Trao đổi với Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính theo hướng gắn chặt chẽ với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, minh bạch… đã tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Quan trọng hơn, kết quả đó không chỉ thể hiện qua các con số mà còn tạo niềm tin, kỳ vọng và mở ra những dư địa phát triển trong tương lai.
Việc thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại giữa chính quyền và DN là một trong những yếu tố quan trọng giúp DN tin tưởng khi đầu tư vào Tiền Giang. Ảnh: Hội nghị đối thoại DN tỉnh Tiền Giang lần thứ 2/2016
Ông Lê Văn Hưởng cho biết, thời gian qua, đặc biệt là năm 2016, UBND tỉnh đã tập trung xây dựng, triển khai thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển DN như: đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết, loại bỏ những giấy tờ không cần thiết, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, môi trường mạng trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường tiếp xúc, đối thoại để giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư; tổ chức và triển khai thực hiện các giải pháp về khởi nghiệp, phát triển DN; hỗ trợ Hiệp hội DN trong vận động DN tham gia Hiệp hội DN; đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng hỗ trợ DN của cán bộ, công chức; giáo dục đạo đức cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ nhất là lĩnh vực có liên quan đến DN, nhà đầu tư…
Theo ông Lê Văn Hưởng: 2016 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X nhiệm kỳ 2015-2020 và Nghị quyết HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2016-2021 trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Nhất là biến đổi khí hậu nhanh hơn dự báo, xâm nhập mặn chưa từng có ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có Tiền Giang. Song, với quyết tâm cao trong lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cùng với sự nỗ lực của các ngành, các cấp nên tình hình kinh tế – xã hội tiếp tục có những chuyển biến tích cực.
– Với những giải pháp đồng bộ, cam kết mạnh mẽ và nỗ lực thực thi của bộ máy chính quyền tỉnh Tiền Giang trong việc kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, điều này đã tác động như thế nào đến kinh tế – xã hội của tỉnh trong năm 2016, thưa ông?
Tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mục tiêu đề ra và cao hơn năm trước, là tỉnh thuộc tốp tăng trưởng cao của Vùng ĐBSCL, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, theo giá so sánh năm 2010) tăng 8,5% (năm 2015 tăng 8,2%). Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 16,9% (năm 2015 tăng 16,7%); khu vực dịch vụ tăng 7,9% (năm 2015 tăng 7,1%) và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,6% (năm 2015 tăng 4,4%).
Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương đạt 6.590 tỷ đồng, đạt 112,6% dự toán năm, tăng 18,2% so năm 2015. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 26.929 tỷ đồng, tăng 10,4%.
– Cam kết đồng hành cùng DN, hộ kinh doanh, xem đây là đối tượng phục vụ, điều này được thể hiện thế nào qua con số thu hút đầu tư vào Tiền Giang trong thời gian qua, thưa ông?
Trên tinh thần đồng hành cùng DN, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, chính quyền các cấp tỉnh Tiền Giang đã nhanh chóng chuyển từ “quản lý” sang “phục vụ và hỗ trợ” DN, hộ kinh doanh.
Qua đó, tình hình phát triển DN đã cải thiện rõ rệt. Số lượng DN thành lập mới có xu hướng tăng ngày càng cao. 6 tháng đầu năm số DN thành lập mới là 39 DN/tháng. 6 tháng cuối năm DN thành lập mới bình quân 49 DN/tháng; quy mô DN thành lập mới lớn hơn cùng kỳ (bình quân 6,8 tỷ đồng/DN so với năm 2015 là 4,1 tỷ đồng/DN)… Dự kiến, hết năm 2016, số DN đăng ký thành lập mới đạt 540 DN, tăng 8,5% so năm 2015 với số vốn đăng ký hơn 3595 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với năm 2015. Đưa tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh (sau khi đã chuẩn hóa số liệu) lên gần 3900 với tổng vốn đăng ký hơn 45.656 tỷ đồng.
Xuất khẩu cá tra là một trong những thế mạnh của Tiền Giang
Thu hút đầu tư đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2016, thu hút được 27 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.898 tỷ đồng; có 10 dự án đăng ký tăng vốn với tổng vốn đăng ký tăng là 1.440 tỷ đồng và 01 dự án trong KCN giảm vốn là 1.552 tỷ đồng. Tổng cộng vốn đầu tư thu hút mới năm 2016 là 9786 tỷ đồng. Về thu hút FDI, năm 2016 đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 14 dự án mới với tổng vốn đăng ký 7229 tỷ đồng, tăng 40% về số dự án và tăng gấp 11,6 lần về số vốn đăng ký so với năm 2015.
– Theo ông, cần thiết lập cơ chế như thế nào giữa chính quyền với DN để phát huy hiệu quả hơn nữa ?
Vừa qua Hiệp hội DN tỉnh đã tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ III (2016 – 2021). Đây sẽ là “cầu nối” giữa các cơ quan nhà nước với cộng đồng DN trong thực hiện chính sách pháp luật, thực hiện các phong trào an sinh xã hội và mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Về trách nhiệm của UBND tỉnh đối với Hiệp hội và cộng đồng DN: Tiếp tục tăng cường đối thoại, lắng nghe phản ánh khó khăn vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của DN để triển khai thực hiện có hiệu quả, sáng tạo, phù hợp trên địa bàn tỉnh đối với các chủ trương, chính sách của Trung ương liên quan đến DN, nhà đầu tư. Đặc biệt là hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Tỉnh ủy về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020 trình Tỉnh ủy ban hành để đảm bảo thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng và các cơ quan đoàn thể, chính quyền.
Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp và phát triển DN; thành lập và hoạt động có hiệu quả Trung tâm hỗ trợ DN Tiền Giang, nghiên cứu thành lập Hội đồng điều phối khởi nghiệp gắn với Câu lạc bộ khởi nghiệp và Qũy hỗ trợ khởi nghiệp.
Về phía Hiệp hội DN, để đáp ứng môi trường và bối cảnh mới, Hiệp hội luôn xác định phải làm sao mang lại lợi ích chính đáng và thiết thực cho các thành viên; Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tập trung công tác phát triển hội viên, phát triển DN, khởi nghiệp gắn với xây dựng văn hóa DN; Quan tâm làm tốt hơn nữa công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN hội viên để kịp thời tư vấn, kiến nghị hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN. Hiệp hội cũng phải thường xuyên nghiên cứu, đề xuất với UBND tỉnh, các Sở, ngành và địa phương các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển DN và xây dựng đội ngũ doanh nhân; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tăng cường liên doanh, liên kết, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, làm giàu chính đáng.
– Xin ông cho biết, một số mục tiêu cụ thể mà UBND tỉnh Tiền Giang đặt ra trong năm 2017 ?
Với những nỗ lực đổi mới và các nền tảng đã được thiết lập, năm 2017, Tiền Giang đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,5 – 9,0% so năm 2016. Khu vực nông, lâm ngư nghiệp tăng 3,4 – 3,8%; khu vực công nghiệp – xây dựng tăng 16,8-17,6%; và khu vực dịch vụ tăng 7,6 – 8,0%. Tổng kim ngạch xuất khẩu 2,35 tỷ USD. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa phương 7.045 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 29.100 – 30.000 tỷ đồng…
Tôi cho rằng, với sự quyết tâm thực thi đổi mới thông qua các chương trình hành động, giải pháp cụ thể của bộ máy chính quyền các cấp cùng với sự năng động, sáng tạo của cộng đồng DN, hộ kinh doanh và người dân, những tiềm năng lợi thế to lớn của Tiền Giang sẽ được khai mở, phát huy tạo động lực tăng trưởng cho kinh tế – xã hội của tỉnh không chỉ năm 2017 mà trong nhiều năm tới.
– Xin cảm ơn ông!
Lê Trang thực hiện