Nếu Yên Tử là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, nơi lưu giữ xá lị của Ngài, thì Tây Yên Tử là con đường hoằng dương Phật pháp của Ngài. Vậy nên, Tây Yên Tử xuất hiện hàng loạt công trình di tích lịch sử liên quan chặt chẽ đến quá trình hình thành và hưng thịnh của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Huyện Yên Thế tổ chức Lễ hội tưởng nhớ người Anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám
Tây Yên Tử là một dải núi tương đối cao ở tỉnh Bắc Giang, kéo dài qua 4 huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Dũng. Sự hình thành và phát triển của trường phái Trúc Lâm đã tạo nên hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú với hệ thống các di tích thời Lý, Trần cùng hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Bên cạnh những giá trị văn hóa, lịch sử tiêu biểu, Tây Yên Tử còn là khu vực có nhiều giá trị về sinh thái tự nhiên với hệ thống những khu rừng nguyên sinh đa dạng; là bộ phận không thể tách rời với Đông Yên Tử, tạo thành quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh, gắn liền với sự giác ngộ đạo hạnh của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Tuy là địa bàn miền núi, song Tây Yên Tử nằm trong vùng có điều kiện khá thuận lợi trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa với các huyện trong tỉnh, các tỉnh lân cận như: Hà Nội, Quảng Ninh, Lạng Sơn và giao lưu với Trung Quốc qua cửa khẩu của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn. Đây là vùng có 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Dao, Sán Chí... Đồng bào các dân tộc trong vùng đa số vẫn còn giữ được nhiều nét sinh hoạt truyền thống trong đời sống văn hóa, tập quán sản xuất, tạo nên sự đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó, khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử với hàng nghìn loài động thực vật quý hiếm được quy hoạch diện tích rộng, nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp.
Một trong những điểm nhấn của Tây Yên Tử chính là nơi đây tập trung khá đa dạng các di tích văn hóa độc đáo. Trong số đó phải kể đến chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng), là Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chốn đào luyện tăng đồ Phật giáo do Trần Nhân Tông tạo dựng, là nơi khởi đầu của hành trình Tây Yên Tử; chùa Hòn Tháp (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam) xây dựng từ thời Trần thế kỷ XIII - XIV, chùa trong núi, kề khe suối hạ nguồn Vực Rêu, có thác nước, trên đường đi Yên Tử, đức Phật hoàng Trần Nhân Tông đã từng cư ngụ tại đây; chùa Yên Mã (xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam) do Pháp Loa Thiền sư và các tăng ni tạo dựng. Hay chùa Non, chùa Cao, đền Thượng, đền Trung, đền Hạ (xã Khám Lạng, huyện Lục Nam) có từ thời Trần, nằm trên núi Khám Lạng, gắn liền với nhiều tích lạ có liên quan đến Phật giáo theo lối tu hành khổ hạnh (dấu chân Phật)...
Cùng với đó là thắng cảnh suối Mỡ, hồ Bấc (xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam) gồm suối, thác, gắn với hệ thống đền, chùa; thắng cảnh suối nước Vàng (xã Lục Sơn, huyện Lục Nam) gắn với chùa Đồng Vàng, nơi sinh sống của dân tộc Dao, Thanh Phán…
Với những giá trị về di tích lịch sử riêng có, năm 2014 UBND tỉnh Bắc Giang đã công bố Quy hoạch và triển khai kế hoạch xây dựng khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, thuộc địa bàn xã Tuấn Mậu (huyện Sơn Ðộng, Bắc Giang). Theo quy hoạch, khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử theo trục đường mòn phía sườn Tây Yên Tử lên chùa Ðồng gồm bốn cụm cảnh quan: Chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng với tổng diện tích là 13,8ha. Toàn bộ quần thể là hệ thống công trình đáp ứng nhu cầu hành hương, tâm linh và sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử được tiến hành xây dựng chia làm ba giai đoạn, bắt đầu từ năm 2014 đến năm 2025. Công trình hoàn thành sẽ tạo lập một vùng cảnh quan du lịch, dịch vụ gắn kết các di tích, danh thắng khu vực Yên Tử của hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang thành một hệ thống tổng thể.
Xác định vị thế, tầm quan trọng của hệ thống di tích, danh thắng trong mối quan hệ với hoạt động văn hóa du lịch vùng Đông Bắc, tỉnh Bắc Giang đặc biệt quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông, làm tiền đề để phát triển KT-XH. Cụ thể như tiến hành xây dựng tuyến đường 293 từ TP Bắc Giang đến Đồng Thông (Sơn Động) kỳ vọng tạo thành huyết mạch tâm linh thuận tiện. Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử cũng đang được xây dựng với quy mô lớn ở Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (Sơn Động), gồm nhiều hạng mục như các điểm chùa: Trình, Hạ, Trung, Thượng, dự kiến đến năm 2025 cơ bản hoàn thành. Các điểm chùa, cùng với hệ thống hạ tầng, dịch vụ đồng bộ sẽ kết nối với chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, hình thành một trung tâm văn hóa lớn. Việc bảo tồn di tích, công trình tín ngưỡng tại khu vực này đang dần tạo thành quần thể hoàn chỉnh, thống nhất sẽ là nền tảng phát triển du lịch tâm linh Yên Tử.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với các tỉnh Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Dương xây dựng hồ sơ quần thể di tích, danh thắng Yên Tử đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Qua đó góp phần khẳng định giá trị tiêu biểu toàn cầu của di tích, trong đó Tây Yên Tử là điểm nhấn và chùa Vĩnh Nghiêm có vị trí quan trọng. |
Thanh Trà - Ngọc Anh / baocongthuong