Tại Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra chiều 4/6, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nêu ra 9 lợi thế và 3 giải pháp nhằm phát triển kinh tế xã hội của TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung
9 lợi thế
Ông Chung cho biết, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Với vị thế của Thủ đô, để phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội có nhiều điều kiện thuận lợi.
Thứ nhất, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ quý báu của Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và sự chung tay vun đắp của các tỉnh, thành phố trên cả nước với tinh thần “cả nước vì Hà Nội”. Sự quan tâm đó đã được thể hiện trong: Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị; Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế – xã hội, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng… Đó là những căn cứ pháp lý quan trọng để làm nền tảng cho Thành phố xây dựng các chương trình, đề án phát triển kinh tế xã hội cho Thành phố trong thời gian tới.
Thứ hai, Hà Nội có bề dày lịch sử nghìn năm văn hiến với hơn 5000 di tích lịch sử đã được xếp hạng, trong đó có một số di tích được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Có một nền văn hóa nghệ thuật, di sản văn hoá phi vật thể và hơn 1000 làng nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của vùng đồng bằng sông Hồng. Có nhiều món ẩm thực nổi tiếng. Hà Nội có một không gian đô thị xanh, có nhiều hồ nước, có những khu phố cổ mang đậm bản sắc văn hóa Á – Âu, được thiên nhiên ưu đãi của một vùng khí hậu nhiệt đới.
Thứ ba, con người Hà Thành thanh lịch, văn minh, cần cù, chăm chỉ, luôn cởi mở, thân thiện, yêu lao động, có tình yêu nồng nàn với cuộc sống. Trên địa bàn Thành phố có trên 100 trường Đại học, cao đẳng, gần 300 cơ sở dạy nghề; nơi hội tụ nhiều nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành của cả nước trên tất cả các lĩnh vực. Có số lượng lao động trẻ ở độ tuổi vàng (chiếm trên 60% lực lượng lao động) và tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 30%, cao nhất trong cả nước và gấp hơn 2 lần số với mức trung bình chung của cả nước. Nguồn nhân lực chất lượng cao dễ dàng để các doanh nghiệp tuyển dụng với năng suất lao động ngày càng tăng cao (giai đoạn 2011-2015, tăng trung bình 8% năm).
Thứ tư, Hà Nội luôn là địa điểm đầu tư an toàn, môi trường chính trị ổn định. UNESCO đã trao tặng Thủ đô Hà Nội danh hiệu ’’Thành phố vì Hoà bình’’. Hơn 15 năm qua danh hiệu đó vẫn phát huy giá trị. An toàn đã trở thành thương hiệu của Hà Nội, được các nguyên thủ quốc gia, các nhà đầu tư, du khách ghi nhận.
Thứ năm, sau 30 năm đổi mới, Hà Nội đã đúc rút ra nhiều những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng nền kinh tế thị trường, cho nên trong nhiều năm vừa qua Hà Nội luôn có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục; Đang trở thành trung tâm lớn về kinh tế, giao dịch quốc tế tầm khu vực, là thị trường sôi động với quy mô dân số lớn, là đầu mối trung chuyển nhiều hàng hóa của miền Bắc Việt Nam, nằm trong hành lang kinh tế các tiểu vùng sông Mê Kông. Hà Nội là địa điểm rất thuận lợi để kinh doanh phân phối, có một hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối đồng bộ và phát triển, hạ tầng các khu công nghiệp tương đối hoàn thiện. Sân bay quốc tế Nội Bài chỉ cách Thành phố 40km. Cảng Hải Phòng và cảng Cái Lân là hai cảng container được đầu tư phục vụ xuất nhập/ nhập khẩu hàng hóa chỉ cách Hà Nội 120km. Hà Nội là đầu mối giao thông của miền Bắc Việt Nam với hệ thống đường sắt và nhiều đường bộ cao tốc.
Các cơ quan Chính phủ Việt Nam, các phái đoàn Ngoại giao, các đại sứ quán và các tổ chức quốc tế như tổ chức Liên hợp quốc, phái đoàn liên minh Châu Âu đều đặt trụ sở tại Hà Nội đã tạo cho các nhà đầu tư một mạng lưới liên lạc tốt nhất để chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm.
Thứ sáu, trong những năm vừa qua, bên cạnh việc đẩy nhanh phát triển kinh tế, Hà Nội luôn chú trọng đảm bảo an sinh xã hội, quan tâm đến đời sống của người dân, người lao động (là địa phương xây dựng nhiều nhà ở cho công nhân, nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp cao nhất cả nước); Thành phố đã luôn tích cực phối hợp chặt chẽ với các chủ lao động để quan tâm chăm lo đời sống công nhân lao động.
Thứ bảy, Hà Nội đã chủ động và tích cực tham gia sâu rộng, tận dụng tối đa được những cơ hội do vị thế của đất nước đem lại trong quá trình hội nhập quốc tế; Hà Nội hiện có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, thủ đô của các nước; là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới.
Thứ tám, bước vào giai đoạn mới, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thành phố Hà Nội hiện nay đã hoàn thiện một bộ máy với một thế hệ lãnh đạo các cấp chính quyền mới trẻ trung, năng động, có kinh nghiệm, sáng tạo, quyết liệt và có truyền thống đoàn kết.
Cuối cùng, một thuận lợi vô cùng quan trọng không thể không nhắc đến, đó là sự tin tưởng, kì vọng lớn lao của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, cộng đồng các doanh nghiệp đều mong muốn cùng đồng lòng với lãnh đạo Thành phố để chung tay xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.
Các đại biểu dự Hội nghị
3 giải pháp đột phá
Kế thừa thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới, Hà Nội bước vào giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp với những thuận lợi và thách thức đan xen. Tiếp tục sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô: Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại, đưa Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại xứng tầm là một trong những trung tâm lớn của khu vực. Triển khai Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XVI của Đảng bộ Thành phố, Hà Nội đã đề ra các chương trình cho trước mắt, cho trung hạn và dài hạn.
Cụ thể, Hà Nội đã xác định 3 khâu đột phá:
Thứ nhất, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện.
UBND TP Hà Nội cũng đề ra các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020. Theo đó, tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016-2020: 8,5-9,0%; GRDP bình quân/người: 6.700-6.800 USD; Huy động vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016-2020: khoảng 2,5-2,6 triệu tỷ đồng (tương đương mức tăng: 13-14%/năm). Trong đó vốn ngoài ngân sách chiếm 80%; Năng suất lao động xã hội tăng bình quân: 6,5%/năm; Tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo: 70 – 75%; Tỷ lệ thất nghiệp thành thị: dưới 4%.
Để thực hiện những mục tiêu cụ thể đó, Thành phố đã định hướng đầu tư như sau:
Một là, tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung đáp ứng yêu cầu phát triển tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh. Đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông kết nối nhanh, lan tỏa từ trung tâm ra các vùng ngoại vi, gồm hệ thống trục đường hướng tâm (như cải tạo mở rộng quốc lộ 1 cũ, đường 6, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài); Hệ thống đường vành đai: vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5; Một số trục đô thị lớn, kết nối hạ tầng giao thông; các công trình để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Các dự án hạ tầng điện, viễn thông, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ. Các dự án dịch vụ đô thị như: công viên (xây dựng mới 25 công viên trong đó có 5 công viên là các khu vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn khu vực, quốc tế; Cây xanh (phát động chương trình một triệu cây xanh cho Hà Nội), cấp, thoát nước,… Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư cho các dự án hạ tầng nông thôn, chú trọng nước sạch nông thôn. Triển khai thu hút đầu tư thực hiện dự án đô thị trục Nhật Tân – Nội Bài; các đô thị vệ tinh. Phát triển các khu đô thị mới, đồng thời cải tạo, chỉnh trang đô thị. Khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Hai là, đầu tư trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các dự án về hạ tầng khu công nghiệp, chợ đầu mối, trung tâm thương mại, hạ tầng du lịch; hạ tầng phát triển nông nghiệp sạch, khu nông nghiệp công nghệ cao.
Ba là, đầu tư trong các ngành, lĩnh vực để nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế. Bên cạnh đó, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội và giữ gìn bản sắc nghìn năm văn hiến.
Vân Du / DĐDN