Các bài học kinh nghiệm, thành công bước đầu của Việt Nam trong phòng chống dịch Covid-19 nên được xem xét, áp dụng vào các nhiệm vụ quan trọng khác nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn hiện nay: đó là đòi hỏi nhiệm vụ được giao phải cụ thể, được tổ chức thực hiện quyết liệt, thống nhất cao trong mọi tầng lớp xã hội, mà trước hết là đơn vị đầu mối được Chính phủ giao trọng trách.
Nguồn: Diacron
Chiều ngày 22-5 vừa qua, tại phiên họp của Thường trực Chính phủ về tình hình, triển vọng và các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thành lập “Tổ công tác đặc biệt”. Tổ công tác này sẽ là đơn vị đầu mối được Chính phủ giao tổ chức thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy hiệu quả đầu tư nước ngoài - là một trong năm “mũi giáp công” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ứng phó với thách thức toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra.
Thông tin trên nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đã có một số nhóm các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam bàn cách cùng nhau tổ chức thực hiện những việc cụ thể để hưởng ứng, cũng như phối hợp với Tổ công tác triển khai chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng.
Dịch Covid-19 hiện vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, đã và đang tác động không nhỏ tới mọi hoạt động kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt đối với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu không thúc đẩy được hoạt động đầu tư của khối kinh tế này thì sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu,... sẽ tiếp tục sụt giảm, gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế năm 2020.
Cùng với việc sử dụng “dụng cụ đo thân nhiệt” khi vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cùng với dự án của họ được lựa chọn cũng phải “đeo khẩu trang”, có nghĩa là đã phải có phương án bảo vệ môi trường trong đầu tư tại Việt Nam.
Thực tế đó cho thấy việc tìm ra và tổ chức thực hiện giải pháp khắc phục tình trạng thiếu vốn đầu tư nước ngoài cho tăng trưởng hiện nay là nhiệm vụ quan trọng nhất của Tổ công tác. Những nhiệm vụ khác, được xem là cấp bách như “xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp với xu hướng phát triển, tiếp cận chuẩn mực tiên tiến quốc tế và hài hòa với các cam kết quốc tế, bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, công khai, minh bạch và tính cạnh tranh cao” để “tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (của Việt Nam) thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2019, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030”(1) sẽ vẫn tiếp tục được các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài trung ương và địa phương tổ chức thực hiện.
Việc giao nhiệm vụ cụ thể như vậy sẽ tạo điều kiện cho Tổ công tác hoàn thành nhiệm vụ trong một thời hạn nhất định, như từ nay đến hết năm 2021, và sau đó tổ này sẽ tự giải tán để không làm ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài hiện nay trong dài hạn. Các bài học kinh nghiệm (nếu có) về khắc phục tình trạng thiếu vốn từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 của Tổ công tác sẽ được ghi nhận để áp dụng cho công tác thu hút, chọn lựa và quản lý đầu tư nước ngoài trong suốt các năm sau này.
Với cách đặt vấn đề như vậy, việc tìm giải pháp để có được tối đa nguồn vốn đầu tư nước ngoài, bao gồm nguồn vốn đầu tư mới (xúc tiến đầu tư mới) và giải ngân nguồn vốn đã đăng ký (xúc tiến đầu tư tại chỗ) trong năm 2020 để phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu ngay trong quí 2-2020 của khu vực kinh tế này, nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2020 và 2021 là nhiệm vụ cấp bách đối với Tổ công tác nói riêng và hệ thống quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài nói chung. Nói như thế, bởi Tổ công tác cần có sự cùng vào cuộc tích cực của cả hệ thống quản lý nhà nước hiện nay về đầu tư nước ngoài ở trung ương và các địa phương như cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19.
So sánh giữa “xúc tiến đầu tư mới” - mời gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án mới tại Việt Nam, và “xúc tiến đầu tư tại chỗ” - khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp phép giải ngân hết số vốn đã đăng ký, cho thấy cả hai giải pháp đều rất quan trọng.
Tuy nhiên, giải pháp “xúc tiến đầu tư mới” mang tính dài hạn hơn, chưa thể phát huy ngay được trong năm 2020 khi cần gấp vốn cho tăng trưởng, do phải có một loạt việc cần làm trước mắt, như xác định lại danh mục dự án đầu tư để mời gọi đầu tư; tiếp tục giảm tiếp thời gian thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp mới các dự án đầu tư. Trong tình hình phức tạp về chính trị liên quan đến lãnh thổ, thương mại quốc tế, dịch bệnh toàn cầu..., Việt Nam cần phải xây dựng được một “bộ lọc” chung, trong đó có việc sử dụng “dụng cụ đo thân nhiệt” để kiểm tra dự án, kiểm tra nhà đầu tư để không gây hại trên tất cả các mặt trận về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc,...
Cùng với việc sử dụng “dụng cụ đo thân nhiệt” khi vào Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài cùng với dự án của họ được lựa chọn cũng phải “đeo khẩu trang”, có nghĩa là đã phải có phương án bảo vệ môi trường trong đầu tư tại Việt Nam. Chỉ những dự án, nhà đầu tư cho thấy rõ đã có “khẩu trang”, và cam kết thực hiện việc “đeo khẩu trang” nghiêm túc tại Việt Nam mới được vào.
Còn đối với giải pháp “xúc tiến đầu tư tại chỗ”, thực tế cho thấy khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có tiềm lực, đang có sẵn nguồn vốn lớn để giải ngân. Xu hướng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tăng mạnh trong nhiều năm vừa qua, chỉ tính trong năm năm, từ 2016 đến hết quí 1-2020 (giai đoạn thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020), số vốn đăng ký đạt 147,75 tỉ đô la Mỹ và số vốn đã thực hiện 76,63 tỉ đô la, thì số vốn chưa được giải ngân còn 71,12 tỉ đô la.
Tính lũy kế, số vốn đăng ký chưa thực hiện, từ năm 1988 đến 31-12-2019 còn lớn hơn, với 154,2 tỉ đô la(2). Nếu tập trung giải ngân được 15% (một tỷ lệ khiêm tốn) số vốn 154,2 tỉ đô la này, thì số vốn giải ngân từ nay đến cuối năm sẽ đạt mức 23,13 tỉ đô la, cộng số vốn đã giải ngân 3,85 tỉ đô la trong quí 1-2020 thì tổng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân được trong năm 2020 là 26,98 tỉ đô la, tăng 32,3% so với mức 20,38 tỉ đô la của năm 2019 - một con số thật giá trị cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng an sinh xã hội dù chịu tác động của Covid-19.
(1) Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị ngày 20-8-2019 về hoàn thiện thể chế,... hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến 2030.
(2) Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.