UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch phát triển làng nghề nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 với tổng nhu cầu kinh phí 18,86 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn lực đáng kể hỗ trợ các làng nghề trong tỉnh hướng tới mục tiêu sản xuất, kinh doanh bền vững.
Phú Thọ là tỉnh có nhiều làng nghề chế biến chè
Phú Thọ hiện có 69 làng nghề nông thôn được công nhận với tổng số 30.740 lao động. Các làng nghề thuộc 4 nhóm chính, gồm: Chế biến, bảo quản nông - lâm - thủy sản có 38 làng nghề; thủ công mỹ nghệ có 20 làng nghề; xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng có 2 làng nghề và nhóm làng nghề gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh có 9 làng.
Trong 5 năm (2011 - 2015), Phú Thọ đã sớm phê duyệt quy hoạch, kế hoạch tổng thể về phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn; chương trình bảo tồn làng nghề và nhiều văn bản chỉ đạo điều hành, quản lý về làng nghề và ngành nghề nông thôn. Từ các chính sách này, tỉnh đã huy động nguồn vốn thực hiện nhiều hoạt động thiết thực. Cụ thể, tỉnh đã dành 1 tỷ đồng hỗ trợ công nhận 32 làng nghề mới; 4,62 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.169 lao động; 5,68 tỷ đồng hỗ trợ đổi mới trang thiết bị phát triển sản xuất…
Theo ghi nhận chung từ các đối tượng thụ hưởng, các hoạt động hỗ trợ đã được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, giúp khai thác được thế mạnh của các ngành nghề. Đơn cử với chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng năm các làng nghề phát triển tốt, có sản phẩm tiêu biểu đều được lựa chọn tham gia các hội chợ nhằm trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Qua đó, nhiều làng nghề đã tìm được thị trường tiêu thụ ổn định, và bước đầu xây dựng được thương hiệu sản phẩm.
Cũng từ những hoạt động hỗ trợ trên, các làng nghề trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn. Một số sản phẩm làng nghề có mẫu mã, chất lượng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, góp phần phát triển ngành dịch vụ, du lịch tại địa phương...
Tuy nhiên, quy mô sản xuất ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh nhỏ, nguyên liệu phục vụ cho sản xuất ngày một khan hiếm và giá thành cao. Sản phẩm làng nghề hầu hết chưa đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chất lượng chưa đồng đều nên mới chỉ tiêu thụ trên thị trường nội địa. Vấn đề ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề còn bỏ ngỏ, hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ. Tất cả nguyên nhân đó khiến khu vực làng nghề của tỉnh phát triển không đồng đều.
Trước hiện trạng trên, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 5025/KH-UBND về phát triển làng nghề nông thôn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, với các làng nghề đã được công nhận, tỉnh sẽ củng cố, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thông qua việc khuyến khích ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cải thiện mẫu mã sản phẩm, bảo vệ môi trường. Phát triển làng nghề gắn với cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và gắn với du lịch.
Các làng nghề xây dựng nông thôn mới, căn cứ điều kiện cụ thể, lợi thế của từng địa phương, khả năng truyền nghề, phát triển nghề... tỉnh sẽ xây dựng và đề nghị công nhận mới các làng nghề, trong đó tập trung vào 2 nhóm nghề ưu tiên là chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.
Để Kế hoạch phát triển làng nghề nông thôn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 sớm đưa vào triển khai, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao Sở Tài chính chủ trì, hàng năm cân đối các nguồn kinh phí, căn cứ các nội dung đề xuất trong kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét, quyết định để tổ chức thực hiện. Ngoài ra, tỉnh cũng khuyến khích, vận động các cơ sở sản xuất thuộc làng nghề tăng vốn đầu tư cho công nghệ; đề nghị hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh cho vay đầu tư phát triển sản xuất.
Giai đoạn 2016 - 2020, bình quân mỗi năm Phú Thọ dành trên 3,7 tỷ đồng hỗ trợ phát triển làng nghề, nguồn lực này sẽ giúp các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển thị trường. |
Việt Nga / baocongthuong