Mức tăng dự kiến áp dụng cho tất cả tuyến tham quan, cao nhất 73% với khách lưu trú qua đêm.
Ngày 22/10, Ban quản lý vịnh Hạ Long ra văn bản Dự kiến đề án điều chỉnh tăng mức phí tham quan thắng cảnh vịnh Hạ Long từ tháng 1/2020. Với đề xuất này, phí tham quan vịnh Hạ Long sẽ tăng khoảng 50.000 - 400.000 đồng mỗi khách, bao gồm cả hoạt động tham quan ban ngày và lưu trú qua đêm. Mức tăng cao nhất theo văn bản này nằm ở các hoạt động lưu trú của khách, tăng khoảng 60% - 73% so với năm 2019. Lý do tăng phí được đơn vị này đưa ra là "nhằm đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch","phân tải khách du lịch" và "bảo vệ bền vững môi trường sinh thái, giữ gìn môi trường du lịch văn minh, thân thiện".
Cụ thể, các tuyến tham quan ban ngày đang có giá 200.000 - 250.000 đồng một lượt, dự kiến tăng thêm 50.000 đồng. Những hoạt động lưu trú, nghỉ đêm trên vịnh hiện ở mức 550.000 - 750.000 đồng một lượt dự kiến sẽ tăng thêm 300.000 - 400.000 đồng. Kể từ năm 2017, đây là lần thứ hai ban quản lý vịnh Hạ Long đề xuất tăng phí tham quan, trong đó đợt điều chỉnh gần đây nhất là hồi đầu tháng 1 năm nay.
Mức phí lưu trú qua đêm trên vịnh tăng cao nhất trong đề xuất lần này của Ban Quản lý vịnh Hạ Long. Ảnh: Trung Phạm.
Văn bản này khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, lữ hành bức xúc bởi thời gian lấy ý kiến được đánh giá là "quá ngắn". Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, dịch vụ chỉ có ba ngày để trả lời bằng văn bản đồng ý hoặc không với đề xuất. Hạn chót là 16h30 chiều 25/10 và doanh nghiệp sẽ được "coi như đồng ý" nếu không có ý kiến tham gia. Tuy nhiên, nhiều đơn vị lữ hành trực tiếp đưa khách đến vịnh cho biết, họ mới nhận được thông tin từ các đối tác trong chiều 24/10, thay vì đơn vị quản lý vịnh trực tiếp gửi.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Handspan Travel, đơn vị trung bình mỗi tháng đưa khoảng 600-1.000 khách nước ngoài tới vịnh Hạ Long cho biết, mức tăng thực tế mà công ty phải chịu lên tới 300%.
"Mức phí đề xuất chỉ giống như vé vào cửa, trong khi thực tế khách sẽ phải trả thêm tiền để vào các điểm tham quan bên trong", anh Hoàng nói. Đại diện này cũng chỉ ra, hợp đồng của công ty với một số hãng quốc tế đã ký kết đến năm 2021 nên họ sẽ phải bù lỗ hàng tỷ đồng. Giải pháp trước mắt của đơn vị lữ hành này đưa ra là chuyển bến sang Hải Phòng để giảm thiệt hại.
Ông Lê Văn Lên, Giám đốc LvTravel, đánh giá đề xuất này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến du lịch Hạ Long và Việt Nam nói chung. Ông Lên so sánh, mức phí tham quan vịnh Hạ Long tương đương với giá landtour bốn ngày ở Thái Lan (khoảng 100 USD). Mỗi năm, đơn vị của ông đưa trung bình 7.000 khách tới Hạ Long. Nếu đề xuất được thông qua, doanh nghiệp này sẽ phải chịu lỗ ít nhất 3 đến 5 tỷ, và chưa có hướng giải quyết tiếp theo.
Trưởng Ban Quản lý vịnh Hạ Long, ông Phạm Hồng Hà từ chối trả lời các câu hỏi về văn bản trên, cho rằng đây mới chỉ là đề xuất. Trong khi đó, Phó Ban Quản lý là ông Phạm Đình Huỳnh, chưa có phản hồi.
Từ năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã có chủ trương tiến tới chấm dứt hoạt động lưu trú của khách trên vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long, chỉ còn tàu vận chuyển khách tham quan trong ngày theo từng chuyến.
Theo Kiều Dương / VnExpress