Thời điểm 1/6 đang đến gần nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với xăng sinh học E5. Theo một số chuyên gia, cần gỡ “nút thắt” bằng việc giảm giá sâu xăng E5 đồng thời quyết liệt “khai tử” xăng A92 trên thị trường.
Xăng sinh học E5 chưa hấp dẫn người dân.
Người dân, doanh nghiệp vẫn hững hờ
Theo Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg, từ ngày 1/6 tới đây, tất cả các điểm kinh doanh xăng dầu tại 8 tỉnh, thành phố lớn gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Nam sẽ phải đạt 100% bán xăng E5 và 100% lượng xăng A92 được thay thế bằng xăng E5.
Các tỉnh, thành khác đạt tối thiểu 50% số lượng cửa hàng bán lẻ tại địa phương bán xăng E5 và 50% lượng xăng A92 được thay thế bằng xăng E5.
Trước quyết định trên, nhiều ý kiến nghi ngại việc triển khai xăng E5 từ ngày 1/6/2016 trên 8 tỉnh thành phố sẽ là quá gấp gáp, bởi hiện nay doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với loại xăng sinh học này do chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại Hà Nội lo lắng nói, doanh nghiệp có một trạm phối trộn E5 nhưng hiện nguồn cung cồn để phối trộn là chưa đủ. Nguồn cung ở xa, thiếu liên kết bền vững khiến doanh nghiệp này chưa yên tâm khi đầu tư vào xăng E5.
Bên cạnh đó, việc triển khai bán xăng E5 ở thời điểm hiện tại cũng chưa thực sự mang lại hiệu quả với doanh nghiệp. Giá xăng khoáng A92 hiện đang rẻ hơn giá cồn nên lãi gộp của doanh nghiệp khi kinh doanh xăng E5 thấp hơn đáng kể xăng khoáng.
“Xăng E5 đòi hỏi bồn chứa phải súc rửa kỹ hơn, công nghệ cao hơn, tuyệt đối không thể dính một giọt nước nên chi phí kinh doanh cao hơn. Trong khi đó, hiệu quả lại thấp hơn nên doanh nghiệp không mặn mà”, vị đại diện doanh nghiệp nói.
Trong khi đó, nhiều người dân vẫn còn bày tỏ sự băn khoăn liên quan đến xăng sinh học E5. Anh Nguyễn Công Thành (Giang Văn Minh, Hà Nội) cho hay: “Một lần tôi có đổ thử xăng E5 và có cảm giác loại xăng này hao hơn so với xăng A92. Giá cũng tương đương nhau nên tôi chọn xăng A92 cho an toàn”.
Còn chị Phạm Thu Loan (Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ, chị có nghe nói về ưu điểm của loại xăng sinh học này nhưng mỗi lần đổ xăng thấy đa số mọi người vẫn mua xăng A92 nên chị cũng chưa thay đổi được thói quen này. Ngoài ra, chị Loan cũng cho hay, không phải cửa hàng xăng dầu nào cũng bán xăng E5 nên kể cả muốn mua cũng không đơn giản.
Giảm sâu giá xăng E5 để kích thích tiêu dùng
Bàn về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế nhận định, có 3 nguyên nhân chính khiến xăng E5 thời điểm này chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam. Thứ nhất, về mặt nhận thức, người dân vẫn chưa thực sự an tâm, chưa hiểu hết lợi ích mà loại xăng này đem lại.
Thứ hai, theo ông Phong, giá cả xăng A92 với xăng E5 vẫn tương đương nhau, chưa có sự khuyến khích về mặt giá cả cho người tiêu dùng. Lý do cuối cùng là người dân vẫn còn sự lựa chọn hoặc cái này hoặc cái kia, nên họ vẫn tiếp tục sử dụng xăng A92 như một sự lựa chọn an toàn.
TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho rằng có thể giảm giá xăng E5 sâu hơn nữa để kích thích thị trường.
Theo đó, để khuyến khích người dân sử dụng xăng sinh học E5 trong thời gian tới, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định, việc giảm giá sâu loại xăng này là điều hoàn toàn khả thi.
“Chúng ta có thể xả quỹ bình ổn xăng dầu cho xăng E5 thay vì xăng A92. Đây là chưa kể có thể dùng biện pháp kích thích các doanh nghiệp trong việc nếu họ bán xăng E5 sẽ được lợi nhuận bình quân cao hơn mức bán xăng A92. Điều này sẽ tạo động lực cho việc tăng người bán, tăng người mua”, ông Phong nói.
Đồng quan điểm, ông Vũ Kiên Chỉnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị nhà máy cồn Tùng Lâm nhận xét, ở Việt Nam có 7 nhà máy sản xuất cồn ethanol để pha chế xăng sinh học E5, trong đó có 4 nhà máy có thể sản xuất được ngay.
“Theo tính toán, đến ngày 30/4/2016, tổng lượng cồn đang dùng để pha xăng E5 ở Việt Nam mới có 2.000 tấn/tháng, tương đương với 24.000 tấn/năm. Đây là con số quá nhỏ, chỉ bằng 1/8 sản lượng của 4 nhà máy này”, ông Chỉnh cho hay.
Cũng theo ông Chỉnh, xăng E5 của Việt Nam được sản xuất từ nguyên liệu chính là sắn lát trên dây chuyền công nghệ hiện đại tương đương với công nghệ sản xuất trên thế giới, đạt chất lượng cao.
“Đứng ở góc độ nhà cung cấp, tôi khẳng định là không có gì gấp gáp khi triển khai. Nhà máy đủ khả năng cung ứng đủ lượng E100 để pha, phục vụ nhu cầu sử dụng xăng E5 trên toàn quốc”, ông Chỉnh quả quyết nói.
Ông Chỉnh cũng cho biết, với năng suất bình quân hiện nay là 20 tấn/ha, 500.000 ha sẽ cung cấp được khoảng 10 triệu tấn sắn tươi cho toàn bộ nhu cầu ở Việt Nam, bao gồm cả xuất khẩu sang Trung Quốc.
“Tôi cho rằng việc bỏ xăng A92 sẽ không còn gây vướng bận gì nữa, bởi điểm xung đột chính là ở chỗ đó. Nếu cả nước bỏ xăng A92 thì các doanh nghiệp có thể dùng luôn bồn chứa, trụ bơm của xăng này để chứa xăng E5. Đây chính là điểm mấu chốt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vì họ không phải đầu tư thêm khoản gì nữa”, ông Chỉnh kết luận.
Tuyết Nhung / BizLIVE