ngày bung sản phẩm cũng là ngày dịch Covid-19 bùng phát. Lúc đầu, anh cũng khá hoang mang khi ngày khai trương mà “vườn không nhà trống”, khách hẹn lịch đều cáo lỗi không qua.
“Nhiều người hỏi tôi tại sao lại mở quầy đúng vào mùa dịch, có phải quá liều lĩnh không. Thực ra, tất cả phương án kinh doanh, kế hoạch mở cửa hàng đều được tôi dự liệu từ trước nhưng sự xuất hiện của dịch Covid-19 là quá bất ngờ, nằm ngoài sự kiểm soát” – Anh nói.
Anh cho hay, dòng sản phẩm anh hiện kinh doanh cần nhiều sự trải nghiệm trực tiếp nên chuyển sang bán online cũng không phải là cách hay. Nhưng ở thời điểm hiện tại, đây là phương án tối ưu mà anh có thể thực hiện.
Phép thử quá đắt giá
Dù gặp nhiều bất lợi nhưng anh Hùng cho rằng, khởi nghiệp là không chờ đợi và khó khăn thử thách là một phần không thể thiếu. Bởi vậy, cách duy nhất là lựa chọn đối mặt, học sống chung với lũ. Và Covid-19 chính là bài toán hóc búa mà anh phải vượt qua.
“Thực ra, Corona không chỉ là phép thử mà còn là chướng ngại vật buộc doanh nghiệp phải vượt qua. Bởi thế, càng những lúc khó khăn, người đứng đầu phải thật tỉnh táo, bình tĩnh nếu không phía trước ắt hẳn là thất bại” – Anh Hùng chia sẻ.
Để sống sót băng qua mùa dịch, anh Phúc Anh cũng bước vào cuộc cải tổ, sắp xếp lại nhân sự. Anh hiểu rằng, đây không chỉ là thách thức mà còn là bài toán khởi nghiệp gian nan. Sốc lại tinh thần, anh nghĩ bản thân cần đứng dậy bởi phía sau lưng người lãnh đạo còn là số phận của rất nhiều nhân viên.
“Tôi không thể giương mắt nhìn anh em của mình thất nghiệp, ra đường vào lúc này. Có khó anh em cùng nghĩ, cùng vượt qua để tất cả mọi người không ai bị bỏ lại phía sau” – anh nói.
Nhờ đàm phán thành công, anh Phúc Anh đã xin hỗ trợ được phía cho thuê mặt bằng giãn thời gian trả nợ. Theo tính toán, công ty sẽ cầm cự được tiếp 2 tháng, còn hành trình phía sau, anh không dám đoán định.
Tiền chi trả mặt bằng đang trở thành gánh nặng của rất nhiều doanh nghiệp trong mùa dịch Covid-19
Dịch Covid-19 không chỉ là cú sốc với người mới khởi nghiệp mà ngay cả doanh nghiệp làm ăn lâu năm trên thị trường cũng lao đao. Anh Lại Quân, chủ chuỗi thời trang lớn ở Hà Nội cho hay, công ty anh cũng rơi vào cảnh "dở khóc dở cười" khi cửa hàng thứ 3 mở vào đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát. Do có kế hoạch, lộ trình từ trước nên việc khai trương không thể trì hoãn lại.
“Từ lúc kinh doanh, tôi chưa bao giờ gặp khủng hoảng như vậy, bởi mọi chỉ số tài chính đều lao dốc, rơi tự do. Hiện nay, trung bình mỗi chi nhánh đều sụt giảm 50 - 60% doanh thu/tháng, một con số kinh hoàng” – anh Quân nói.
Để ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, anh Quân đã tính đến phương án đẩy mạnh hình thức kinh doanh online. Đồng thời, sắp xếp lại hệ thống nhân sự và cân đối lại ngân sách chi tiêu cho từng cửa hàng.