Câu chuyện gây sốt trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đủ sức đánh bật được sự quan tâm lớn của xã hội về câu chuyện ô nhiễm biển ở miền Trung trong những ngày qua là việc hệ thống siêu thị Big C đã chính thức lọt vào tay người Thái, là tập đoàn Central Group.
Nó không chỉ là sự lo ngại khi mà hơn 50% thị trường bán lẻ Việt Nam đã rơi vào tay các ông chủ nước ngoài, mà nó còn là một câu chuyện gây ra những tiếc nuối lớn khi một thương hiệu trong nước là Saigon Co.op đã không thể chiến thắng đối thủ đến từ Thái Lan trong cuộc so găng một chọi một ở vòng đấu giá cuối cùng. Những lý giải về nguyên nhân khiến Saigon Co.op không thể giành được Big C đang hé mở ra một vấn đề ở phía sau hậu trường và cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thị trường bán lẻ trong nước đang bị thôn tính ồ ạt bởi các doanh nghiệp nước ngoài: Chúng ta đang tự tay bóp chết các DN bán lẻ trong nước, thông qua sự yếu kém về quản lý.
Điều gây tiếc nuối lớn nhất trong sự kiện lần này là ở chỗ, chúng ta không hề thua kém về tiềm lực tài chính so với những đối thủ nước ngoài. Dù có sự tham gia của những tập đoàn bán lẻ có tiềm lực lớn hơn nhiều như Lotte hay Aeon thì chính Saigon Co.op mới là một trong hai ứng cử viên cho vòng đấu giá cuối cùng. Tuy nhiên, chỉ một bất cập đáng tiếc về phương diện thủ tục pháp lý đã khiến tất cả những nỗ lực của chúng ta đổ sông đổ biển, đánh mất quyền sở hữu một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất nước vào tay một tập đoàn nước ngoài, và điều này giờ đây đang đem lại những hệ lụy đáng suy nghĩ khi mà nó đang được dự báo sẽ tạo ra tác động rất lớn đối với tình hình sản xuất của các doanh nghiệp trong nước.
Lý giải của Chủ tịch Saigon Co.op là ông Diệp Dũng về nguyên nhân khiến cho Saigon Co.op thua Central Group của Thái Lan trong việc mua lại Big C đã khiến cho những người quan tâm đến sự việc này thêm phần tiếc nuối và cay đắng. Theo đó, nguyên nhân lớn nhất khiến cho chủ sở hữu Big C là Tập đoàn Casino quyết định bán hệ thống siêu thị này cho Central Group chứ không phải cho Saigon Co.op là vì, thương vụ này được mua bán bởi công ty nước ngoài đặt ở châu Âu và Saigon Co.op phải xin được giấy phép đầu tư nước ngoài nếu muốn thương vụ hoàn tất thuận lợi. Chi tiết tưởng như nhỏ nhặt này đã trở thành yếu tố quyết định khiến cho Saigon Co.op thất bại, dù thương hiệu Việt Nam này cam kết sẽ xin được giấy phép đầu tư. Trên thực tế, lãnh đạo của Saigon Co.op đã trực tiếp đề đạt với Thủ tướng trong cuộc gặp mặt với cộng đồng doanh nghiệp hôm 29.4, và được Thủ tướng cam kết ủng hộ về mặt cơ chế, nhưng tất cả đã quá muộn. Chúng ta đã vuột mất một tài sản vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế đất nước ngay trên sân nhà, bởi một trở ngại đến từ chính cơ chế của chúng ta.
Trên thực tế, lý do khiến cho Saigon Co.op thất bại trong việc thâu tóm hệ thống siêu thị Big C chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm trong thị trường bán lẻ của Việt Nam hiện nay. Hầu hết người Việt Nam cũng như cộng đồng DN, đặc biệt là các DN sản xuất hàng hóa trong nước đang hết sức lo lắng về việc hơn 50% thị trường bán lẻ trong nước đã rơi vào tay các ông chủ nước ngoài. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng chính chúng ta đang tự tay bóp chết các DN bán lẻ trong nước bằng cách dâng cả hai tay các điều kiện thuận lợi cho các DN bán lẻ nước ngoài để họ chèn ép các DN bán lẻ trong nước. Đúng là theo cam kết khi gia nhập WTO thì Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ trong nước, và việc các DN bán lẻ nước ngoài xâm nhập, cạnh tranh và mua bán các DN bán lẻ trong nước là chuyện bình thường. Nhưng cái cách mà các cơ quan quản lý của Việt Nam đang làm lại đang có xu hướng thúc đẩy nhanh quá trình đó theo một cách đáng lo ngại.
Theo ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), thì việc Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ trong nước theo các cam kết WTO không có nghĩa là các DN bán lẻ nước ngoài muốn làm gì thì làm. Có khá nhiều quy định của WTO cho phép Việt Nam quản lý một cách chặt chẽ việc đầu tư của các DN bán lẻ nước ngoài. Chẳng hạn như quy định trước khi các DN nước ngoài mở cơ sở bán lẻ thì phải xác định nhu cầu kinh tế cần thiết của địa điểm đó thì mới được các cơ quan quản lý trong nước cấp phép, vẫn được gọi bằng cái tên “quy định ENT”.
Ở hầu hết các quốc gia, thì quy định ENT này được sử dụng như một biện pháp để chống việc chèn ép và cạnh tranh không lành mạnh từ phía các DN bán lẻ nước ngoài. Chẳng hạn như các DN nước ngoài không được phép mở các siêu thị lớn quá gần các siêu thị có trước đó để tránh xảy ra tình trạng vi phạm nguyên tắc là đáp ứng vừa đủ nhu cầu kinh tế cần thiết của một khu vực dân cư, đồng nghĩa với việc tránh để xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Quy định này được xem như một biện pháp bảo hộ cần thiết với các DN bán lẻ trong nước trước áp lực từ các DN bán lẻ nước ngoài vốn có tiềm lực tài chính và trình độ quản lý tốt hơn. Tuy nhiên ở Việt Nam thì nó đã gần như không được đoái hoài đến. Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội là ông Vũ Vĩnh Phú, thì Hiệp hội đã từng đề xuất lên Bộ Công thương đề án quy hoạch, trong đó các đại siêu thị phải cách nhau khoảng 30 km, nhưng đã không được chấp thuận.
Tình trạng cấp phép tràn lan, thiếu quy hoạch cụ thể của các cơ quan quản lý trong nước cho các DN bán lẻ nước ngoài thời gian vừa qua là một trong những nguyên nhân khiến cho các DN bán lẻ trong nước suy yếu nghiêm trọng. Ở hầu hết các địa phương trong cả nước thì các dự án lớn của các DN bán lẻ nước ngoài luôn được ưu tiên ở những vị trí đẹp nhất với mục đích cải tạo bộ mặt đô thị, nhưng lại đang trở thành nguyên nhân bóp chết các DN bán lẻ trong nước. Trong hầu hết các trường hợp, các siêu thị của các DN bán lẻ trong nước luôn bị sụt giảm doanh thu sau khi các siêu thị mới của các DN bán lẻ nước ngoài mọc lên ở vị trí lân cận, vốn là điều mà các cơ quan quản lý có thể can thiệp theo những quy định của WTO.
Vì thế, cũng chẳng có gì khó hiểu khi mà các DN bán lẻ trong nước đang ngày càng rơi vào tình trạng phải bán mình cho các ông chủ ngoại nhiều hơn. Không chỉ do các DN bán lẻ trong nước thua sút về tiềm lực và trình độ quản lý, mà còn vì sự thờ ơ và vô trách nhiệm của các cơ quan quản lý đang gián tiếp bóp chết các DN trong nước bằng cách cho phép các DN bán lẻ nước ngoài muốn làm gì thì làm. Câu chuyện Saigon Co.op thất bại trong việc mua Big C vì một vấn đề liên quan đến cơ chế chính là đỉnh điểm cho tình trạng chúng ta tự làm khó các DN bán lẻ trong nước.
Một tin tức đáng mừng là Thủ tướng đã chính thức yêu cầu Thanh tra Chính phủ nhập cuộc, trong đó yêu cầu tăng cường kiểm soát các hoạt động mua bán sáp nhập trên thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay của các DN FDI; đồng thời kiểm tra trách nhiệm của các cơ quan địa phương trong việc quản lý cấp phép hoạt động bán lẻ của các DN FDI. Muộn cũng còn hơn không, và có lẽ đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt tình trạng khó hiểu trong nền kinh tế hiện nay là tự tay bóp chết DN trong nước và dâng cơ hội cho các DN nước ngoài, nếu như không muốn nền sản xuất của các DN trong nước bị đe dọa nghiêm trọng.
Nhàn Đàm / motthegioi.vn