Hơn 30 năm phát triển, tại Việt Nam đã xuất hiện những doanh nghiệp tư nhân lớn, hoạt động đa ngành, mang tầm cỡ quốc tế. Cũng đã có những tỷ phú trong danh sách thế giới, nhưng con số này mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Không muốn thành tỷ phú
Thời gian qua, nhiều công trình lớn của đất nước như sân bay Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Hạ Long - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng,... ghi dấu ấn đậm nét những gương mặt doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam,... góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung. Các doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia vào những lĩnh vực trước đây vốn thuộc độc quyền nhà nước như hàng không, sân bay,... làm thị trường cạnh tranh hơn và đông đảo người dân được hưởng lợi.
Về xuất khẩu, ngoài những mặt hàng truyền thống như nông lâm thủy sản, các doanh nghiệp tư nhân đã có thêm những sản phẩm hàng hóa giá trị cao, xứng tầm để “đem chuông đi đánh xứ người” như điện thoại thông minh, xe ô tô... Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã đầu tư ra nước ngoài với số vốn hàng tỷ USD. Trong nhóm 30 cổ phiếu có vốn hóa hơn 1 tỷ USD trên thị trường chứng khoán hiện nay, có 13 mã cổ phiếu thuộc doanh nghiệp tư nhân, chiếm tỷ lệ 41,98%.
Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã thi công nhiều công trình lớn, góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước.
Có thể nói, trong quá trình phát triển hơn 30 năm qua, Việt Nam đã hình thành những doanh nghiệp tư nhân năng động, có khả năng thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Đã có những tỷ phú Việt Nam trong danh sách tỷ phú thế giới.
Mặc dù vậy, theo đánh giá chung, khối doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đến nay vẫn chưa trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, làm động lực quan trọng đưa kinh tế đất nước đi lên.
Số liệu từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, những doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa chiếm hơn 2%, còn lại gần 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp 43% GDP, nhưng các doanh nghiệp tư nhân mới chỉ đóng góp gần 10%, còn lại thuộc về kinh tế cá thể và hộ gia đình.
Theo chuyên gia Phạm Chi Lan, những năm qua vai trò của kinh tế tư nhân liên tục được khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế; nhưng khu vực này đã và đang trải qua một quá trình phát triển nhọc nhằn vẫn rất nhỏ bé, khó lớn và không muốn lớn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, thời gian qua, số lượng các doanh nghiệp tư nhân từ nhỏ vươn lên quy mô vừa và từ vừa vươn lên quy mô lớn tại Việt Nam rất hiếm. Chưa kể, theo VCCI, lại có sự sụt giảm khá mạnh mẽ của doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và lớn trong vòng 5 năm gần đây. Điều này khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế của những doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ, với tỷ lệ xấp xỉ 96%; trong đó, đa số là các doanh nghiệp siêu nhỏ, tới gần 67%.
Hơn nữa, tốc độ chuyển dịch doanh nghiệp từ nhỏ lên vừa và vừa lên lớn rất chậm, có nhiều doanh nghiệp phải mất từ 10-20 năm mới phát triển lên quy mô vừa. Nhưng khi doanh nghiệp tương đối thành công lại quyết định rút khỏi thị trường, bán hoặc sáp nhập doanh nghiệp mình vào doanh nghiệp khác, chủ yếu là với các doanh nghiệp FDI. Đây thực sự là tình trạng đáng buồn, bà Phạm Chi Lan nhận xét.
Loay hoay phát triển doanh nghiệp
Quy mô lớn là lợi thế,để các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội kinh doanh, song nhiều doanh nghiệp tư nhân không muốn lớn. Giới chuyên môn lý giải, đó là do môi trường kinh doanh tại Việt Nam vẫn thiếu thuận lợi. Bức xúc nhất hiện nay vẫn là tình trạng phân biệt đối xử.
Khảo sát mới đây của VCCI chỉ ra rằng, 39,5% doanh nghiệp tư nhân cho hay lãnh đạo các địa phương vẫn ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước hơn là phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp tư nhân luôn gặp khó trong tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn cũng như bất lợi về thanh, kiểm tra, thuế, hải quan so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước.
Doanh nghiệp tư nhân đã có những sản phẩm hàng hóa giá trị cao, xứng tầm để “đem chuông đi đánh xứ người”.
Nếu khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ thường đề cập tới là tiếp cận vốn, đất đai, thị trường, khách hàng... thì với các doanh nghiệp lớn lại là rủi ro về thay đổi chính sách. Theo báo cáo “Đánh giá về việc thực hiện cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020”, do VCCI mới công bố, vấn đề đáng quan ngại là khả năng dự đoán những thay đổi chính sách, có xu hướng giảm liên tục.
Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp cho biết thường xuyên dự đoán được thay đổi chính sách giảm từ mức 16% trong năm 2014 xuống còn 5% trong năm 2018. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp không bao giờ hoặc hiếm khi dự đoán được nội dung chính sách tăng từ 42% năm 2014 lên 67% năm 2018. Sự suy giảm khả năng dự đoán chính sách này là xu hướng nhất quán trong 5 năm qua. Đây là một thực tế rất đáng quan ngại về môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Nguyên nhân chính là do các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường thay đổi bất ngờ, diễn ra quá nhanh trong thời gian ngắn.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, một trong những điểm đang “trói” doanh nghiệp hiện nay chính là khả năng khó tiên đoán về thay đổi chính sách, pháp luật kinh doanh. Điều này dẫn đến thực tế là quyền tự do kinh doanh có cải thiện nhưng an toàn của doanh nghiệp thì chưa. Do vậy, ứng xử về đầu tư trong khối tư nhân vẫn thiên về ngắn hạn, nhỏ lẻ và không mang tính chiến lược dài hạn.
Nghị quyết 10-NQ/TW năm 2017 của Ban chấp hành Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân đã định hướng rõ, đó là phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu,...
Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, nghi ngại, dường như chúng ta vẫn say sưa nói về Nghị quyết quá nhiều, trong khi những văn bản pháp luật của các bộ, ngành ban hành vẫn chưa thể hiện hết điều đó. Trong năm 2020, có không ít những quy định pháp luật được ban hành hoặc soạn thảo không thực sự thân thiện với doanh nghiệp tư nhân.
Chẳng hạn như Ngân hàng Nhà nước dự thảo Thông tư quy định hạn chế các tổ chức tín dụng không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích để góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp khác. Quy định này không cho phép các ngân hàng mua trái phiếu do các công ty mẹ trong tập đoàn kinh tế phát hành nhằm huy động vốn, rồi dùng số tiền đó để góp vốn vào công ty con. Việc đó khiến tổ chức tín dụng gặp khó trong kiểm soát mục đích sử dụng vốn, dòng tiền... Lo ngại này là chính đáng, tuy nhiên hoàn toàn có thể giải quyết được thông qua các biện pháp trong hợp đồng, hoặc điều khoản trái phiếu, ông Tuấn nói.
Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ mới đây đưa ra định hướng: khuyến khích hình thành, phát triển những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp, với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt 60-65%.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh, Việt Nam vẫn lúng túng chưa biết làm thế nào để xây dựng được hệ thống doanh nghiệp và khẳng định nếu không xây dựng hệ thống doanh nghiệp, nền kinh tế sẽ “xập xệ”, không phát triển nổi.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang thiếu trầm trọng các doanh nghiệp cỡ vừa và cỡ lớn để trở thành các kênh kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu và trực tiếp tham gia vào thị trường quốc tế. Quy mô nhỏ, tính phi chính thức lớn, quản trị yếu kém, công nghệ thấp,... đang là thực trạng phổ biến của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.