Hiện nay, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề, trong đó có 1.748 làng nghề truyền thống được công nhận. Quá trình hội nhập là cơ hội nhưng cũng là thách thức không nhỏ cho các làng nghề Việt Nam. Nguy cơ bị thua thiệt ngay trên sân nhà một phần do khả năng hạn chế của các đơn vị sản xuất, mặt khác do hệ thống phân phối các sản phẩm làng nghề còn yếu kém.
Cần xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề gắn với phục vụ du lịch
Thiếu liên kết
Hiện hầu hết các cơ sở, hộ sản xuất tại làng nghề truyền thống đều ở quy mô vừa và nhỏ, khả năng tài chính hạn chế, các hộ đều bố trí nơi sản xuất chung với sinh hoạt của gia đình, thiếu vốn đầu tư công nghệ mới và mở rộng sản xuất. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa ổn định, nguồn nguyên liệu tự nhiên đang khan hiếm dần; sự biến động của thị trường, sức ép cạnh tranh, tiêu thụ hàng hóa đã khiến nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp gặp nhiều khó khăn. Đó cũng chính là lý do khiến các làng nghề không tạo được môi trường du lịch có sức hút mạnh.
Hơn thế, trong quá trình hoạt động chưa có sự liên kết mạnh giữa các cơ sở, làng nghề tại các địa phương, việc kết nối giữa làng nghề với các đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành còn yếu. Sản phẩm làng nghề truyền thống phục vụ du lịch rất khan hiếm, hầu như các làng nghề chưa tìm ra được sản phẩm truyền thống đặc trưng làm quà tặng cho du khách. Một số làng nghề có thương hiệu lâu năm cũng mới quan tâm đến thị trường đầu ra mà chưa thực sự quan tâm đến việc tạo sản phẩm thu hút khách du lịch.
Phần lớn những người thiết kế mẫu của các làng nghề đều là các nghệ nhân dân gian, chỉ làm theo kinh nghiệm nên mẫu mã thường lặp đi lặp lại. Điều này khiến việc tiêu thụ sản phẩm ở các làng nghề đang gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là tình trạng chung của hầu hết các làng nghề trên cả nước.
Thiếu chuyên nghiệp
Một trong những rào cản lớn phát triển làng nghề thời hội nhập là do thiếu một hệ cơ sở dữ liệu đầy đủ giúp thuận tiện cho việc tìm kiếm thông tin, giới thiệu về xuất xứ và chứng nhận về chất lượng.
Bà Hà Thị Vinh - Giám đốc Công ty TNHH Quang Vinh - cho biết: Khách hàng thường yêu cầu phải được tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, được hiểu rõ hơn giá trị của sản phẩm từ lịch sử hình thành, nguyên liệu chế tác, sản xuất, sự tinh xảo và sự khác biệt. Tuy nhiên, sản phẩm của các làng nghề thường được giới thiệu đến khách hàng thông qua các kênh thông tin như truyền thông, báo chí, các trang web hoặc thông qua các hội chợ triển lãm,… Vì vậy, việc cung cấp thông tin, giới thiệu các sản phẩm làng nghề Việt Nam còn quá ít, chưa chuyên nghiệp và thiếu tính quốc tế. Cả nước hay các khu vực, các tỉnh, thành phố chưa có các trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề tập trung, cũng như cung cấp nguyên vật liệu, công nghệ phục vụ sản xuất. Đây cũng là trở ngại lớn cho khách hàng khi tìm kiếm, mua sản phẩm làng nghề. Bên cạnh đó, do có nhiều khâu trung gian làm cho khách hàng không phân biệt được sản phẩm chính hiệu, giá gốc. Thậm chí cùng sản phẩm, cùng thương hiệu của một làng nghề nhưng chất lượng lại không đồng nhất, chưa có nhiều sản phẩm đăng ký thương hiệu và chứng nhận chất lượng sản phẩm, vì vậy, khó trở thành các sản phẩm thương mại xuất khẩu.
Những việc cần làm ngay
Theo các chuyên gia, để sản phẩm tiểu thủ công nghiệp phát triển và ngày càng chiếm lĩnh được thị trường nội địa và xuất khẩu, cần đẩy mạnh bảo tồn nghề truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa gắn với phục vụ du lịch. Đẩy mạnh cải tạo và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho làng nghề gắn với chương trình văn hóa nông thôn mới. Tập trung vào hệ thống công trình giao thông đi lại trong các làng nghề. Lựa chọn một số làng nghề đang thu hút khách du lịch để định hướng đầu tư các dịch vụ, hình thành các phòng trưng bày.
Các làng nghề cần tích cực tham gia hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế, giới thiệu thông tin chi tiết về các sản phẩm làng nghề trên phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tổ chức đào tạo tập trung theo mô hình truyền nghề và lồng ghép đưa vào các tour du lịch cho khách tham quan, tập trung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ để hình thành đội ngũ du lịch tại chỗ. Xây dựng mô hình sản xuất sản phẩm tiểu thủ công nghiệp làng nghề gắn với phục vụ du lịch, tổ chức sản xuất như một điểm tham quan để khách du lịch vừa có thể tìm hiểu quá trình sản xuất sản phẩm, vừa trực tiếp mua hàng hoặc đặt hàng tại chỗ theo yêu cầu.
Theo các chuyên gia, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tổng thể cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm làng nghề Việt Nam về tài chính; quy hoạch tạo vùng nguyên liệu bền vững; hỗ trợ xây dựng thương hiệu. Tăng cường liên kết từ khâu cung ứng vật liệu, tạo mẫu mã, sản xuất, phân phối…. Nói cách khác, để phát triển làng nghề bền vững, cần có vai trò quản lý của nhà nước trong việc định hướng, hỗ trợ thông qua các chính sách. |