Với quy mô giá trị lên tới gần 15 tỷ USD, thị trường đồ gia dụng Việt Nam đang thu hút nhiều người chơi mới. Song với sự đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu Thái Lan, Trung Quốc, doanh nghiệp trong nước sẽ càng chật vật hơn.
Xuất hiện tân binh “tí hon”
2 năm trở lại đây, các ông lớn trên sân chơi thị trường đồ gia dụng Việt Nam khá bất ngờ với sự xuất hiện của một số “ông nhỏ” như VnTech, Asanzo, Korihome. Dù chỉ ngồi chiếu dưới, nhưng các thương hiệu mới này cũng khiến các “ông lớn” như Benny, Philips, Elmich, Kangaroo, Bluestone, Gowell, Sunhouse, Goldsun… đứng ngồi không yên.
Trong đó, VnTech là nhãn hàng điện máy được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 công ty thành viên là Công ty TNHH Công nghệ điện - điện tử Việt Nam, Công ty cổ phần Gia dụng - Điện gia dụng Việt Nam và Hợp tác xã Dịch vụ Thương mại Công Hoan. Với việc kế thừa từ các công ty liên kết, VnTech đang thổi làn gió mới vào lĩnh vực đồ điện gia dụng giá rẻ tại Việt Nam.
Hệ thống siêu thị chứng kiến sự đổ bộ mạnh mẽ của nhiều thương hiệu đồ gia dụng lớn. Ảnh: Đức Thanh |
Asanzo là thương hiệu thuần Việt do ông Phạm Văn Tam sáng lập và mới phát triển vài dòng sản phẩm như bình đun nước siêu tốc, nồi cơm điện… Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, rất có thể Asanzo sẽ là đối thủ đáng gờm của các thương hiệu Việt nêu trên.
Trong khi đó, Korihome (thuộc Tập đoàn Tecomen) lại đi theo dòng sản phẩm gia dụng cao cấp tích hợp công nghệ thông minh với mẫu mã “thời thượng”. Sản phẩm được chia thành 2 nhóm là máy lọc nước RO cao cấp và thiết bị gia dụng mang phong cách Hàn Quốc
Trong 3 tân binh trên, chỉ có VnTech là đa dạng nhất về ngành hàng gia dụng và thể hiện rõ tham vọng sẽ trở thành người chơi đáng nể trên thị trường vốn cạnh tranh từng centimet cả trong và ngoài nước. Mặc dù mới ra đời gần 1 năm, nhưng doanh số của tân binh này đã chiếm 2% thị phần, đạt 60 tỷ đồng, với 30 nhà phân phối và gần 10.000 đại lý tại miền Bắc và miền Trung (tính đến tháng 6/2017).
Lê Khắc Hoà, ông chủ khai sinh VnTech là người am hiểu kỹ thuật và từng có nhiều năm làm nhà phân phối cho Kangaroo, Sunhouse. “Nếu tôi chỉ làm nhà phân phối mãi cho các thương hiệu đó thì không có dấu ấn gì. Bởi trong cuộc chơi hội nhập cần có một thương hiệu đúng chất thuần Việt để cạnh tranh với các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, được coi là thủ phủ của hàng gia dụng trên thế giới”, ông Hòa nói.
Vì lý do đó, VnTech đang chinh phục mạnh mẽ người tiêu dùng tỉnh lẻ, với mục tiêu trong 3-5 năm tới sẽ trở thành nhà sản xuất và phân phối gia dụng lớn nhất Việt Nam, vượt qua Kangaroo, Sunhouse, Elmich… Sau đó, từ năm 2019, VnTech sẽ mở rộng thị trường phân phối ra các nước ASEAN. Mục tiêu dài hạn là trở thành công ty toàn cầu về sản xuất và phân phối đồ gia dụng như Media, Samsung, Toshiba, Philips.
Thị trường nông thôn đang trở thành mảnh đất tiêu thụ màu mỡ cho các doanh nghiệp trong nước. Kết quả nghiên cứu của Nielsen cho thấy, trong quý I/2017, mức tăng trưởng mua sắm ở nông thôn đạt 12,4%, trong khi ở thành thị chỉ đạt 6,5%. Trong đó, mức mua sắm các sản phẩm phổ thông tăng trưởng 40% và sản phẩm cao cấp tăng trưởng 38,5%. Điều này cho thấy, người tiêu dùng nông thôn sẽ không còn trung thành với các sản phẩm phổ thông, rẻ tiền. |
Mặc dù vậy, trước các ông lớn trong ngành hàng gia dụng, VnTech có phần đơn thương độc mã, thậm chí có thể bị các ông lớn đè bẹp lúc nào không hay. Để có thêm động lực cạnh tranh, công ty này đang chuẩn bị gọi vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân có tiền nhàn dỗi.
Theo ông Hoà, đã có một số cá nhân ở Lào cam kết sẽ đầu tư vài triệu USD cùng Công ty để mở rộng thị trường ở Lào và Capuchia trong năm 2018. “Chúng tôi chọn Lào, Campuchia làm thị trường đầu tiên để đặt chân vì gần và mức độ cạnh tranh không quá khốc liệt như Thái Lan, Malaysia. Mức thu nhập của người dân cũng phù hợp với các dòng sản phẩm bình dân của chúng tôi”, ông Hòa chia sẻ.
Tuy nhiên, Lào và Campuchia cũng là thị trường trọng điểm của hàng gia dụng Thái Lan, đối thủ rất mạnh của bất cứ thương hiệu châu Á nào. Do đó, VnTech cần có cam kết về chất lượng, giá thành, chế độ dịch vụ sau bán hàng.
Trước mắt, VnTech cần tập trung ở thị trường trong nước và từng bước đối mặt với những “người chơi” trên đỉnh. Để có thể tồn tại, VnTech tập trung vào phân khúc giá rẻ, tại các tuyến huyện, xã ở phía Bắc. Mục tiêu của Công ty là đến năm 2018 sẽ phủ sóng hết cả nước, đến năm 2019, mới triển khai kênh siêu thị.
Ông Hoà lý giải, kênh siêu thị chỉ phù hợp với các ông lớn, thương hiệu ngoại. Hiện tiềm lực VnTech chưa đủ diều kiện để đưa hàng vào siêu thị. Hơn nữa, hàng đưa vào siêu thị không bán được sẽ bị trả lại. Đặc biệt, ngươi tiêu dùng Việt Nam vẫn quen mua hàng gia dụng ở các cửa hàng nhỏ lẻ tiện lợi, thay vì vào siêu thị.
Chật vật cạnh tranh
Xét về doanh thu các doanh nghiệp trong nước năm 2016, Kangaroo là tên tuổi đứng đầu với khoảng 2.000 tỷ đồng (chủ yếu đến từ máy lọc nước cao cấp), Sunhouse đứng vị trí thứ hai với 1.800 tỷ đồng. Song nếu tính riêng doanh thu về các sản phẩm gia dụng thì Sunhouse vẫn chiếm thị phần lớn nhất, với khoảng 8% trên toàn thị trường Việt Nam.
So với các ông lớn nói trên, doanh số của VnTech còn rất nhỏ, mục tiêu đến năm 2018 mới đạt 120 tỷ đồng. Dẫu vậy, xét về tốc độ phát triển, VnTech đang dẫn đầu so với các doanh nghiệp Việt Nam khởi điểm như trước đây. “Tôi có điểm xuất phát tốt hơn vì có hệ thống khách hàng từ khi còn nhà phân phối cho Sunhouse và Kangaroo”, ông Hòa nói.
Theo ước tính của Bộ Công thương, quy mô giá trị thị trường ngành hàng gia dụng trong nước đạt khoảng 15 tỷ USD. Ngành hàng này còn nhiều tiềm năng do dân số trẻ, nhu cầu tách hộ gia đình lớn và gia tăng số lượng học sinh - sinh viên, với mức thu nhập tăng dần. Do đó, thị trường đang có sự đổ bộ mạnh mẽ của các thương hiệu lớn đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức...
Theo ông Hoà, các thương hiệu trong nước đang chiếm 80% thị phần, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, trong 80% thị phần các doanh nghiệp tại Việt Nam, chủ yếu là hàng có xuất xứ Trung Quốc thông qua những cái “bắt tay” với doanh nghiệp nội như Sunhouse, KoriHome, Asanzo, Kangaroo…
Theo ông Dương Văn Quang, Cục trưởng Cục Thương mại TP. Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông, thời gian tới, ngoài mong muốn đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực đồ điện gia dụng, TP. Trạm Giang cũng đang tìm hiểu chính sách đầu tư để mở nhà máy sản xuất và mang dây chuyền công nghệ sang đầu tư tại Việt Nam. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực đồ điện gia dụng.
Hiện nay, 70% tổng sản lượng đồ điện gia dụng của Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường nước ngoài là từ TP. Trạm Giang và 60% đồ điện gia dụng sản xuất trên toàn cầu cũng xuất phát từ tỉnh này.
Theo ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sunhouse, ngành gia dụng không yêu cầu công nghệ quá cao, sử dụng nhiều lao động. Đây vốn là thế mạnh của Trung Quốc trong thời gian qua. Tuy nhiên, thời gian tới, giá nhân công của Trung Quốc sẽ tăng nhanh khi thu nhập của người dân đã phát triển, Trung Quốc không thể tiếp tục thực hiện chiến lược giá rẻ. Khi đó, Việt Nam sẽ là thị trường nhiều tiềm năng thay thế Trung Quốc trong xuất khẩu với sự dịch chuyển thị trường của các tập đoàn đa quốc gia.
Tuy nhiên, ông Phú cho rằng, thách thức lớn sẽ đến từ hàng loạt đối thủ cạnh tranh ở Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc… (sẽ được hưởng lợi từ thuế 0% từ các hiệp định thương mại). Điều này đem lại lợi thế cho các công ty thương mại và bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Nguy cơ mất thị trường nội địa rất lớn do xu hướng tiêu dùng yêu cầu sự đa dạng về sản phẩm, mà đây không phải là lợi thế của doanh nghiệp Việt.
Do đó, các doanh nghiệp thuần Việt cần phải hướng tới thị trường xuất khẩu, tuy nhiên, đây vẫn là thách thức do thiếu các chính sách hỗ trợ mang tính vĩ mô, chưa đi sâu vào từng ngành hay những vấn đề nội tại của doanh nghiệp như nhân lực. Dự báo giai đoạn này, doanh nghiệp thuần Việt sẽ cực kỳ khó khăn. Đó là lý do khiến doanh thu của các ông lớn Việt trên thị trường đang bị chững lại.
Anh Hoa / baodautu