Các tài xế taxi sân bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19 khi không có khách, nhưng hàng tháng vẫn phải đóng gần chục triệu các loại phí.
Theo anh Quang (tài xế taxi tại Đông Anh, Hà Nội), trước đây mỗi ngày chạy vài chuyến ở sân bay thì thu nhập mỗi tháng anh được khoảng 15-17 triệu. Nhưng hiện tại, hai ngày anh mới được một chuyến ở sân bay, không đủ tiền ăn uống, xăng xe, chưa kể chi phí nộp về công ty mỗi tháng lên đến gần 20 triệu đồng.
Ra khỏi nhà lúc 5 giờ sáng và kết thúc ngày làm việc khoảng 11 giờ đêm, anh Quang thu về được 400 nghìn đồng. Cả tháng 2 anh mang về được khoảng 10 triệu, thế nhưng tháng vừa rồi số tiền anh phải trả cho công ty gần 20 triệu bao gồm tiền 9,1 tiền trả góp xe, tiền phí quản lý chung 2.125.000 đồng, phí quản lý sân bay 3.180.000 đồng, bảo hiểm xã hội 1.520.000 đồng, marketing 300.000 đồng, quỹ đoàn kết 50.000 đồng, khoản thu khác 1.275.000 đồng….
Thu nhập bị sụt giảm hơn một nửa nhưng tài xế taxi sân bay vẫn phải chịu rất nhiều các loại chi phí.
“Trước đây mỗi ngày tôi còn được 2-3 chuyến sân bay, nhưng giờ có khi hai ngày mới được một chuyến. Trong khoảng thời gian đó, tôi phải kiếm khách trong phố nhưng có khi cả buổi sáng cũng không nổi một cuốc khách nào. Công ty vừa ra thông báo cách đây mấy ngày là có hỗ trợ 1 triệu tiền đàm tháng 3, nhưng quan trọng bây giờ không có khách. Mua xe thì còn nợ ngoài phải trả mà bọn em không biết kêu ai, mệt mỏi lắm chị ạ”, anh Quang buồn bã.
Cũng là tài xế taxi sân bay, anh Thông (ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết tháng 2 lượng khách giảm phải 60% nhưng công ty vẫn thu 8,2 triệu tiền phí, giảm cho mỗi người 200.000 đồng để hỗ trợ vì dịch bệnh. Khách thì không có mà tiền phí quá cao. Sân bay không có khách, về phố cũng không có khách. Giờ mà bỏ xe về quê như anh em lái xe khác thì lấy đâu ra tiền đóng cho công ty.
“Cách đây mấy ngày, công ty có thông báo hỗ trợ giảm 1 triệu tiền đàm tháng 3 nhưng thời buổi làm ăn khó khăn thế này lấy đâu ra hơn 7 triệu tiền đàm để nộp cho công ty nữa? Vợ tôi đi làm công nhân, tháng được 5 triệu, không nhẽ về xin vợ để nộp. Tôi đảm bảo những ai vay tiền mua xe chạy sân bay bây giờ bán đi đều lỗ nặng mà đi làm thì không có công. Tôi chỉ mong công ty tạo điều kiện cho lái xe taxi ở sân bay về phố để giảm được tiền đàm sân bay qua mùa dịch, anh em lái xe còn cố gắng gắn bó với công ty”, anh Thông bày tỏ.
Sân bay vắng khách, hàng loạt taxi chờ cả ngày đợi đến lượt
Đợi cả ngày không đến lượt, anh Luận (lái xe taxi sân bay) cho biết từ hôm qua đến hôm nay mà vẫn chưa được lốt sân bay. “Không có khách vậy mà công ty giảm cho 1 triệu/ tháng. Nếu tình hình khó khăn thế này, công ty phải giảm ít nhất 3 triệu tiền đàm/tháng cho anh em lái xe taxi sân bay thì mới ổn”, anh Luận nói.
Không chạy sân bay nhưng mỗi tháng anh Tuấn (một lái xe taxi tại Hà Nội) phải mất 6-7 triệu tiền phí các loại nộp về công ty. Theo anh Tuấn, trước đây, mỗi tháng anh chạy xe được khoảng 20-25 triệu. Sau khi trừ các loại chi phí cũng mang về được tầm 15 triệu/ tháng. Nhưng từ tháng 2 đến nay, khách giảm đi một nửa, công ty không có động thái hỗ trợ gì nên anh em lái xe đã tổ chức biểu tình quy mô nhỏ trước trụ sở công ty 2 lần.
Trước kia mỗi ngày tài xế taxi sân bay được vài chuyến thì hiện tại đợi cả ngày có khi không có khách nào.
Theo anh Tuấn, vì xe của anh là xe thương quyền, tức là xe của mình gắn mào taxi của công ty để hoạt động và trả tiền đàm hàng tháng, nên chi phí nhiều hơn xe tập trung. Vì thế, anh em cần công ty giảm tiền đàm để hỗ trợ lúc khó khăn. "Nhưng giờ nếu không đi làm chúng tôi vẫn phải đóng tiền đàm hàng tháng đầy đủ, nếu đóng chậm sẽ bị phạt", anh Tuấn nói.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có khoảng hơn 70 doanh nghiệp taxi với hơn 19.000 xe hoạt động, chủ yếu là doanh nghiệp do tư nhân bỏ vốn đầu tư. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, cho biết do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng khách đi xe taxi sụt giảm nghiêm trọng, lên tới 50% - 60%. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi đều gặp khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19. "Trong khi lượng khách, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, các chi phí cố định, lãi vay doanh nghiệp vẫn phải trả như bình thường. Đó là chưa kể đến việc các doanh nghiệp còn phải bỏ ra khoản chi phí rất lớn để phục vụ công tác phòng chống dịch", ông Hùng phân tích.
Theo đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo các Sở, ngành liên quan có cơ chế, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ để ngành vận tải taxi duy trì hoạt động, vượt qua thời điểm khó khăn hiện nay, trong đó có:
- Khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất tiền vay; đề nghị Sở GTVT Hà Nội gỡ bỏ biến cấm xe taxi trên các tuyến phố của Hà Nội để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động
- Đề xuất UBND Thành phố kiến nghị với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế giảm 50% thuế VAT, giảm 50% và gia hạn thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp…