Trước hiện trạng hoạt động kém hiệu quả của một số cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư, thúc đẩy CCN phát triển theo đúng quy hoạch.
Một số CCN trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hoạt động kém hiệu quả |
Theo Sở Công Thương tỉnh, ngay sau khi Quy chế quản lý CCN được ban hành theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh sớm tổ chức hội nghị tập huấn đến Phòng Kinh tế và hạ tầng các huyện, thành phố, doanh nghiệp hoạt động trong các CCN; xây dựng, ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với CCN; thành lập Trung tâm quỹ đất và phát triển CCN ở tất cả 10 huyện, thành phố trên địa bàn.
Đáng chú ý, Bắc Giang có 29 CCN hình thành trước khi Quy chế quản lý CCN được ban hành, chưa có quyết định thành lập, diện tích nhỏ hơn 75ha, do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư… Hầu hết những CCN này chậm phát triển, khó thu hút nhà đầu tư. Xử lý hiện trạng này, tỉnh đã ra quyết định thành lập 28 CCN để có tên gọi, đồng thời thuận tiện cho việc quản lý, triển khai các bước đầu tư xây dựng, phát triển CCN; sáp nhập CCN Đồng Vàng vào khu công nghiệp liền kề…
Mặc dù đã nhanh chóng triển khai quy chế, tạo điều kiện cho các CCN hút vốn đầu tư, tuy nhiên việc quản lý cũng như phát triển CCN còn vướng nhiều bất cập. Tỉnh rất khó điều chỉnh quy hoạch do quỹ đất dành quy hoạch phát triển CCN được phê duyệt nhỏ. Thậm chí, diện tích đất quy hoạch phát triển CCN đến năm 2015 thấp hơn diện tích đất CCN đã hình thành và đến năm 2020 chỉ bằng gần 50%.
Quy chế quản lý CCN cũng quy định không sử dụng đất trồng lúa để quy hoạch phát triển CCN. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng CCN ở những vị trí như đồi bãi, ao, hồ… đòi hỏi phải có chi phí rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn của trung ương hỗ trợ quá nhỏ, ngân sách tỉnh hạn hẹp, khiến việc phát triển CCN không hiệu quả. Điều kiện thành lập CCN có khả năng lấp đầy không thấp hơn 30% trong vòng 1 năm sau khi thành lập cũng khó khả thi. Chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư hạ tầng của các doanh nghiệp chưa đủ hấp dẫn, chính sách ưu đãi đối với những dự án đầu tư hoạt động trong CCN cũng chưa có. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như đường giao thông, cấp thoát nước, hệ thống xử lý môi trường… yếu kém, nguồn ngân sách đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong CCN chưa được quan tâm, chưa xã hội hóa thông qua việc kêu gọi các doanh nghiệp bỏ vốn vào đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng CCN...
Trước thực trạng trên, Bắc Giang đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các CCN phát triển theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Theo đó, nên rút gọn đầu mối quản lý nhà nước đối với CCN, theo hướng 1 đơn vị thực hiện nhiều nội dung công việc hoặc mô hình quản lý khu công nghiệp. Ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù đối với các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh hạ tầng CCN để thu hút nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo mặt bằng sạch nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.
Bắc Giang cũng đề nghị Chính phủ nâng Quy chế quản lý CCN của Thủ tướng Chính phủ lên thành Nghị định của Chính phủ về quản lý CCN để bảo đảm hiệu lực pháp lý quản lý cho phù hợp thực tiễn. Tiếp tục ban hành chính sách và nâng mức hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng hạ tầng CCN cho các tỉnh còn gặp khó khăn sau khi quyết định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2015 kết thúc...
Theo Quy hoạch phát triển CCN tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, dự kiến tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN đến năm 2020 khoảng 2.528 tỷ đồng, bình quân 3 tỷ đồng/CCN. |