Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Thuận, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 26.000 ha trồng thanh long, cho sản lượng hàng năm đạt trên 500.000 tấn, nhưng diện tích trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap mới đạt gần 9.000 ha. Như vậy, nhu cầu về thanh long “sạch” đảm bảo cho yêu cầu xuất khẩu sang những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU... đang được đặt ra, bởi nếu trồng theo lối thông thường thì ngay khâu đầu vào, nhiều nông sản của Việt Nam sẽ không đáp ứng được tiêu chuẩn xuất đi các nước.
Ông Nguyễn Văn Giang, nông dân trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) cho biết, nếu không áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào trồng thanh long, thì trong năm nay, vườn cây nhà ông sẽ không cho sản lượng và chất lượng vượt trội so với cách trồng trọt, chăm sóc thông thường. Mặc dù theo quy trình mới, từ chọn giống, tưới tiêu, phun thuốc... tốn khá nhiều thời gian, công sức để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhưng bù lại giá thành bán ra cao hơn và luôn đảm bảo đầu ra.
“Với 2 ha trồng thanh long cho thu hoạch 4 lứa, năng suất bình quân 1 trụ đạt 50 kg/năm, trừ chi phí cũng đem lại cho gia đình hàng trăm triệu đồng lãi mỗi năm”, ông Giang nói.
Tại nhiều địa phương phía Nam, việc áp dụng quy trình VietGap trong trồng trọt đang ngày càng phổ biến. Nổi tiếng với đặc sản nhãn cơm vàng, người dân xã Hòa Hiệp (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) quyết định đầu tư tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu chỉ có vài hộ dân áp dụng, giờ đây cả xã áp dụng. Cho đến nay, sản phẩm này đã có chỗ đứng khá vững trên thị trường, không những ở trong tỉnh, mà cả ở thị trường lớn như TP.HCM và xuất khẩu sang các nước trong khu vực.
Gia đình ông Bùi Thanh Tường có 2,4 ha nhãn cơm vàng, nhờ áp dụng kỹ thuật theo tiêu chuẩn VietGAP nên năng suất vườn nhãn khá cao, đạt trung bình 7 tấn/ha. Theo ông Tường, nhờ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên giá bán ổn định hơn, lợi nhuận thu về cũng tăng. “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi đầu tư cao hơn, công chăm sóc cũng phải bỏ ra nhiều hơn, nhưng bù lại, sức khỏe của người tiêu dùng sẽ an toàn hơn. Địa phương hỗ trợ 30% chi phí và hỗ trợ về kỹ thuật, nên ngày càng có nhiều người sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP”, ông Tường cho biết.
Không chỉ cây nhãn được VietGAP hóa, mà quả bưởi cũng được sản xuất theo quy trình VietGAP. Từ năm 2014, khi Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam Bộ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng mô hình VietGAP trên cây bưởi da xanh tại xã Sông Xoài (huyện Tân Thành), người dân đã nhiệt tình hưởng ứng. Qua 2 năm thực hiện, chứng nhận VietGAP là “tấm vé” thông hành cho bưởi da xanh Sông Xoài xuất khẩu đi nhiều quốc gia, nâng cao giá trị.
Dẫu vậy theo TS. Hoàng Văn Thành, giảng viên Đại học Nông - Lâm TP.HCM, vẫn còn không ít sản phẩm bị trả về do chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm ngay từ khâu đầu vào, cho đến quy trình kiểm dịch xuất khẩu.
“Hiện Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, hơn lúc nào hết, ngành nông nghiệp và các mặt hàng nông sản trong nước phải nhanh chóng thay đổi, nâng cao quy trình chất lượng, nếu không muốn mất đi lợi thế cạnh tranh. Để làm được điều này, từ người nông dân sản xuất cho đến các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu phải chủ động tham gia các cam kết thị trường, như đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình kỹ thuật, xử lý, bảo quản, cho đến việc làm thương hiệu, hình ảnh cho nông sản Việt Nam. Có như vậy, hàng hóa nông sản Việt Nam mới nhanh chóng vượt được các rào cản kỹ thuật mà quá trình hội nhập đặt ra”, ông Thành khuyến cáo.
Gia Huy / baodautu.vn